Những tháng ngày “ma ám”
9 tuổi bỏ nhà đi móc túi, 20 tuổi ăn cắp ghe vượt biên, 27 tuổi bị trục xuất về nước, 30 tuổi vào tù, 34 tuổi vào trại cai nghiện với thâm niên 7 năm… Đó là quá khứ của Chín Cư.
Nhớ lại những ngày đã qua, đến giờ Võ Văn Cư (thường gọi là Chín Cư) vẫn còn hãi hùng. Chín Cư kể, năm 1990, đang là một ngư dân, Cư lấy cắp của cha chiếc ghe đánh cá, chở 26 người vượt biên. Nhưng ước mộng đổi đời tại Cannada chưa tới đâu thì năm 1997, Chín Cư lâm vào nghiện ngập, bị trục xuất về nước sau khi chịu án mua bán, sử dụng ma túy.
|
Gia đình đầm ấm của Chín Cư. |
Cưới vợ năm 1998, tưởng đã phủi tay với ma túy, ai dè một hôm, đệ tử xưa mang đến một miếng “rất đẹp”, thế là lại chơi. Cuối năm 2.000, Chín Cư phải “xộ khám” 30 tháng tù giam, tội đánh người. “Vào tù, tui cai nghiện, ngoan và chăm chỉ nên được tha trước 4 tháng”. Vậy mà, sau khi ra tù, Chín Cư lại nổi cơn ghiền, tiếp tục chơi…
Kém Chín Cư 12 tuổi, nhưng Tấn “công tử” (Hải Phước, Vĩnh Thọ, TP. Nha Trang) cũng là tay chơi hàng trắng lừng lẫy không kém. Con nhà giàu, 9 năm liền học sinh giỏi, Tấn từng là hotboy trong trường cấp 2. Cuối năm lớp 9, mẹ đột ngột qua đời - một cú sốc lớn với Tấn. Sẵn tiền, chán nản, bạn bè rủ rê, Tấn lấn sâu vào ma túy.
Rớt đại học, năm 21 tuổi, Tấn trở thành ông chủ khi được cha giao 2 chiếc tàu đánh bắt xa bờ. Rủng rẻng tiền bạc, ông chủ trẻ bao bạn đốt tiền trong bar cùng những chuyến “bay” bất tận. 2 chiếc tàu cuối cùng cũng bị Tấn bán…
Vật vã đổi đời
Giơ ngón tay út bị cụt 1 đốt lên, Chín Cư thổ lộ: Ở Canada, tôi chặt đốt tay này thề bỏ heroin. Nhưng, chẳng thoát nổi nghiện ngập. Cho đến một ngày… Lần đó, trong cơn phê, tui đã chích điếu thuốc vào tay thằng con trai mới 5 tháng tuổi. Nghe con khóc, nhìn tay con sưng đỏ mấy ngày liền, tui đau lắm, đau đến tỉnh cơn u mê…” – anh Cư rưng rưng kể.
Đó là năm 2004, Chín Cư tự nguyện đi cai nghiện. Ra trại, năm 2006, được sự giúp đỡ của chính quyền, anh được vay 15 triệu đồng nuôi tôm hùm lồng. Làm ăn tấn tới, trả nợ đúng hạn, vừa rồi Chín Cư lại được vay 20 triệu đồng vốn hỗ trợ hoàn lương, nuôi cá chẽm. Hay tin “đại ca” ra trại, đàn em liên tục tìm gặp, mồi “đại ca” vài tép. “Nếu không vững vàng, tôi đã lại sa ngã, làm sao được sống có ý nghĩa, dám ngẩng đầu lên với mọi người như bây giờ…” – Chín Cư nói.
Chị Phan Thị Sáng - vợ Chín Cư, kể: Ban đầu, được anh chị nhà chồng ở nước ngoài chu cấp, vợ chồng không phải làm gì. Nhàn rỗi, anh ấy lêu lổng, không dứt nổi nghiện ngập. Biết vậy, họ hàng bên Mỹ chẳng còn ai cho tiền nữa.
Còn Tấn “công tử” ngày nào giờ là ông chủ của bè tôm hùm 4.000 con. Hỏi về cảm giác sung sướng khi phê thuốc, Tấn bật cười: “Giờ nghĩ lại có gì mà ghê gớm, làm sao sánh bằng hôm nay. Còn gì sướng hơn ngày đi làm, chiều chơi thể thao, tối ôm vợ con đánh một giấc tới sáng…”.
Năm 2004, Tấn đã tự xích mình vào thang sắt để cai nghiện, rồi tình nguyện đi trại 2 năm, chấm dứt những tháng ngày sống vô định, nơm nớp lo sợ trong sự kỳ thị của xóm giềng và nỗi buồn trong mắt cha. Ra trại, Tấn làm lại cuộc đời bằng nghề nuôi tôm hùm lồng.
Sợ thừa thời gian, rảnh rỗi sẽ quay lại với ma túy, Tấn vừa đi làm công nhân, vừa học đủ thứ: Anh văn, vi tính và Cao đẳng Kinh tế. Trong phòng khách, Tấn treo chữ Nhẫn để ngày ngày tự nhắc nhở mình. Năm ngoái, lãi từ nuôi tôm hùm, Tấn thu về hơn 1 tỷ đồng, xây nhà cho cha và mấy đứa em…
Mai Khuê
Vui lòng nhập nội dung bình luận.