Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa đề nghị Bộ Tài chính về việc sửa đổi một số điều của Hiệp định vay vốn bổ sung cho Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sử dụng vốn vay Trung Quốc. Việc sửa đổi Hiệp định vay vốn này nhằm bổ sung khoảng 7,835 triệu USD cho dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Theo Bộ GTVT, do hợp đồng EPC không thể hoàn thành đúng theo tiến độ nên phải kéo dài thời gian thực hiện. Nguyên nhân này đã dẫn tới dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị tăng chi phí hợp đồng tư vấn giám sát nên cần bổ sung khoảng 7,835 triệu USD.
Làm rõ về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, đại diện Bộ GTVT cho biết, việc sửa đổi Hiệp định vay vốn là do, giai đoạn 1 Hiệp định chưa có phần vốn cho tư vấn giám sát. Giai đoạn này, toàn bộ vốn dùng cho thi công xây lắp.
Trong khi đó, tư vấn giám sát là đơn vị đi theo dự án từ đầu đến khi kết thúc dự án, nên trong Hiệp định vay vốn bổ sung cho dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cần phải bổ sung phần vốn cho tư vấn giám sát. Vì vậy, Bộ GTVT mới đề nghị Bộ Tài chính đàm phàn với phía Trung Quốc về việc bổ sung vốn này.
Hiện nay, văn phòng Bộ GTVT cũng đã có thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông về tiến độ các dự án xây dựng cơ bản và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Dự kiến, trong năm 2021, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ hoàn thiện.
Đến nay, mọi công đoạn, thủ tục hoàn thiện để đưa dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào khai thác thương mại đã được Bộ GTVT hoàn tất và báo cáo "nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng đưa vào sử dụng" gửi tới Hội đồng nghiệm thu Nhà nước xem xét và có đánh giá cuối cùng để ra thông báo về kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư dự án.
Đánh giá cuối cùng của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước là cơ sở cuối cùng để Bộ GTVT và UBND TP.Hà Nội và tổng thầu Trung Quốc hoàn tất thủ tục bàn giao dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông để đưa vào vận hành, khai thác thương mại.
Trao đổi với PV Dân Việt, GS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp trường Đại học GTVT cho biết: Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị chậm tiến độ, đội vốn có nhiều nguyên nhân. Cụ thể, đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam. Chúng ta chưa có kinh nghiệm trong đấu thầu quốc tế, công nghệ, huy động nguồn vốn.
"Trong khi đó, dự án được đầu tư xây dựng theo công nghệ Trung Quốc, nhưng chúng ta lại thuê tư vấn Pháp áp tiêu chuẩn châu Âu để đánh giá chất lượng nên có sự vênh nhau", GS.TS Sùa cho hay.
Theo GS.TS Sùa, sự vênh nhau giữa 2 quy chuẩn này dẫn tới trường hợp khó xử khiến Hội đồng nghiệm thu Nhà nước chưa thể đưa ra đánh giá cuối cùng để đưa dự án đướng sắt Cát Linh - Hà Đông vào khai thác thương mại. Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cần sớm có đánh giá tổng thể, đưa ra quyết định sớm đưa dự án vào khai thác để giảm thiệt hại, tránh việc phải đội vốn của dự án.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Động chậm đưa vào sử dụng ngày nào thì chúng ta thiệt hại ngày đó.
Vừa qua, Bộ GTVT báo cáo việc điều chỉnh bổ sung vốn hơn 7,8 triệu USD cho dự án, cũng là hệ quả của việc dự án bị chậm không đưa vào khai thác đúng kế hoạch.
Trước đó, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản gửi các Sở GTVT, KHĐT, Tài chính, LĐ-TB&XH, Xây dựng, Thông tin-truyền thông, Ban quản lý dự án đường sắt - Bộ GTVT, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội về việc thực hiện chỉ đạo của thường trực thành ủy về công tác tiếp nhận, bàn giao dự án đường sắt đô thị số 2A tuyến Cát Linh - Hà Đông.
UBND TP giao Sở GTVT chủ trì, cùng Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội và các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý dự án đường sắt - Bộ GTVT và các đơn vị chức năng thuộc Bộ GTVT khẩn trương triển khai thực hiện các công việc có liên quan đến trách nhiệm của UBND TP trong công tác tiếp nhận, bàn giao dự án đường sắt đô thị số 2A tuyến Cát Linh-Hà Đông theo đúng chỉ đạo của thường trực thành ủy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.