Đường cày thay cuốc

Chủ nhật, ngày 22/07/2012 06:10 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ông Mùa A Chả cài xong 4 cái gióng chuồng trâu thì nắng cũng vừa lên đúng đỉnh đầu. Muộn thế này mà vợ con ông vẫn chưa xuống núi.
Bình luận 0

Từ ngày có thêm mấy con trâu vất vả thật. Nắng có việc nắng, mưa có việc mưa, nhưng gia đình ông ai cũng vui...

Con trâu về bản

Nặng thì đi cuốc đất, đào hố trồng cây, nhẹ thì dắt con trâu cho nó gặm cỏ dọc triền núi, đúng là sau ngày con trâu “về bản” thì bản ông Chả cái gì cũng thay đổi. Mặc dù chưa nhiều nhưng ít ra nó cũng góp phần giải phóng sức lao động thô sơ, lạc hậu của con người.

img
Bộ đội giúp dân bản Mường Toong cấy lúa.

Ông Chả nhớ mãi lời cán bộ Nông trường 2 của Đoàn Kinh tế- Quốc phòng 379 (Quân khu 2): “Một con trâu sẽ đẻ thành 2, 2 con sẽ đẻ thành 4 nhưng mà phải luân chuyển con mẹ đấy để mỗi nhà khi nó ở lại đẻ được một con, luân chuyển thì nhà nào mà chả có trâu”.

Ông thấy thế mà hay. Một con trâu mẹ khi đẻ con nghé lại được chuyển đến nhà khác nuôi, lớn lên khi đẻ lại chuyển, cứ chuyển, biết đâu lúc về già cả bản này là chủ của nó nhưng chắc chắn ông Mùa A Chả vinh dự nhất vì ông được làm chủ đầu tiên của con trâu đó. Chợt nhớ ra bữa trước ông Giàng A Páo ở bản Tà Hàng (cùng xã Mường Toong, huyện Mường Nhé, Điện Biên) sang bảo:

- Chào ông Mùa A Chả nhé. Ông làm cái chuồng trâu gì mà to thế? Có khi nó còn hơn cả cái bếp sắp đổ nhà tôi thật rồi.

- Y dà, đừng nịnh tôi nữa mà. Con trâu bây giờ quý hơn vàng đấy. Phải làm cẩn thận mới được. Chuồng không tốt nhỡ nó chết mình vừa bị đền tiền lại mất trâu. Ầy, như thế thì phụ công của bộ đội Nông trường 2 quá mà...

Mải nói nên bát rượu trên tay ông cứ sánh mãi ra đất. Nhưng tiếc gì vài giọt rượu ngô. Người cùng xã đến nhà nhau là vui rồi, có việc nhờ nhau lại càng vui hơn.

Giàng A Páo cười khà khà:

- Ông thì cái gì cũng chu đáo. Nếu ông không là hộ đầu tiên nhận con trâu này thì vợ chồng tôi cũng không nhận làm gì. Đúng là con trâu quý hơn vàng thật rồi. Mà tôi với ông đã bao giờ thấy vàng đâu nhỉ?

Mùa A Chả rót thêm rượu vào bát men đã cũ:

- Biết làm thế nào được. Vàng mà làm gì, vàng có biết đẻ đâu nhỉ, bán mãi thì hết, hết thì không lấy lại được rồi. Nhưng có con trâu thì vàng cũng chẳng là gì, thằng con trai tôi cũng có thêm việc để làm. Con trâu nó biết đẻ, đẻ mãi thành ra chẳng bao giờ hết trâu. Đồng bào Mông ta ở Mường Toong nghèo quá, tôi và ông mãi chẳng mua nổi một con trâu. Đúng là bộ đội có khác, thương dân mình quá thôi. Mà hôm nay ông sang gặp tôi có việc gì thế sao không thấy nói?

Giàng A Páo trả lời:

- Cuối tuần này con bò nhà tôi cũng đẻ rồi. Nếu không bận ông sang giúp tôi đỡ đẻ cho nó nhé…

Nhanh thật. Thế mà con bò nhà Giàng A Páo đã đẻ rồi cơ đấy. Từ ngày bộ đội của Đội sản xuất 12 bàn giao cho dân bản 30 con trâu, 26 con bò thì trâu nhà ông Mùa A Chả đẻ con đầu tiên, còn bò lại là của Giàng A Páo. Kể ra cũng hay, mình nhận trâu hoặc bò thì chúng đều biết sinh sản. Như thế loài nào cũng quý vì đều giúp người Mông thoát nghèo.

Giải bài toán đói nghèo

Bao năm đồng bào Mông ở đây đã chung cảnh khổ mỗi khi vụ mùa tới. Cày, cuốc, kéo, đập… tất cả đều dùng sức người. Sức người thì giới hạn, làm nhiều sẽ ốm. Con trâu làm nhiều cũng ốm nhưng nó nhanh hồi phục, mà sức khoẻ phi phàm ấy mấy khi nó bị ốm đâu nhỉ. Những gia đình mà trâu bò bị ốm hoặc chết là do chủ hộ chưa biết cách chăm sóc, thậm chí để nó ngã núi nên mới chết.

Thực ra Mường Toong không phải là không có trâu, bò, tại cái nghèo nên số hộ không trâu, không bò rất nhiều. Một lần anh Lò Văn Inh - trung tá, Đội trưởng Đội sản xuất 12 phân tích:

- Nuôi con trâu cũng thế, không biết cách chăm sóc thì nó chết. Không có trâu thì người khổ một đời. Nhưng nếu có trâu, bò thì người miền núi ta sẽ bớt khổ đi, cái đầu chỉ phải nghĩ thôi còn con trâu làm hết. Trâu bò là của Nhà nước nhưng Đoàn cấp cho bà con theo dự án. Nghĩa là hộ nào nhận phải ký tên, cam kết rõ ràng. Không được để cho nó chết. Chết phải đền tiền, bà con biết không? Đắt lắm.

Một vài người già lên tiếng:

- Ô, thế thì mình không thích nhận đâu ớ, mình bán cả cái nhà còn chẳng đủ mua một con trâu nhỏ, giờ nhận nó về, nhỡ nó chết thì mình biết bán cái gì được nhỉ?

Bộ đội giải thích rõ hơn:

- Là thế này bà con ạ! Nhà nước cấp trâu bò cho một số hộ dân nghèo trước. Sau 4 - 5 năm nữa nếu nó đẻ thì những hộ này phải chuyển lại cho Đoàn 1 con. Con mẹ hoặc con con của nó đều được, Đoàn nhận để tiếp tục giao cho các hộ nghèo khác.

- Biết rồi. Bọn mình biết mà nhưng nó chết thì phải làm sao?

- Bà con cứ về nuôi. Đơn vị sẽ cử cán bộ, chiến sĩ cùng thú y của bản vào hướng dẫn cách chăm sóc. Nếu nó chết vì lý do khác thì thôi nhưng nó chết vì không được ăn, chăm sóc không đúng cách, không làm chuồng kín là không được đâu.

Xã Mường Toong có 447 hộ với hơn 4.300 khẩu thì người Mông chiếm đa số, tỷ lệ mù chữ 47%, vì vậy việc nói cho dân tin để dân làm là cả một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại bởi lối nghĩ cũ, phương thức canh tác manh mún từ xa xưa. Chủ tịch xã Khoàng Văn Thương và Bí thư Đảng ủy Khoàng Văn Cớm mừng vui khôn xiết. Vậy là các anh có thêm lực lượng luôn sát cánh cùng mình tìm một hướng đi mới để giải bài toán đói nghèo mà từ lâu chưa có ai chung tay.

Xã Mường Toong có 447 hộ với hơn 4.300 khẩu thì người Mông chiếm đa số, tỷ lệ mù chữ 47% vì vậy việc nói cho dân tin để dân làm là cả một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại bởi lối nghĩ cũ, phương thức canh tác manh mún từ xa xưa.

Bốn mùa cây ngô trổ lá. Bốn mùa con trâu theo người đi nương. Trâu nhà ông Mùa A Chả đã đẻ được một con. Nhanh thật. Hôm nó đẻ, dân bản đến xem đông lắm. Xem không phải vì chưa bao giờ họ biết đến con trâu mà đến để đón nhận niềm vui lớn.

Bữa ấy trăng đã gục đầu vào núi từ lâu, dân bản thấy nhà Mùa A Chả đốt đống lửa to đầu cổng. Vợ ông Mùa A Chả đã chạy đi từ sớm, nghe nói bắt đầu từ khi con trâu có biểu hiện lạ. Bà ấy chạy đi báo tin vui thôi, nhưng người được báo đầu tiên phải là bộ đội, bởi chính bộ đội đưa niềm vui ấy về bản.

Ông Mùa A Chả vừa mừng vừa lo. Không lo sao được, nhỡ nó có mệnh hệ gì thì ai sẽ thay mày đi kéo cày hả trâu? Nếu trời thương dân bản, thương ông thì ông sắp có một con trâu rồi và ai đó trong bản cũng sẽ có một con vào năm sau. Có thể ông sẽ bàn giao lại con mẹ, mà cũng có thể ông sẽ bàn giao con của nó cho hộ khác.

Thực ra con nào thì gia đình ông cũng tiếc nhưng không thể giữ về phần mình mãi được, như thế mọi người sẽ cười chê. Người Mông, Xạ Phang, Dao, Thái ở Mường Toong là thế đấy. Đói cũng nghĩ đến nhau, no cũng nghĩ đến nhau.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem