Cho vay tiêu dùng ì ạch
Hiện tại, các ngân hàng đều không ngừng tung ra những chương trình cho vay tiêu dùng với nhiều ưu đãi hấp dẫn.
|
Làm thủ tục vay vốn tại VPBank chi nhánh Đông Đô (Hà Nội). |
Ngân hàng ANZ Việt Nam giảm 4%/năm lãi suất cho sản phẩm vay tiêu dùng. Bên cạnh ưu đãi lãi suất vay tiêu dùng cuối năm, ngân hàng còn đẩy mạnh kích cầu khách hàng tiêu dùng qua thẻ. Ngân hàng HDBank có chương trình ưu đãi cho khách hàng cá nhân vay vốn mua ô tô. Khách hàng sẽ có cơ hội nhận thẻ tiết kiệm HDBank trị giá 65 triệu đồng, thẻ HDBank Visa Debit trị giá 10 triệu đồng, cùng nhiều ưu đãi khác.
Ngân hàng ABBank tung ưu đãi cho vay tiêu dùng, giảm ngay 2% lãi suất vay trong 3 tháng đầu và có cơ hội nhận phiếu giảm giá mua sắm nội thất trị giá 10 triệu đồng, hoặc thẻ tín dụng với số dư 1 - 3 triệu đồng. Theo ghi nhận của PV NTNN, mức lãi suất cho vay tiêu dùng hiện đang phổ biến từ 17,5 - 20%/năm, giảm 2-5% so với trước.
Tuy nhiên, theo đại diện một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội, ngân hàng này đã giảm lãi suất so với trước khoảng 5%, nhưng lượng khách vay vẫn không nhiều lên. Ngay cả khi ngân hàng không đòi hỏi tài sản thế chấp, mà cho vay theo kiểu tín chấp, lượng khách hàng vẫn không nhích lên nhiều.
Anh Nguyễn Đức Anh (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, anh liên tục nhận được điện thoại của nhân viên tín dụng các ngân hàng mời vay tiêu dùng. “Vay rồi, tiêu rồi thì lấy tiền đâu mà trả. Bây giờ tiền mặt là vua, nhưng phải là tiền của mình, chứ vay mượn là chết” - anh Đức Anh giải thích.
Đến doanh nghiệp cũng thờ ơ
Ông Thanh Hải - Giám đốc một công ty sản xuất, chế biến thực phẩm có trụ sở tại Thanh Trì (Hà Nội) khẳng định: Hiện nay nếu doanh nghiệp phải vay vốn để sản xuất hàng tết cũng chỉ dám vay khoảng 15% lượng vốn, và xác định vay nhanh trả nhanh. Doanh nghiệp bây giờ không thể lệ thuộc mãi ngân hàng vì với lãi suất 15% như hiện nay thì cũng khó sinh lời.
Tín dụng toàn ngành ngân hàng đến thời điểm này mới đạt mức tăng trưởng hơn 3%, trong khi huy động vốn tăng hơn 10 lần. Vì vậy các ngân hàng đang phải đẩy mạnh kích cầu tín dụng cuối năm.
Loại trừ hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản, đóng cửa, hiện tại hầu hết các doanh nghiệp đều không mạo hiểm vay vốn ngân hàng để đầu tư làm hàng tết trong bối cảnh thị trường khó khăn. Nhiều đơn vị cho biết sẽ cố gắng cầm chừng để tồn tại chứ không sản xuất ồ ạt.
Lý giải về thực tế này, chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch cho biết: Sản xuất và tiêu thụ đều đang gặp khó khăn, doanh nghiệp không vay vốn mới vì sợ lãi chồng lãi, nợ chồng nợ. Ngoài ra không phải doanh nghiệp cứ đi vay là được hưởng lãi suất 15%, mà có thể cao hơn. Theo TS Lịch, đây vẫn là nút thắt khiến cho cung ngân hàng và cầu doanh nghiệp khó gặp nhau.
Phương Hà
Vui lòng nhập nội dung bình luận.