Duy nhất ở Việt Nam: Bảo tàng... bất hạnh

Thứ tư, ngày 15/12/2010 14:03 PM (GMT+7)
Dân Việt - Có lẽ, đây là “bảo tàng” duy nhất ở Việt Nam lưu giữ các vật chứng liên quan đến những người phụ nữ bất hạnh– nạn nhân của những cuộc bạo hành. Bảo tàng nằm trong một ngõ nhỏ ở Cầu Giấy, Hà Nội.
Bình luận 0

Mục đích của những người đứng ra “tập hợp” những chiếc vồ đập đất, cái kéo, con dao, chậu hoa, chiếc xích… tang vật của những vụ bạo hành là tố cáo và chia sẻ!

Những bức thư tủi hận…

img
Bà Nguyễn Thu Thúy và bức thư của một nạn nhân bị bạo hành.

Câu chuyện dưới đây gắn với bộ quần áo ngủ của một phụ nữ mới gần 30 tuổi, nhưng đã có 2 mặt con. Đứa con thứ 2 chưa đầy 2 tuổi, vì nhu cầu quá lớn về tình dục của gã chồng cuồng dâm, chị đã không dưới 5 lần vào viện phá thai. Lần phá thai thứ 5 vừa xong, từ bệnh viện trở về, chị lại phải hứng chịu cơn cuồng dâm của chồng, phải chịu cảnh bị chính chồng mình vừa cưỡng dâm, vừa đánh đập trong đau đớn và nước mắt…

Người phụ nữ tên T bất hạnh ấy, phải sau một thời gian rất dài mới dám đứng lên tố cáo. Đấy là khi chị nhận ra rằng, nếu như chị không lên tiếng, thì những kẻ độc ác, mất nhân tính, những kẻ là chồng, là cha của các con chị, sẽ vẫn yên ổn để rồi tiếp tục đánh đập, giày vò vợ con, phá nát gia đình.

Bức thư đầy nước mắt của chị viết:

“Bộ quần áo ngủ này đã tan nát như chính thân thể và tâm hồn tôi khi bị chồng tôi đòi quan hệ. Tôi không đồng ý vì mới cách đấy 3 hôm, tôi vừa phải vào viện giải quyết lần thứ 5, sau khi sinh con được gần 2 năm. Đáng lẽ để tôi được nghỉ ngơi thì chồng tôi lại đòi quan hệ mà không cho dùng bao cao su.

Sau khi xé được quần áo tôi, chồng tôi đổ lên người tôi như một khúc gỗ. Vừa quan hệ, chồng tôi vừa tát, vừa đấm. Hắn ta cắn vào hai bầu ngực, túm tóc dằn đầu tôi xuống giường, miệng không ngớt lời chửi rủa. Kết quả của trận cuồng dâm ấy, mặt mũi tôi sưng vù, hai bầu ngực rớm máu, bộ phận sinh dục bị viêm nhiễm phải điều trị mấy tháng mới đỡ…”.

Khác với chị T, câu chuyện của người đàn bà quê mùa N.T.H lại bắt đầu bởi một chiếc bô mà đứa con 2 tuổi của chị hàng ngày vẫn đi vệ sinh. Nó là một vật quá đỗi bình thường, bởi hàng triệu đứa trẻ, sinh ra, lớn lên… vẫn có nhu cầu sử dụng đến chiếc bô ấy khi còn nhỏ.

Thế nhưng, sẽ không có gì đáng nói nếu như đó không phải là gã chồng cục súc, độc ác và điên rồ của chị, trong một cơn điên loạn hắn đã dùng chính chiếc bô ấy để đày đọa 3 mẹ con chị, bắt chị phải chịu đựng những chuyện mà có lẽ, trần đời có một…

“Lúc đau ốm, tôi rất mong muốn nhận được sự chăm sóc của chồng. Và chồng tôi đã “chăm” tôi ngoài sức tưởng tượng. Ngoài những “món” như chửi, đánh con, đập phá… thì chồng tôi còn dành thêm một món “đặc biệt” lúc ốm: Đó là cái bô mà đứa con nhỏ của tôi vẫn thường dùng để đại tiện.

Một lần, đứa con nhỏ của tôi vừa đi đại tiện xong, chồng tôi đã đến “thưởng” cho con 3 cái phát cháy mông vì đã tạo ra “sản phẩm”. Đứa nhỏ sợ bố không dám khóc. Đánh con xong, cái bô đó được chồng tôi đem bỏ cạnh đầu giường tôi kèm theo một câu “động viên”: “Tao để cái bô đấy cho mày ngửi, cho mày chết mẹ mày đi!”.

Rồi anh ta đóng sập cửa buồng lại, để “thuốc bổ” không phát tán được. Đứa con lớn thấy thế, sợ mẹ “chết ngạt”, lợi dụng lúc bố không để ý, lẻn vào lấy tờ giấy đậy lại và chỉ dám đem đổ khi bố đi ra khỏi nhà. Thương mẹ, giận bố, và với suy nghĩ của một đứa trẻ, nó chỉ biết quay sang trút hết sự bực dọc vào em.

Nó quát em: “Tại sao lúc ấy lại đòi đi?!”. Nhìn hai đứa trẻ trứng gà trứng vịt, nghe câu mắng của đứa chị đối với đứa em đầy vô lý tôi trào nước mắt. Chúng nó mới như măng non, không được hạnh phúc, yêu thương như những đứa trẻ cùng trang lứa thì thôi, đằng này…”.

Chứng cứ buộc tội

img
Những “hiện vật bạo hành” được trưng bày tại “bảo tàng bất hạnh”.
img
img

Không lá thư nào giống lá thư nào, bởi mỗi bức thư là mỗi câu chuyện khác nhau, nhưng sự bất hạnh và những giọt nước mắt thì giống nhau.

“Tôi bị chồng đánh không biết bao nhiêu lần, tôi cũng chẳng nhớ rõ. Những ngày bình yên chỉ đếm được trên đầu ngón tay… Không vừa ý, chuyện bực mình ở bên ngoài về, anh ấy đều nhè đầu vợ mà trút. Có ai nói gì, chẳng biết đúng, sai về nhà cũng đánh vợ, và cả những lúc trông “ngứa mắt” cũng đánh. Nhiều người khuyên tôi: “Sống với người chồng như thế bỏ đi còn hơn…”.

Nhưng vì thương con nhỏ, thương mẹ già phải đau lòng, tôi lại cam chịu… Ngày tháng trôi đi, tâm trí tôi chai lỳ vì những trận đòn, nhưng sức khỏe của tôi thì không chai lỳ được như vậy.

Tôi muốn ly hôn, chồng tôi không những không đồng ý mà còn nện cho tôi một trận thừa sống, thiếu chết và dùng chiếc xích chó để xích tôi lại. Sợ mọi người biết, chồng tôi xích tôi trên gác hai và bỏ đi… Sang đến ngày thứ ba, tôi cố gắng vươn người ra cửa sổ kêu cứu, hàng xóm mới hay và gọi công an đến giải cứu cho tôi…”.

Bà Nguyễn Vân Anh- Giám đốc CSAGA cho biết, tính từ tháng 7-2008 đến đầu năm 2009, qua đường dây nóng, các chuyên gia tư vấn của trung tâm đã tư vấn cho hơn 500 trường hợp phụ nữ bị bạo hành không có điểm tựa tinh thần. Theo báo cáo của Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em, 90% nạn nhân của những vụ bạo hành gia đình là phụ nữ. 10% còn lại là người già, nam giới và trẻ em.

Năm 2009, CSAGA (Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng khoa học về giới – phụ nữ - gia đình và vị thành niên) đã tổ chức một cuộc trưng bày những hiện vật gắn với những câu chuyện đầy nước mắt của những phụ nữ bất hạnh.

Hơn 40 hiện vật đã có mặt trong một cuộc trưng bày chưa từng có: Những câu chuyện tủi hờn. Tuy nhiên, để họ có thể viết lên được những dòng tâm sự đầy nước mắt, đó là cả một sự thay đổi lớn về tư tưởng, chứ chưa kể đến việc họ mang tới CLB những vật chứng gắn với những chuyện buồn của mình.

Cho nên, hơn 40 đồ vật vô tri như chiếc vồ đập đất, viên gạch vỡ, chiếc điếu cày, con dao, bộ quần áo ngủ, cái xích chó… có mặt tại cuộc trưng bày là cả một cuộc đấu tranh nội tâm căng thẳng của những người trong cuộc, của những cán bộ chuyên gia tư vấn tâm lý, những người “lắng nghe câu chuyện” của họ.

Hoàn toàn dễ dàng giải thích sự im lặng của những người phụ nữ bất hạnh: Họ có đức hy sinh truyền thống của người phụ nữ phương Đông; họ cam chịu và nhẫn nhịn để giữ yên ấm cho mái ấm gia đình nhỏ bé của mình; giữ cho chồng sự sĩ diện, và giữ cho những đứa con không phải xấu hổ trước chúng bạn. Thế nhưng, sự cam chịu và nhẫn nhịn ấy, vô hình trung đã “đồng lõa” và “tiếp tay” cho những gã chồng độc ác.

Nếu như, những người chồng ấy có lương tâm và biết thức tỉnh, sẽ thay đổi, quay về nẻo phải, và phải biết ơn sự hy sinh của những người vợ cam chịu của mình. Tuy nhiên, những cái đầu tăm tối và cạn nghĩ vì ghen tuông, vì ma men… đã không thể nhận thức được.

Bà Nguyễn Thu Thúy – Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Thông tin về bạo lực giới cho biết: Khi những người phụ nữ bất hạnh, nạn nhân của những cuộc bạo hành gọi điện đến trung tâm là khi sự chịu đựng của họ đã đến cùng cực, và giọt nước tràn ly, họ mới dám tâm sự và kể ra những sự thật mà bấy lâu nay họ vẫn âm thầm cam chịu.

Có những chị vừa viết lại những câu chuyện của chính mình, vừa khóc. Với sự cảm thông của những người cùng cảnh ngộ, họ đã cùng dìu dắt nhau vượt qua những cơn bĩ cực về tinh thần.

Bảo tàng trên nằm trong một ngõ nhỏ ở đầu đường Cầu Giấy. Bởi nằm khuất lấp nên ít người ghé thăm. Tuy nhiên, ai đã đến phòng trưng bày này, nhìn “hiện vật”, đọc những dòng thư nước mắt trên, thì đều có chung một nỗi bức xúc, nghẹn ngào

Đây là những người phụ nữ bất hạnh nhất thế kỷ 21, bởi không chỉ bị đánh đập, đau đớn về thể xác, cái mà họ chịu đựng, và là điều bất hạnh nhất, đó là sự chà đạp, bạo lực về tinh thần.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem