“Đương đại hóa” nhạc Trịnh, Lê Hiếu và Hà Lê bùng nổ với đêm nhạc Jazz Sài thành

Thuý Vi Thứ sáu, ngày 16/10/2020 16:43 PM (GMT+7)
Đại nhạc hội sôi nổi dành cho Jazz Việt trong Fusion Jazz Concert.
Bình luận 0

Sau thành công của đêm Fusion Jazz Concert tối 16/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, giữa bối cảnh đại dịch covid làm ngừng trệ mọi hoạt động biểu diễn nghệ thuật, việc tiếp tục thực hiện đêm nhạc thứ hai thuộc chuỗi Nam Jazz Night ở Nhà hát Lớn TP.HCM thật sự là nỗ lực phi thường của nghệ sĩ dương cầm Tuấn Nam và ê-kíp trong khát vọng thổi bùng ngọn lửa đam mê, kiến tạo sân chơi xứng tầm cho những người yêu Jazz ở Việt Nam. 

img

Ca sĩ Hà Lê và Dương Hoàng Yến

Để chuẩn bị cho đêm nhạc mới hoàn toàn, với một thực đơn âm nhạc hoàn toàn mới, dàn ca sỹ mới, Tuấn Nam cho hay, đêm Fusion Jazz Concert ở Sài thành sẽ là sân chơi “không khoảng cách” của các giọng hát ở cả hai miền. Tinh thần “không khoảng cách” còn thể hiện ở việc trong đêm diễn ở Sài Gòn, các giọng ca thể hiện những ca khúc nhiều hơn. Khán giả sẽ thấy các ca khúc quen thuộc có một hơi thở mới khi được khoác tấm áo jazz trong bản phối của Tuấn Nam và band Nam Jazz Night.

Trong vai trò Giám đốc âm nhạc của đêm Fusion Jazz Concert tại TP.HCM, nghệ sĩ Tuấn Nam chia sẻ: “Tôi muốn nhạc jazz được đến gần với người nghe để họ cảm nhận được thứ âm nhạc này hoàn toàn không khó nghe, trái lại rất thi vị, ngọt ngào và sang trọng. Việc mời những gương mặt ca sĩ trẻ như lạ như quen trong đêm “Nam tiến” mong muốn mang tới phong vị mới so với đêm Hà Nội. Sự táo bạo này sẽ mở đường và dẫn lối để Jazz chảy trong lòng các dòng nhạc khác, giúp khán giả đón nhận dễ dàng hơn. Họ sẽ thể hiện ca khúc vừa quen vừa lạ khi được khoác tấm áo mới mang tinh thần Jazz.

Cũng theo Tuấn Nam, trong suốt một tháng qua, anh và band thay phiên di chuyển hai đầu cầu Sài thành và Hà Nội để tập với các ca sỹ. Ở cầu Hà Nội, Hà Lê sẽ xuất hiện bên cạnh “nàng thơ” mới là Dương Hoàng Yến. Được Tuấn Nam gọi là “ca khó” Hà Lê hào hứng chia sẻ trong đêm Sài Gòn, anh và Dương Hoàng Yến sẽ lần đầu tiên “remake” lại nhạc phẩm “Mưa Hồng” trong dự án “Trịnh Contemporary” với tinh thần Jazz.

img

Ca sĩ Lê Hiếu cùng ban nhạc

Trong khi đó, sở hữu giọng hát mùi mẫn và ngọt ngào, Lê Hiếu có thách thức “jazz hoá” nhạc xưa. Với hai ca khúc “Xin còn gọi tên nhau” và “Bây giờ tháng mấy” khán giả sẽ được nhìn thấy một hoàng tử nhạc tình Lê Hiếu ngẫu hứng và bùng nổ hơn cùng những bản hoà âm đầy sâu lắng và bất ngờ của Tuấn Nam và Nam Jazz Night Band.

Trong khi đó, với sở trường nhạc Soul, RnB- Đinh Hương và Soobin như Tuấn Nam bật mí sẽ là hai ẩn số thú vị nhất mà ê-kíp muốn tạo bất ngờ vào phút cuối.

Bắt tay thực hiện đêm nhạc trong 1 năm còn có ý nghĩa sâu sắc với con đường độc lập của Tuấn Nam. Nói như thế là bởi nó đánh dấu hành trình 10 năm theo đuổi khát vọng Jazz của nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng.

img

Ca sĩ Dương Hoàng Yến

10 năm trước, trở về nước khi mới tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Malmo (Thụy Điển), Tuấn Nam gây chú ý khi đã thực hiện thành công 3 đêm nhạc riêng với sự hỗ trợ rất lớn từ phía Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, các đồng nghiệp, đặc biệt là các thầy và bạn học bên Thụy Điển. Đó là đêm nhạc bao gồm các bản hòa tấu nhạc Jazz.

Với Tuấn Nam, cú rẽ này chính là sự trở về với bản ngã của chính anh. Trở về nhưng cũng chính là tiếp tục cội nguồn đam mê và khát vọng âm nhạc. Bởi dù là một nhạc công hay là một nhà sản xuất, thì theo đuổi khát vọng Jazz ở Việt Nam chính là thế mạnh và là niềm đam mê cháy bỏng nhất của Tuấn Nam.

Cụ thể, chương trình sẽ có concept trải dài với những khúc quanh tôn vinh vẻ đẹp của âm nhạc Việt Nam qua những bản hoà âm mang đậm chất Jazz cùng những giọng hát giàu cảm xúc.

img

Giám đốc âm nhạc Tuấn Nam

Nguyễn Tuấn Nam là người duy nhất của Học Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam được đặc cách tuyển thẳng vào Học Viện Âm nhạc Malmo (Thụy Điển) vào năm 2017, nhận học bổng toàn phần khoá đào tạo cử nhân và thạc sĩ chuyên ngành Piano Jazz mà không phải qua bất kì vòng thi tuyển nào.

Anh có nhiều hoạt động đáng ghi nhớ trong thời gian học tập nước ngoài như biểu diễn cùng nghệ sĩ Buzor (Đan Mạch). Cả hai lưu diễn và gặt hái nhiều thành công tại: Festival danh tiếng Sata-Hame Soi 2009 (Phần Lan), Triển lãm Âm Nhạc Thế Giới tại Frankfurt (Đức), Jazzcruise Sinjaline (Thụy Điển) và nhiều liên hoan âm nhạc khác tại Thụy Điển, Đan Mạch.

Khi trở về nước năm 2010, anh tổ chức liveshow đầu tiên tại Nhà Hát Lớn Hà Nội và Nhà hát TP.HCM với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng: Nhóm tam tấu Trio Per Oscar Nilsson (Thụy Điển) và NSƯT Quyền Văn Minh, nghệ sĩ saxophone Jazz Quyền Thiện Đắc và thầy anh, GS. Hakan Rydin.

Tuấn Nam là nhà sản xuất âm nhạc, giám đốc âm nhạc và kĩ thuật cho nhiều dự án, chương trình ca nhạc lớn ở Việt Nam như liveshow Hoàng Quyên, Kenny G Live in Concert, Live in Concert BoneyM- Chris Norman… Anh từng kết hợp với nhiều ca sĩ nổi tiếng như Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thanh Lam, Oplus… để ra mắt nhiều sản phẩm âm nhạc chất lượng cao.

img

Ban nhạc tập luyện cho đêm Concert

Nói về sự dấn thân quyết liệt mang Nam Jazz Night “Nam tiến” tới đây, ông Phạm Ngọc Quốc Cường - giám đốc sản xuất của chuỗi chương trình chia sẻ: “Là đêm nhạc thứ 2 thuộc chuỗi Nam Jazz Night, chúng tôi muốn chứng minh Jazz không quá xa vời và nặng nề. Trái lại, Jazz vẫn len lỏi trong trái tim yếu nhạc của đại chúng, trong rất nhiều thể loại nhạc, trong các ca khúc mà họ vốn dĩ rất quen thuộc, thậm chí có thể hát theo.

Tôi nghĩ khi đến với đêm nhạc này, rất nhiều khán giả sẽ ngân nga theo giai điệu của các ca khúc mà nghệ sĩ đang trình diễn trên sân khấu. Họ sẽ nhận ra, à, hoá ra mình đã nghe, đã thưởng thức, đã quen thuộc với Jazz từ lâu lắm rồi. Thông qua việc phủ rộng cái tên ca sĩ lần này, ê-kíp muốn khẳng định sân chơi không khoảng cách, không giới hạn của Nam Jazz Night với khát vọng mở lối để dòng nhạc Jazz phát triển và trở thành dòng nhạc đại chúng ở Việt Nam".

Video buổi tập của các nghệ sĩ trước giờ biểu diễn

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem