Ép nữ tiếp viên vay nặng lãi, bắt làm việc như nô lệ

Thứ ba, ngày 24/12/2013 19:47 PM (GMT+7)
Bằng thủ đoạn cưỡng ép các tiếp viên quán karaoke vay nặng lãi, đường dây chăn dắt tiếp viên tại Tây Ninh đã khống chế hàng loạt tiếp viên, buộc họ phải làm việc như nô lệ, thậm chí là giam giữ, mua bán sang tay các tiếp viên như hàng hóa.
Bình luận 0
Sau 1 tuần nghị án, ngày 23.12, Tòa án Nhân dân tỉnh Tây Ninh đã tuyên án 23 bị cáo trong đường dây mua bán nữ tiếp viên karaoke, tổ chức cho vay nặng lãi, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản của tiếp viên…

Trong đó, đối tượng cầm đầu là Nguyễn Trường Sơn bị phạt 12 năm 6 tháng tù, bị cáo Lê Thị Hồng lãnh 11 năm tù, Trần Thị Cơ (vợ Sơn) lãnh 4 năm tù, Nguyễn Trường Ân (chồng Hồng) lãnh 3 năm 6 tháng tù. Các bị cáo khác trong đường dây này như Lê Văn Phúc, Nguyễn Thị Cẩm Nhung, Lê Thành Phúc, Nguyễn Thị Minh Lý, Đoàn Thị Kim Linh, Võ Phú Cương, Đặng Thanh Sang, Trần Hoàng Linh, Nguyễn Văn Toàn, Dương Văn Tài, Võ Thanh Sang, Phạm Ngọc Thới, Nguyễn Duy Tân, Nguyễn Văn Tính và Phạm Văn Chẩn bị xử phạt từ 6 tháng đến 7 năm tù. Riêng 4 bị cáo Phạm Mạnh Hùng, Nguyễn Song Tùng, Hứa Thị Mai Phương và Lê Thị Phúc bị tuyên phạt tù treo từ 2 năm 6 tháng đến 3 năm.

Một phòng karaoke từng bị kiểm tra (ảnh minh họa)
Một phòng karaoke từng bị kiểm tra (ảnh minh họa)

Cụ thể, theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến tháng 4.2012, các bị cáo cưỡng ép các nữ tiếp viên vay tiền với lãi suất cao, bắt buộc phải trả bằng hình thức trả góp hằng ngày. Mỗi tiếp viên sau khi đi tiếp khách về phải nộp hết tiền cho vợ chồng Sơn, đến cuối tháng 2 vợ chồng này sẽ trừ vào tiền vay, tiền lãi rồi mới giao lại tiền thừa cho tiếp viên. Nếu chưa đến cuối tháng mà tiếp viên muốn có tiền tiêu bắt buộc phải vay nóng đường dây này với lãi suất 20%/tháng.

“Cơ chế” quản lý cưỡng ép này của vợ chồng Sơn đẩy tiếp viên vào tình cảnh lúc nào cũng mượn nợ và phải làm việc cho đường dây này. Nếu tiếp viên nào không chịu nỗi, bỏ trốn hoặc đi làm cho chủ khác thì vợ chồng sơn tổ chức người đi bắt về, giam giữ trong phòng như tội phạm và ép buộc họ tiếp tục đi làm để trả nợ.

Sau quá trình ép buộc cho vay nặng lãi, khi tiếp viên mắc nợ nhiều, không có khả năng chi trả thì đường dây này đem tiếp viên bán sang tay cho các chủ quản lý khác. Có hàng chục nạn nhân bị đường dây này bán sang tận huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước làm tiếp viên cho các quán karaoke. Các chủ quản lý mới này cũng được hướng dẫn thủ đoạn ép buộc vay nặng lãi để khống chế tiếp viên.

Vợ chồng Sơn còn đặt ra nhiều hình phạt tiền như tiếp viên tự ý bỏ việc sẽ bị phạt từ 100.000 – 500.000 đồng/ngày. Nếu bỏ trốn, khi bị bắt lại thì tiếp viên cũng bị phạt nặng bằng tiền và phải trả thêm chi phí cho nhóm đi “bắt giữ” chính mình. Những hình phạt này bắt buộc tiếp viên phải vay nợ với lãi suất cao để đóng và tiếp tục làm việc như nô lệ để trả nợ. Mãi đến tháng 4.2012, lực lượng Công an Tây Ninh mới phát hiện và giải cứu hàng chục tiếp viên là nạn nhân của đường dây này.

Trong phần thẩm vấn diễn ra trong các ngày 16.12 và 17.12, các bị cáo đều chối cãi quanh co và cho là chính các tiếp viên tự tìm đến các bị cáo xin việc và tự nguyện mượn nợ với lãi suất cao. Còn việc phạt tiền tiếp viên thì các bị cáo đều ngụy biện là chỉ hù cho tiếp viên sợ và ghi sổ chơi thôi chứ không làm thật… Tuy nhiên, với chứng cứ xác thực từ cơ quan điều tra, hội đồng xét xử đã tuyên phạt các bị cáo với mức phạt tù thích đáng cho các tội danh mua bán người, bắt giữ người trái pháp luật, cho vay nặng lãi, cướp đoạt tài sản.
Dân Trí (Theo Dân Trí)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem