EATOF bàn kế hoạch phát triển du lịch bền vững hậu Covid-19
EATOF bàn kế hoạch phát triển du lịch bền vững trong kỷ nguyên hậu Covid-19
Bùi My
Thứ sáu, ngày 28/10/2022 13:52 PM (GMT+7)
Trong khuôn khổ Đại hội đồng Diễn đàn Du lịch Liên khu vực Đông Á (EATOF) lần thứ 17, các tỉnh thành viên EATOF đã cùng nhau chia sẻ về chính sách phát triển và phục hồi du lịch trong kỷ nguyên hậu Covid-19.
Vừa qua, Đại hội đồng EATOF 17 đã diễn ra tại Quảng Ninh. Đây là sự kiện quốc tế có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy sự phục hồi và hợp tác phát triển bền vững du lịch Quảng Ninh (Việt Nam) và các thành viên EATOF trong bối cảnh bình thường mới sau đại dịch.
Với chủ đề "Sự phục hồi của du lịch khu vực Đông Á trong kỷ nguyên bình thường mới", EATOF 17 là cơ hội để các tỉnh thành viên thắt chặt mối liên kết phát triển du lịch và mở rộng thị trường.
Bên cạnh đó, các tỉnh thành viên EATOF cũng nhấn mạnh đến việc phát triển thị trường du khách đa dạng, tránh phụ thuộc vào thị trường truyền thống, khai thác tối đa thị trường khách du lịch EATOF.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn, tỉnh Quảng Ninh có hơn 600 danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, hội tụ đầy đủ các yếu tố tự nhiên. Đặc biệt, Quảng Ninh có vịnh Hạ Long đã 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh sở hữu cơ sở hệ thống hạ tầng hiện đại, đồng bộ, hội tụ đầy đủ cửa khẩu, đường cao tốc, sân bay, bến cảng, cảng biển, đường bộ…
Với những tiềm năng và lợi thế như vậy đã giúp ngành du lịch Quảng Ninh dần vươn tới và hội nhập với thế giới.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, EATOF 17 là cơ hội lớn để ngành du lịch tiếp cận, mở rộng hợp tác quốc tế trên nhiều phương diện, góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu dài giữa Quảng Ninh và các tỉnh thành viên EATOF.
Giáo sư Hiram Ting, Trường Đại học UCSI (Sarawak, Malaysia) kỳ vọng, EATOF 17 sẽ tạo ra nhiều mối liên kết hơn để phát triển du lịch và nhiều nội dung kinh tế - xã hội khác.
Đặc biệt, chúng tôi mong sớm có sự kết nối về đường hàng không giữa tỉnh Quảng Ninh và Sarawak.
Tôi mong muốn du lịch được phát triển theo hướng bền vững, du lịch có trách nhiệm, đặt vấn đề bảo vệ môi trường tự nhiên, lợi ích của người dân, của cộng đồng lên trên hết. Tôi cũng mong muốn có sự bình đẳng cho tất cả chủ thể tham gia vào quá trình phát triển du lịch, đặc biệt là các cộng đồng dân cư tại địa bàn phát triển du lịch.
Theo PGS.TS. Phạm Hồng Long, Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, EATOF là cơ hội tuyệt vời để mở rộng, khai thác các thị trường tiềm năng, đưa du lịch phục hồi sau đại dịch.
Du lịch đã có sự phục hồi và tăng trưởng ấn tượng sau đại dịch, nhưng mới chỉ đến từ thị trường khách nội địa. Tuy nhiên, thị trường khách quốc tế vẫn chưa phục hồi đáng kể do một số nguyên nhân.
Đứng trước vấn đề này, Quảng Ninh cũng như Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng ngành Du lịch, xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao và chờ đợi tín hiệu khởi sắc trở lại từ một số thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Cùng với đó, chúng ta phải tăng cường, đa dạng hóa các kênh xúc tiến, quảng bá du lịch.
Ông Kim Jin Tae, Tỉnh trưởng tỉnh Gangwon (Hàn Quốc) cho biết, Gangwon coi sự kiện này là cơ hội để thắt chặt mối quan hệ với các tình thành viên, khẳng định hiệu quả của sự liên kết phát triển du lịch trong suốt 20 năm qua. Giai đoạn hiện nay dịch Covid-19 đã được kiểm soát phần lớn, đồng nghĩa kỷ nguyên du lịch mới đã bắt đầu. Đông Á sẽ là trung tâm kỷ nguyên mới, và chính các thành viên EATOF sẽ là người đóng vai trò chính.
Trong khuôn khổ EATOF 17, lãnh đạo các tỉnh thành viên như Cebu (Philippines), Luang Prabang (Lào), Sarawak (Malaysia), Siêm Riệp (Campuchia)... cũng chia sẻ về các sản phẩm du lịch đặc trưng, các hoạt động, sự kiện du lịch độc đáo của địa phương. Đồng thời, chia sẻ chính sách phục hồi du lịch và phát triển du lịch bền vững trong thời gian tới.
Ông Munkhbaatar Demberel, Tỉnh trưởng tỉnh Tuv (Mông Cổ) cho biết, tỉnh này đang tập trung phát triển du lịch con đường tơ lụa, con đường trà. Năm 2021, tỉnh Tuv đã ban hành kế hoạch và chính sách phục hồi du lịch, năm 2023- 2024 được công bố là Năm du lịch Mông Cổ. Ngoài ra, để phù hợp với tình hình một số thị trường du lịch trọng điểm như Trung Quốc, Nga.... chưa mở lại hoặc ảnh hưởng chiến tranh, Mông Cổ đã miễn visa đến hết 2024 cho khách du lịch Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, tỉnh Tuv đã chào đón khách với các chính sách phục hồi du lịch hậu Covid-19 và đang xây dựng lại cơ sở hạ tầng, xây dựng sản phẩm du lịch xanh, sinh thái.
"Chúng tôi đang thu hút đầu tư vào du lịch, có chính sách trung hạn phát triển du lịch, xây dựng nhiều dự án du lịch lớn. Hiện nay, tỉnh Tuv có 26.000 buồng phòng khách sạn và các cơ sở lưu trú. Năm 2022 chúng tôi dự kiến hồi sinh và đón 30.000 khách du lịch đến nghỉ dưỡng. Tỉnh Tuv thường tổ chức các bữa tiệc cừu, du lịch mùa đông, mùa hè.... để thu hút khách" - Tỉnh trưởng tỉnh Tuv cho biết.
Còn Tỉnh trưởng tỉnh Gangwon cho hay, hiện nay chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu giảm bớt các hạn chế và mở cửa để thu hút du khách. Gangwon cũng đang chuẩn bị để chào đón du khách từ khắp nơi trên thế giới bằng cách miễn thị thực nhập cảnh, tăng số lượng các chuyến bay quốc tế đến Hàn Quốc.
Khi trở thành tỉnh tự trị đặc biệt vào tháng 6 năm 2023, Gangwon sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn phát triển du lịch bền vững…
Ông Shinji Hirai, Tỉnh trưởng tỉnh Tottori (Nhật Bản) chia sẻ: "Chúng ta có sự tương đồng về văn hóa, lịch sử, khu vực địa lý, chúng ta cần hợp tác chặt chẽ với nhau để phục hồi ngành du lịch hậu Covid-19".
Ông Boun Leuam MANIVONG - Phó Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (Lào) cho hay, hơn hai năm qua, ngoài dịch Covid-19, nhiều thách thức khác như như các vấn đề chính trị nảy sinh ở một số quốc gia, khủng hoảng kinh tế cũng tác động đến du lịch.
Vì vậy, cần phải hợp tác nhiều hơn nữa để mở ra cơ hội, tạo điều kiện lẫn nhau để đưa ngành du lịch của các nước không ngừng phát triển.
Lào đã mở cửa hoàn toàn để đón khách du lịch nước ngoài và chuẩn bị sẵn sàng những phương tiện cho du khách đến với Lào, đặc biệt là thăm thành phố Luang Prabang, di sản văn hóa thế giới.
Tỉnh trưởng Sarawak (Malaysia) chia sẻ, từ đầu năm 2022 đến nay, lượng khách đến Sarawak đã tăng lên đáng kể.
Sarawak có khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn động vật hoang dã, công viên quốc gia và nhiều điểm du lịch nổi tiếng.
Sau hơn 2 năm đại dịch, nhiều chương trình du lịch mang tính biểu tượng cũng đã lên lịch quay trở lại. Trong số đó, phải kể đến Liên hoan âm nhạc thế giới Rainforest, Lễ hội văn hóa Borneo, Lễ hội Thuyền rồng Quốc tế…
"Sarawak hiện đang tập trung nhiều hơn vào du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, và xu hướng này sẽ tiếp tục trở thành trọng tâm của ngành du lịch chúng tôi, phù hợp với chiến lược phát triển du lịch hậu Covid-19.
Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các cơ quan quốc tế như UNWTO, PATA cùng với các doanh nghiệp du lịch để thúc đẩy du lịch có trách nhiệm. Du lịch có trách nhiệm sẽ giảm tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội và y tế, tạo ra lợi ích lớn hơn cho kinh tế và nâng cao phúc lợi cho cộng đồng" - Tỉnh trưởng tỉnh Sarawak cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.