11h40’, tòa tuyên bố tạm dừng phiên xử.
14h chiều nay, tòa sẽ tiếp tục công việc.
11h39’, Tòa hỏi những tài sản của gia
đình Phúc - 1 mảnh đất 6 tỷ đồng ở Hải Phòng, nhiều nhà đất khác ở Tuần
Châu, Quảng Ninh (Phúc không nhớ có tất cả bao nhiêu).
11h28’, Phúc khai sau khi đoàn khảo
sát về (cuối năm 2008) có được Sơn đưa 1 gói quà trong đó có 1 chai rượu
Chivas 18 và 1 phong bì nhưng trong chỉ có… 2 triệu đồng.
Phúc khẳng định có căn cứ chứng minh lời khai của Trần
Hải Sơn về việc chuyển tiền cho mình là gian dối. Bác lại nội dung Sơn
khai là rút tiền từ Ngân hàng Hàng hải 5 tỷ đồng để tự tay xếp vào valy
mang đến nhà Phúc, Phúc lập luận, xác minh tại ngân hàng này, không hề
có việc Sơn rút tiền như trình bày.
Việc Sơn khai về quê An Sương, Hải Phòngcủa Phúc, bị
cáo trình bày, thời điểm đó con trai Phúc đang du học ở Anh, không thể
có chuyện thanh niên này lái xe đưa bố về quê để nhận tiền của Sơn
chuyển. Thời điểm năm 2008 con Phúc cũng không về nước, chỉ về vào đầu
năm 2009 (dịp sát Tết âm lịch).
Ngày 18.4 mới đây, tòa phúc thẩm cho phép vợ con vào
trại thăm Phúc. Bị cáo khi đó mới biết việc vợ cố gắng lo nộp 3,5 tỷ
đồng khắc phục hậu quả cho bị cáo. Tuy nhiên Phúc phản ứng, cho biết bản
thân không đồng tình với việc này của vợ. Bị cáo không tác động với gia
đình để nộp tiền cho mình vì khẳng định bản thân không sai, không có gì phải khắc phục.
“Làm thế là còn hại bị cáo vì làm như là mình có
tội” - Phúc gay gắt. Tuy nhiên, vợ bị cáo lý giải, “phải lo cứu mạng
trước rồi mới kêu oan tiếp được”.
11h24’, Mai Văn Phúc khẳng định không quen biết, không tiếp xúc lần nào với GĐ Công ty AP Goh Hoon Seow.
Cách đây khoảng 10 ngày, luật sư cung cấp thông tin
Phúc mới biết có 1 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận của đoàn khảo sát khi đi
Nga (có nội dung mua qua AP, có một khoản tiền hơn 3,4 triệu USD chuyển
cho trung gian là Công ty Global Success. Từ khoản này, 1,666 triệu USD
đã “chảy” ngược về Việt Nam).
Chủ tọa nhắc lại về hậu quả rất nghiêm trọng của vụ
án, ụ nổi vẫn gây thiệt hại mỗi ngày, giờ tính tiền công phá bỏ còn lớn
hơn tiền bán thanh lý. Phúc biện giải, nguyên tắc làm việc vẫn là các
ban tham mưu trình lên, mỗi văn bản đều qua mười mấy chữ ký, không có
lựa chọn nào khác.
Chủ tọa nghiêm khắc: “Nói như thế thì cần gì Tổng GĐ
như vị trí của bị cáo nữa”.
Phúc chốt lại, vẫn tiếp tục kêu oan về cả 2 tội danh bị tuyên buộc.
11h15’, Tòa chuyển sang nội dung xét
hỏi bị cáo
Mai Văn Phúc - nguyên Tổng GĐ Vinalines. Phúc trình bày lại,
vụ việc xảy ra khi Phúc vừa được bổ nhiệm chức Tổng GĐ 2 tháng.
Phúc không biết gì mọi việc cho đến khi bị bắt, được cơ quan điều tra thông báo.
Bị cáo Mai Văn Phúc.
Phúc giải thích không có chuyên môn, không nắm rõ về
quy định đầu tư xây dựng cơ bản. Vì vậy, Phúc không hiểu văn bản chỉ đạo
của Thủ tướng là phải chờ nhà máy sửa chữa tàu biển được cập nhật vào
quy hoạch ngành mới được triển khai.
Khi đoàn khảo sát sang Nga, Phúc cũng phủ nhận việc
dặn Trần Hữu Chiều phải cố gắng mua được ụ nổi này thông qua Công ty AP.
Tất cả việc này Phúc cho là do Trưởng đoàn khảo sát Trần Hữu Chiều ký
trình.
11h13’, Chủ tọa hỏi, ai là người đề
xuất thay đổi phương án vận chuyển ụ nổi 83M từ cách lai dắt thành dùng
tàu nâng hạ chở về. Sơn khai là do Mai Văn Khang - cán bộ phòng kỹ thuật
của TCty.
Ngày 30.10.2010, ụ nổi được chuyển đưa về TCty TNHH
sửa chữa tàu biển của Sơn để sửa chữa. Trong quá trình này, Sơn đã tham ô
tổng số hơn 3 tỷ đồng khoản tiền để sửa chiếc ụ nổi.
Hiện Sơn cũng đang bị bắt giam về hành vi này.
Được biết, phiên tòa xét xử hành vi phạm tội này
của Trần Hải Sơn tại Khánh Hòa đã phải hoãn vì trùng lịch với phiên phúc
thẩm này.
11h1’, tòa truy việc trao đổi để chuyển khoản tiền
1,666 triệu USD qua Công ty Phú Hà (công ty của em gái Sơn). Sơn nói ông
Goh hướng dẫn thủ tục chuyển tiền qua một công ty. Sơn cũng nói rõ được
Dũng, Phúc chỉ đạo tiếp nhận khoản tiền này nhưng không nói rõ cách
nhận thế nào. Cách thức là do ông Goh yêu cầu cung cấp tên, tài khoản
một doanh nghiệp trung gian.
Khoản 340 triệu đồng Sơn đưa cho Chiều thì Dũng, Phúc
không chỉ đạo mà Sơn tự nguyện đưa. Chiều là Trưởng ban QLDA nhà máy sửa
chữa tàu biển phía Nam, có tham gia đoàn khảo sát nên đưa tiền.
Còn Mai Văn Khang, Lê Văn Dương cũng tham gia đoàn khảo sát nhưng Sơn đánh giá vai trò “thứ yếu” nên… không chia.
Đánh giá về vai trò của mình khi nhận 7,8 tỷ đồng (chỉ
mỗi việc ký nháy), Sơn cho rằng, phần công sức của mình sẽ là về sau,
khi nhận trách nhiệm quản lý nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam.
“Bị cáo có nhận thức là nếu đổ vạ cho người khác thì mình sẽ được giảm trách nhiệm trong vụ tham ô” - Sơn thành thực.
10h47’, Trần Hải Sơn được yêu cầu
bước lên trước vành móng ngựa. Sơn trình bày lại cuộc khảo sát ụ nổi 83M
tại Nga chỉ trong 1 buổi chiều.
Sơn khẳng định lại lời khai về việc được Dũng chỉ đạo
ăn chia tiền. Những căn cứ về việc đưa tiền cho
Dương Chí Dũng, Sơn nhấn mạnh, giữ
nguyên như lời khai tại cơ quan điều tra, phiên tòa sơ thẩm.
Ngoài lần gặp
Dương Chí Dũng để đưa 5 tỷ đồng tại khách sạn Victory, Sơn không nhớ có lần gặp nào khác tại đây.
Khoản tiền 5 tỷ đồng đưa lần thứ 2 tại nhà mẹ vợ Dũng ở
Hải Phòng, Sơn khai là do em gái Huyền chuyển cho Sơn. Việc chuẩn bị
tiền có chồng Huyền (anh Long) chứng kiến.
Bị cáo Trần Hải Sơn khẳng định lại lời khai về việc được Dũng chỉ đạo ăn chia tiền.
10h45’, Đại diện VKS hỏi, năm 2008
Dương Chí Dũng ở khách sạn Victory bao nhiêu lần? Bị cáo đáp không nhớ. Đại diện
VKS công bố lại kết quả xác minh về tất cả những lần lưu trú ở khách sạn
đó.
10h37’, luật sư Ngô Ngọc Thủy “nhập
cuộc”. Ông Thủy đề cập đến mức án tử hình tòa sơ thẩm đã tuyên dành cho
Dương Chí Dũng. Dũng khẳng định việc kêu oan, nếu có chết rồi thì gia
đình bị cáo cũng sẽ tiếp tục kêu oan.
Luật sư Thủy gợi ý
Dương Chí Dũng đề nghị triệu tập ông Goh Hoon Seow đến tòa.
Dũng đề nghị triệu tập nhân chứng từ Nga biết việc
thỏa thuận ăn chia khoản tiền bán ụ nổi 83M. “Nếu nội dung này mà thể
hiện bị cáo biết việc ăn chia này thì bị cáo xin nhận án tử hình ngay” -
Dương Chí Dũng thống thiết.
10h33’, luật sư Nguyễn Huy Thiệp hỏi
thêm
Dương Chí Dũng. Luật sư yêu cầu bị cáo trình bày lại việc biết đến ụ
nổi 83M là do Trần Hải Sơn giới thiệu.
Dương Chí Dũng nói lại, không nhớ chắc ụ này là do Sơn hay ai
giới thiệu nhưng Sơn là người giải thích vì sao không mua ụ trực tiếp
được từ Nakhodka - Nga mà phải mua thông qua Công ty AP của Singapore.
Sau khi nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam hoạt động
thì Sơn sẽ là Tổng GĐ vì Sơn là người có công giới thiệu đất làm nhà
máy. Công của Sơn cũng là xây dựng quan hệ với địa phương (Bà Rịa - Vũng
Tàu), cũng là người tìm ra ụ, đề xuất mua ụ.
Việc xây dựng cơ cấu nhân sự nhà máy này cũng là do Tổng GĐ
Mai Văn Phúc trình lên HĐQT.
10h28’, luật sư Trần Đình Triển hỏi
Dương Chí Dũng. Ông Triển nói lại việc đưa tiền của Sơn cho Dũng khi ở
Sài Gòn. “Thời điểm 4h chiều hôm đó, Sơn nói gọi điện cho anh và được
anh cho biết đang ở khách sạn Victory, khi đó anh ở đâu?” - ông Triển
hỏi. “Khi đó tôi đang trên máy bay” -
Dương Chí Dũng đáp.
Luật sư Triển giải thích thêm, chuyến bay vào Sài Gòn
sáng hôm đó của
Dương Chí Dũng bị hoãn do việc đột xuất ở Bộ GTVT nên 6-7h tối
Dương Chí Dũng
mới đến được khách sạn Victory. Vì vậy không thể có chuyện Sơn hẹn
và mang 5 tỷ đồng đưa cho
Dương Chí Dũng vào khoảng 5h30 chiều hôm đó.
10h25’, Đại diện VKS hỏi thêm
Dương Chí Dũng. Về hành vi cố ý làm trái, kiểm sát viên phân tích, các bị cáo
bị cáo buộc thực hiện hành vi trong cả 4 giai đoạn xem xét, mua ụ nổi.
Dương Chí Dũng giải thích lại việc là ngược “quy trình”, mua
thiết bị trước khi có nhà máy là vì có cơ hội khi có đối tác chào bán
chiếc ụ nổi giá rẻ như vậy.
Kiểm sát viên cho rằng nội dung trả lời của
Dương Chí Dũng là đủ cơ sở làm rõ hành vi làm trái, làm khi chưa được duyệt, việc
phải làm sau cùng lại đi làm trước.
10h24’, cựu Chủ tịch Vinalines khai
trước khi đi trốn,
Dương Chí Dũng có qua nhà nhưng không lấy theo gì vì tư trang
lúc nào cũng sẵn trên xe. Bị cáo khẳng định lại nhận được thông tin “mật
báo” từ Thượng tướng Phạm Quý Ngọ vào khoảng 5-6h chiều ngày 17.5.2012.
HĐXX hỏi thêm.
Dương Chí Dũng vẫn một mực thề: “Việc này nếu có thì trời phật cũng biết thôi, sẽ bị trừng phạt cho dù chết hay không”.
10h15’, tòa đề cập lại vụ
Dương Chí Dũng bỏ trốn đi Campuchia.
Dương Chí Dũng khai chỉ định “lánh đi” đúng như lời gợi
ý của ông anh ở Bộ Công an. Bị cáo khẳng định, giờ đã nhận thấy đấy là
việc quá sai.
"Bị cáo hứa mang hết toàn bộ tài sản, kể cả những tài
sản đang bị kê biên để khắc phục hậu quả gây ra. Ngoài nhà đất, bị cáo
còn một số xe pháo” -
Dương Chí Dũng trình bày.
Nguồn tiền mua căn hộ ở Sky City là của
Dương Chí Dũng, bị cáo
lấy từ vợ đưa cho chị T mua. Bị cáo đến giờ cũng không nhớ khoản tiền
là bao nhiêu vì chị này đứng tên mua.
Dũng xác nhận việc khai của chị T về việc chị góp 600
triệu đồng trong số khoản tiền hơn 4 tỷ đồng mua căn hộ này là đúng. Vì
chị T có ý kiến về việc này,
Dương Chí Dũng cũng đề nghị tòa xem xét chi tiết
này.
10h13’, chuyển sang nội dung về quan
hệ với ông Goh,
Dương Chí Dũng xác định biết nhân vật này trước đó nhưng
không tiếp xúc, bàn bạc gì việc mua ụ nổi 83M. Có gặp Goh trong một hội
thảo về ụ nổi, bị cáo chỉ chào xã giao một câu rồi đi luôn khi ông này
đề nghị “ủng hộ cho việc mua ụ 83M”.
Về quan hệ với Trần Hải Sơn,
Dương Chí Dũng khẳng định tin tưởng
cán bộ này. Chính Sơn là người tìm ra khu đất ở Vũng Tàu và đề xuất sử
dụng làm địa điểm xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam.
10h10’, cựu Chủ tịch Vinalines khai,
gia đình đã bán hết tài sản, nộp 4,7 tỷ để giúp
Dương Chí Dũng khắc phục
thiệt hại. Tòa tuyên bố, đến giờ chưa nhận được hồ sơ tài liệu nào
khẳng định về việc này.
Dương Chí Dũng lý giải, khoản tiền này là để khắc phục chung
những hậu quả gây ra từ hành vi của mình, không rõ là cho tội tham ô
hay cố ý làm trái. Trong khi trước đó, đơn của
Dương Chí Dũng viết là sẽ cố gắng
khắc phục với tội tham ô trước.
10h5’, Dương Chí Dũng thề thốt: “Bị
cáo thề có trời đất chứng giám không có chuyện nhận 10 tỷ đồng từ Trần
Hải Sơn”.
“Tết nhất anh ấy có đến thăm, có chai rượu, túi hoa quả biếu
thôi, không có tiền bạc gì” -
Dương Chí Dũng quả quyết.
Bị cáo cũng phủ nhận việc nhận tiền tại khách sạn Victory. Đây là khách sạn theo “chế độ” công tác.
Cuộc vào TP.HCM khi đó,
Dương Chí Dũng kể, đi cùng đoàn
công tác hơn 10 cán bộ của Vinalines. Thời gian đoàn đi vào buổi sáng
nhưng bị cáo có việc đột xuất ở Bộ GTVT nên đổi vé sang bay 15h30 chiều.
Vì thế, theo
Dương Chí Dũng, việc Sơn khai đến khách sạn lúc 17h30 để đưa tiền là
không đúng vì khi đó bị cáo còn đang… bay.
10h1’, Dương Chí Dũng cho biết, theo tính toán, chi phí
đưa ụ về, kể cả sửa chữa là 26 triệu USD. Tiền đầu tư là đi vay ngân
hàng. Sau này, phương án trả nợ là thành lập công ty cổ phần để huy động
vốn, bù đắp lại.
9h55’, Tòa hỏi việc lập đoàn khảo sát
ụ nổi 83M.
Dương Chí Dũng cho biết, đây là một hạng mục của nhà máy sửa chữa tàu
biển phía Nam. Khi nhà máy chưa được bổ sung vào quy hoạch mà đã tiến
hành việc mua ụ nổi,
Dương Chí Dũng xác nhận là không đúng quy trình. Lý
do làm ngược quy trình là vì khi đó phía Nga rao bán ụ này. Khi đó,
Vinashin đã mua về 2 ụ nhưng đều bị chìm đắm trong quá trình lai dắt về
Việt Nam.
Bị cáo Dương Chí Dũng đổ cho Mai Văn Phúc là quyết định mua ụ 83M.
Dương Chí Dũng nói khi đó bị cáo đề nghị mua ụ ở Na Uy vì còn
mới nhưng không hiểu sao sau đó Tổng GĐ trình lên lại là ụ 83M. Có nhiều
ụ nổi khác cũng được chào hàng thời điểm đó nhưng việc quyết định khảo
sát ụ 83M,
Dương Chí Dũng cũng khẳng định là do
Mai Văn Phúc.
Trước khi đoàn khảo sát đi, cựu Chủ tịch Vinalines
khẳng định không chỉ đạo về việc mua hay không mua ụ nổi với bất cứ ai.
Khi anh em về báo cáo kết quả khảo sát, biếu cả một chai rượu, bị cáo
cũng không hỏi rõ hơn thông tin gì. Bị cáo chỉ biết, ụ này đáp ứng yêu
cầu nâng đỡ tàu 50.000 tấn, mua ụ cũ thì đỡ tiền đi vay.
Mục đích đưa ụ nổi về trước khi xây dựng nhà máy là để
sửa chữa xong thì cho thuê để khai thác luôn. Ụ được đưa về neo đậu ở
Đồng Nai (gần vị trí dự định làm nhà máy).
Khi đưa được về, đúng thời điểm xảy ra vụ Vedan
nên việc thẩm định đánh giá tác động môi trường bị đình lại 2 năm. Và
thực tế, cho đến bây giờ, ụ vẫn chưa được sửa chữa, chỉ là khối sắt phế
liệu khổng lồ vẫn không ngừng gây tốn kém, bán thanh lý cũng không được.
9h47’, Dương Chí Dũng khai, chủ
trương đầu tư nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam từ năm 2006, khi đó
Dương Chí Dũng đang là Tổng GĐ TCty. Dự án triển khai sau khi HĐQT có văn bản báo
cáo Bộ GTVT vì coi như báo cáo là được chấp nhận.
Văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng là “đồng ý
về nguyên tắc”,
Dương Chí Dũng cho rằng như thế là được triển khai. Tuy nhiên, văn
bản này cũng nêu yêu cầu phải bổ sung dự án vào quy hoạch tổng thể phát
triển ngành công nghiệp tàu biển. Về điểm này,
Dương Chí Dũng nhận là
sai, làm trái chỉ đạo Thủ tướng.
Mai Văn Phúc cũng biết về văn bản này và cũng không đề cập việc triển khai là trái ý kiến Thủ tướng.
9h44’, tòa bắt đầu xét hỏi
Dương Chí Dũng. Cựu Chủ tịch Vinalines khẳng định nội dung kháng cáo kêu oan với
tội tham ô tài sản, đề nghị xem xét lại trách nhiệm tội “cố ý làm trái”.
Dương Chí Dũng nói, về tội “cố ý làm trái”, bị cáo xin được giảm hình phạt.
Tòa công bố đơn của
Dương Chí Dũng nói xin nhận tội, cố gắng khắc phục khoản tiền 10 tỷ đồng bị quy buộc là tham ô.
Dương Chí Dũng khẳng định lại yêu cầu kêu oan. Tòa giải thích,
như vậy chỉ xem xét về tội danh, không xét việc giảm án về tội này đối
với bị cáo.
9h40’, HĐXX tóm tắt nêu rõ nội dung kháng cáo của từng bị cáo, người liên quan theo diễn biến thời gian mỗi người nộp đơn kháng án.
Bà Phạm Thị Mai Phương kháng cáo yêu cầu tuyên hủy nội
dung kê biên 3 căn nhà của
Dương Chí Dũng (trong đó có căn hộ tại tòa
nhà Pacific).
9h18’, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa
nhận định, việc đề nghị của luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bào chữa cho bị
cáo Trần Hải Sơn) về việc gặp, tiếp xúc với bị cáo trong quá trình diễn
ra phiên tòa phù hợp quy định.
Về việc triệu tập thêm một số nhân chứng, trong
đó có nhân chứng từ Nga - người được cho là biết việc thỏa thuận ăn chia
của các bị cáo, tòa cho rằng, luật sư Triển đã có chứng cứ thu thập từ
Singapore gửi tòa.
Trong quá trình xét xử, tòa sẽ xem xét vấn đề này xem
có cần thiết triệu tập các nhân chứng như đề nghị không. Chủ tọa cũng đề
nghị luật sư Triển chia sẻ tài liệu này với các đồng nghiệp để cùng sử
dụng trong phiên xử.
Với nhân chứng là lái xe của Trần Hải Sơn, tòa cho
rằng đã có lời khai trong hồ sơ vụ án, cần thiết tòa sẽ công bố bút lục
này. Vì vậy, chủ tọa tuyên bố tiếp tục phiên xử.
9h12’, HĐXX quyết định hội ý về vấn đề các luật sư đưa ra.
9h8’, luật sư Trần Đình Triển cho
rằng, đây là phiên tòa xét xử liên quan đến sinh mạng của 2 con người.
Nhân chứng từ Nga là để làm rõ việc ai là người đứng ra thương thảo về
việc lại quả 1,666 triệu USD. Vấn đề này ông Triển đã thu thập được
chứng cứ từ phía Singapore nhưng phía Nga vẫn “khuyết”. Chứng cứ này,
theo ông Triển là thể hiện những hành vi liên lạc của bị cáo Trần Hải
Sơn với phía Nga - đơn vị là chủ
ụ nổi 83M.
Luật sư Trần Đình Triển trình bày bản tuyên thệ khai báo của ông Goh Hoon Seow mà các luật sư vừa thu thập được từ Singapore.
Luật sư Hoàng Huy Được (người bào chữa cho bị cáo
Mai Văn Phúc) cho rằng, việc triệu tập lái xe này rất quan trọng để làm rõ
việc chia khoản tiền 1,666 triệu USD như thế nào.
Luật sư Ngô Ngọc Thủy cũng tán thành ý kiến của ông
Triển, Thắng, Được. Ông Thủy đề nghị triệu tập thêm cả ông Goh Hoon Seow
cùng với nhân chứng người Nga để làm sáng tỏ vụ án.
8h59’, luật sư Trần Đình Triển đề nghị được nộp tài
liệu, chứng cứ mới. Luật sư Trần Đại Thắng đề nghị triệu tập thêm 3 nhân
chứng, 1 nhân chứng tại Nga, một nhân chứng là lái xe của Trần Hải Sơn -
người có lời khai về việc đón Sơn khi Sơn đến đưa tiền cho Dũng tại
khách sạn Victory (TP.HCM).
8h56’, tòa công bố đơn xin xét xử
vắng mặt của chị P.T.T. Chị này đề nghị xem xét lại việc kê biên căn hộ ở
tầng 29 tòa nhà Sky City tại Láng Hạ đứng tên chị này, không đề cập đến
căn hộ ở tòa nhà Pacific Lý Thường Kiệt. Đây là 2 căn hộ chung cư siêu
sang được cho là do
Dương Chí Dũng mua, để chị T đứng tên.
8h50’, Chủ tọa phiên tòa giải thích với các bị cáo, đây
là phiên tòa phúc thẩm, bản án sẽ có hiệu lực thi hành ngay. Nếu không
tán thành với phán quyết, các bị cáo có thể làm đơn đề nghị kháng nghị
giám đốc thẩm gửi lên Viện trưởng VKSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao.
8h32, Tòa thẩm tra căn cước
Dương Chí Dũng. Phần thẩm
tra căn cước cựu Tổng GĐ
Mai Văn Phúc gián đoạn vì chủ tọa phiên tòa yêu
cầu lực lượng cảnh sát bảo vệ mở còng tay cho bị cáo.
Dương Chí Dũng mặc áo sơmi trắng, khác hẳn những bị cáo khác.Đúng
8h30, Thẩm phán Nguyễn Văn Sơn
tuyên bố khai mạc phiên tòa. Thư ký phiên tòa thông báo, 9 bị cáo có
kháng cáo có mặt tại tòa. Các luật sư cũng đã đến tòa đầy đủ.
8h19, Thư ký tòa bắt đầu kiểm tra sự
có mặt của các luật sư, người làm chứng, người liên quan, thân nhân được
mời của các bị cáo.Đại diện các cơ quan chức năng: Bộ Giao thông Vận
tải (GTVT), Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ Tài chính.
Thư ký tòa phổ biến nội quy phiên tòa. Hội đồng xét xử vẫn chưa vào phòng xử án.
7h57, bị cáo Mai Văn Phúc đã có mặt
tại tòa. Bị cáo
Dương Chí Dũng cũng vừa bước vào phòng xử án.
Dương Chí Dũng mặc sơ mi trắng, khác hẳn với các bị cáo khác.
Dương Chí Dũng ngồi cùng Mai Văn Phúc trên hàng ghế
đầu tiên sát vành móng ngựa, sơ mi trắng "đóng thùng", tóc chải mượt, vẻ
rất thoải mái, điềm tĩnh. Cựu Chủ tịch Vinalines liên tục cười, gật đầu
chào những người xung quanh.
Bị cáo Mai Văn Phúc.
Xe dẫn giải các bị cáo đến tòa dự phiên phúc thẩm. 7h26, Đến thời điểm này, tất cả các bị cáo khác đã đến tòa, trừ bị cáo
Dương Chí Dũng và
Mai Văn Phúc. Phòng xử án rất nhỏ, chỉ đủ bố trí cho các bị cáo và các luật sư. Hiện mỗi bị cáo đang được bố trí ngồi cách ly ở 1 hàng ghế.
Được biết, tham gia phiên xử phúc thẩm có 16 luật sư bào chữa cho 9 bị cáo. Trong đó, bào chữa cho
Dương Chí Dũng có 3 luật sư là các ông: Ngô Ngọc Thủy, Trần Đình Triển và Trần Đại Thắng.
6h58, Những bị cáo đầu tiên được dẫn giải vào phòng, đó là Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn và bị án Bùi Thị Bích Loan. Tuy nhiên, vẫn chưa thấy xe chở các bị cáo
Dương Chí Dũng và
Mai Văn Phúc đến. Theo cán bộ dẫn giải, những bị cáo này bị đã bị giam ở nơi khác.
Bị cáo Trần Hữu Chiều.
Bị cáo Trần Hải Sơn.
Bị án Bùi Thị Bích Loan.
Sáng nay (22.4), Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm Dương Chí Dũng và các đồng phạm trong vụ án tham ô tài sản, cố ý làm trái tại TCty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Phiên xử dự kiến kéo dài 3 ngày, từ 22 đến 24.4.2014. Thẩm phán tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội Nguyễn Văn Sơn làm chủ tọa phiên tòa. Hội đồng xét xử gồm 3 thẩm phán.
Cho đến thời điểm mở tòa, có 9/10 bị cáo của vụ án kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND thành phố Hà Nội (tuyên án vào giữa tháng 12.2013).
Cụ thể, bị cáo Dương Chí Dũng - cựu Chủ tịch Vinalines kháng cáo kêu oan về tội “tham ô tài sản” (tội danh mà bị cáo bị tòa sơ thẩm tuyên phạt án tử hình), xin giảm nhẹ hình phạt về tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Bị cáo Mai Văn Phúc - cựu Tổng Giám đốc Vinalines kháng cáo kêu oan đối với cả 2 tội danh này.
Ngoài ra, bị cáo Lê Văn Dương (Đăng kiểm viên Chi cục đăng kiểm số 6 - Cục Đăng kiểm Việt Nam), người cùng đoàn cán bộ của Vinalines sang Nga để khảo sát
ụ nổi 83M, kháng cáo kêu oan khi bị tuyên phạt 7 năm tù về tội “cố ý làm trái”.
Cựu Chủ tịch Vinalines kháng cáo kêu oan đối với tội tham ô tài sản bị tòa sơ thẩm tuyên buộc.
Các bị cáo khác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt gồm: Nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines, nguyên Phó Trưởng ban QLDA nhà máy đóng tàu phía Nam của Vinalines Trần Hải Sơn (bị tuyên phạt 22 năm tù cho cả 2 tội danh tham ô tài sản, cố ý làm trái); nguyên Phó tổng giám đốc Vinalines Trần Hữu Chiều (19 năm tù); nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinalines Mai Văn Khang (7 năm tù); nguyên Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa Huỳnh Hữu Đức, nguyên Đội trưởng Đội Nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong - Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa Lê Ngọc Triện, cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong Lê Văn Lừng (cùng nhận án 8 năm tù).
Trong vụ án, duy nhất vị cáo Bùi Thị Bích Loan, nguyên Kế toán trưởng Vinalines (bị tuyên phạt 4 năm tù) không kháng án. Tuy nhiên, bị án này lại bị kháng nghị liên quan đến trách nhiệm bồi thường dân sự cùng một số bị cáo khác nên vẫn được triệu tập đến tòa.
Được biết, trước phiên xử phúc thẩm, gia đình 2 bị cáo “đầu vụ” là Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc đã nộp một số tiền khắc phục hậu quả để mong được áp dụng một tình tiết giảm nhẹ “tội trạng”. Gia đình Dương Chí Dũng nộp 4,7 tỷ đồng; Mai Văn Phúc
nộp được 3,5 tỷ đồng. Số tiền này chưa được xác định để khắc phục hậu
quả cho hành vi tham ô (tòa tuyên buộc mỗi bị cáo phải bồi hoàn 10 tỷ
đồng) hay hành vi cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng (hậu quả được
xác định tới hơn 360 tỷ đồng, mỗi bị cáo phải chịu trách nhiệm bồi
thường 110 tỷ đồng). Theo quy định pháp luật, nếu khoản tiền khắc
phục hậu quả được bằng ít nhất 1/2 giá trị tài sản bị chiếm đoạt, bị
cáo hoặc gia đình đã bồi thường được từ 1/3 đến dưới 1/2 giá trị tài sản
bị chiếm đoạt (trong trường hợp đã cố gắng hết sức, bán hết nhà ở, tài
sản có giá trị, vay mượn… đến mức tối đa) thì có thể được xử phạt tù
chung thân hoặc tù có thời hạn. Tuy nhiên, vì cả 2 bị cáo phải
nhận án tử hình về tội tham ô tài sản đều kháng cáo kêu oan về tội danh
bị tuyên buộc này nên hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ không xem xét vấn đề
giảm án cho Dũng, Phúc ở tội này. Tại phiên tòa xét xử em trai Dương Chí Dũng - cựu đại tá Dương Tự Trọng
(nguyên Phó GĐ Công an Hải Phòng), Dũng cũng có động thái “chuộc tội”
bằng cách khai ra người đã “mật báo” thông tin bị khởi tố để bị cáo kịp
thời bỏ trốn trước khi bị bắt và tố cáo nhiều tiêu cực khác của cán bộ
cơ quan điều tra Bộ Công an trong quá trình điều tra vụ án. Từ thông tin
này, TAND Hà Nội đã khởi tố vụ án “cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, chuyển
VKS xem xét điều tra và kiến nghị điều tra những thông tin tố cáo tiêu
cực. Nếu có tội phạm được phát hiện, phanh phui từ tố cáo này, đây cũng được đánh giá là một tình tiết “lấy công chuộc tội” giúp Dương Chí Dũng được giảm nhẹ trách nhiệm trong vụ án xảy ra tại Vinalines.
|
Dân trí (Theo Dân trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.