EVFTA được thực thi, nhiều ngành hàng dự báo tăng xuất khẩu 99%

Thanh Phong Thứ ba, ngày 04/08/2020 16:49 PM (GMT+7)
Từ ngày 1/8, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu được thực thi. Theo dự báo từ Bộ Công Thương, ngay trong giai đoạn 5 năm đầu thực hiện, các ngành hàng quan trọng như gạo, may mặc, da giày,… sẽ có mức tăng xuất khẩu mạnh, thậm chí lên tới 99%.
Bình luận 0

Cụ thể, theo nhận định từ phía Bộ Công Thương, hiện tại, dịch bệnh Covid-19 đang gây ra những tác động nặng nề đối với thế giới nói chung và châu Âu nói riêng. Theo đó, EVFTA được kỳ vọng sẽ mang lại những cơ hội lớn đối với kinh tế và xã hội của Việt Nam.

"Với những cam kết mạnh mẽ trong lĩnh vực mở cửa thị trường hàng hóa, EVFTA được kỳ vọng sẽ là cú huých đối với tăng trưởng kinh tế nước ta, với mức dự báo lên tới 2,18 đến 3,25% vào năm 2025 (giai đoạn 05 năm đầu thực hiện). Kim ngạch xuất khẩu tăng thêm khoảng 42,7%, trong đó, các ngành hàng quan trọng như gạo, may mặc, da giày có mức tăng xuất khẩu lên tới 65%, 81% và 99% trong cùng giai đoạn", đại diện Bộ Công Thương nhận định.

Trước đó, Hiệp định EVFTA được giới chuyên môn, ví như con đường cao tốc hướng Tây, kết nối Việt Nam với liên minh châu Âu. Tuy nhiên, để doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng tốc trên con đường này thì hệ thống pháp luật, thể chế trong nước là điều kiện đủ không thể không nhắc tới.

EVFTA được thực thi, nhiều ngành hàng dự báo tăng xuất khẩu 99% - Ảnh 1.

Các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như như gạo, may mặc, da giày,... được dự báo tăng trưởng mạnh sau khi EVFTA được thực thi.

Cũng theo thông tin từ phía Bộ Công Thương, nhận thức được vấn đề này, trong thời gian qua các cơ quan liên quan đã thực hiện quá trình rà soát hệ thống pháp luật trong nước hiện hành.

Qua đó, tiến hành xây dựng, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan để tạo điều kiện thực thi đầy đủ, hiệu quả các cam kết đã có trong Hiệp định EVFTA và hiện thực hóa các lợi ích được kỳ vọng từ Hiệp định. Trong đó, một số văn bản pháp luật đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành theo trình tự rút gọn để kịp thời có hiệu lực ngay khi Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi.

"Đối với Nghị định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi và Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực thi Hiệp định EVFTA giai đoạn 2020 - 2022, Bộ Tài chính đã triển khai xây dựng dự thảo Nghị định và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến và thông tin rộng rãi tới cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân.

Nghị định bao gồm 7 Điều và 03 Phụ lục đính kèm, bao gồm Phụ lục về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi của Việt Nam để thực thi Hiệp định EVFTA giai đoạn 2020 – 2022 và Danh sách lãnh thổ thành viên Liên minh châu Âu. Việc ban hành Nghị định là cần thiết để thực thi cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa của Việt Nam trong Hiệp định EVFTA, đồng thời đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật và phù hợp với Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016", đại diện Bộ Công Thương cho biết.

Ngoài ra, đối với Thông tư quy định Quy tắc xuất xứ (QTXX) hàng hóa trong Hiệp định EVFTA, ngay sau khi EVFTA được ký kết vào ngày 30/6/2019 , Bộ Công Thương đã tiến hành việc dự thảo thông tư quy định về QTXX trong EVFTA.

EVFTA được thực thi, nhiều ngành hàng dự báo tăng xuất khẩu 99% - Ảnh 2.

Thủy sản vẫn là ngành hàng thế mạnh xuất khẩu sang thị trường EU.

"Theo đó, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15/6/2020 quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA. Thông tư số 11/2020/TT-BCT bao gồm 5 Chương, 42 Điều và 8 Phụ lục ban hành kèm theo. Đây là văn bản pháp lý quan trọng hướng dẫn các cơ quan, tổ chức cấp C/O ưu đãi cũng như cộng đồng trong việc thực thi quy tắc xuất xứ hàng hóa tại Hiệp định EVFTA.

Việc sớm ban hành Thông tư hướng dẫn quy tắc xuất xứ trong EVFTA là một trong những hành động cụ thể về xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý trong nước nằm trong Kế hoạch hành động triển khai Hiệp định EVFTA của Bộ Công Thương", đại diện Bộ Công Thương thông tin.

Ngoài ra, trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), tại Chương 2, Phụ lục 2-A, EU cam kết dành hạn ngạch thuế quan (HNTQ) cho Việt Nam đối với gạo với lượng hạn ngạch là 80.000 tấn/năm.

Trong đó, gạo thơm đã xay xát với lượng hạn ngạch là 30.000 tấn/năm. Theo đó, các lô hàng gạo thơm khi xuất khẩu vào thị trường EU, để được hưởng thuế suất 0% theo hạn ngạch, phải có giấy chứng nhận đúng chủng loại (authenticity certificate) được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

"Để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi từ EU, Bộ Công Thương đã phối hợp với EU xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý hạn ngạch thuế quan của EU cho các loại gạo này. Đồng thời, Bộ NN&PTNT đang phối hợp sát sao với Bộ Công Thương để xây dựng Nghị định hướng dẫn quy trình đăng ký giấy chứng nhận chủng loại gạo", đại diện Bộ Công Thương thông tin thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem