EVN quản lý 24,764 triệu công tơ phục vụ bán điện cho khách hàng

V.H Thứ hai, ngày 05/12/2016 16:50 PM (GMT+7)
Đến hết tháng 9.2016, EVN quản lý 24,764 triệu công tơ phục vụ bán điện cho khách hàng tại 5 Tổng công ty Điện lực (trong đó có: 701.116 công tơ điện tử 3 pha; trên 5,427 triệu công tơ điện tử 1 pha; 330.218 công tơ 3 pha cơ khí; trên 18,108 triệu công tơ 1 pha cơ khí).
Bình luận 0

img

EVN cũng đã thực hiện kiểm định định kỳ được hơn 5 triệu công tơ, trên 108.400 máy biến dòng (TI), và hơn 10.230 máy biến điện áp (TU), kiểm định ban đầu 1,717 triệu công tơ, gần 35.600 TU, TI phục vụ bán điện cho các khách hàng.

Tại Hội nghị thường niên công tác quản lý đo lường điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa diễn ra tại Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, EVN cho biết, trong việc quản lý, triển khai thực hiện công tác đo lường đối với các đơn vị, Tập đoàn luôn đặc biệt chú trọng việc cập nhật các văn bản, quy định mới của các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực đo lường, thực hiện luật đo lường để quán triệt các tổng công ty Điện lực triển khai thực hiện. Các đơn vị thí nghiệm tại các tổng công ty cũng đã thực hiện nghiêm túc chuyển đổi các hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn và thử nghiệm theo đúng quy định của Luật đo lường.

Bộ Công Thương đã đồng ý về chủ trương đối với việc áp dụng công nghệ thu thập dữ liệu đo đếm từ xa đối với các công tơ đo đếm điện năng trong toàn EVN từ nhiều năm nay. Bộ Công Thương yêu cầu công nghệ thu thập dữ liệu đo đếm từ xa được lựa chọn phải đảm bảo tính chính xác, tin cậy và an toàn của dữ liệu đo đếm thu thập được để làm căn cứ phục vụ thanh toán. Bộ Công Thương cũng chỉ đạo EVN cần tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, giải thích cho khách hàng sử dụng điện về lợi ích và hiệu quả khi áp dụng công nghệ thu thập dữ liệu đo đếm từ xa.

Theo Giáo sư, Viện sỹ Trần Đình Long (Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam), trên bình diện rộng, ngành điện muốn hiện đại hóa hạ tầng đo đếm điện thì trước hết cần phải thay toàn bộ công tơ cơ học hiện nay bằng công tơ điện tử. Vì vậy, cần thiết phải ứng dụng linh hoạt, mạnh mẽ công nghệ thông tin vào lĩnh vực này.

“Khi đó việc thu thập, xử lý dữ liệu, lập hóa đơn, xuất hóa đơn tiền điện cho khách hàng sẽ được nhanh chóng, kịp thời và chính xác”, Giáo sư Trần Đình Long nhấn mạnh.

Được biết, việc đầu tư thay thế công tơ điện tử đã được EVN giao cho các Tổng Công ty Điện lực lập dự án đầu tư theo lộ trình để tối ưu hóa chi phí, tăng năng suất lao động trên nguyên tắc: Đảm bảo tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật và chất lượng của công tơ điện tử và hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa; đảm bảo an ninh bảo mật, tránh can thiệp trái phép vào công tơ điện tử và hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa và đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Hiệu quả mang lại của việc sử dụng công tơ điện tử vào công tác kinh doanh bán điện cho khách hàng là tự động hóa hệ thống đo đếm điện năng, thay cho phương pháp theo dõi và quản lý vận hành thủ công truyền thống có năng suất lao động thấp, giúp các công ty điện lực nâng cao năng suất lao động, tăng cường chất lượng quản lý giám sát, vận hành hệ thống đo đếm, nâng cao hiệu quả điều hành sản xuất, kinh doanh điện năng và chất lượng dịch vụ khách hàng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thay thế công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử, khó khăn lớn nhất là sự đồng thuận của khách hàng và xã hội chưa cao. Do công tơ điện tử có độ nhạy cao hơn công tơ cơ nên nhiều người nghi ngờ công tơ điện tử chạy nhanh hơn công tơ cơ.

Khó khăn vướng mắc thứ 2 là nguồn vốn để triển khai, mặc dù việc triển khai áp dụng công tơ điện tử đem lại nhiều hiệu quả nhưng cần đảm bảo nguyên tắc không làm tăng chi phí lắp đặt công tơ phục vụ bán điện cho khách hàng theo định mức đã duyệt. Do đó cần tính toán một lộ trình triển khai phù hợp để đảm bảo nguyên tắc này.

Phân tích về vấn đề này, Giáo sư Trần Đình Long cho rằng nếu ngành điện đầu tư số tiền lớn để nâng cấp hệ thống hiện đại sẽ có tác động tích cực đến tiến độ khai thác, vận hành và phân phối điện. Khi ngành điện đã điện tử hóa được hệ thống thì chỉ trong thời gian không dài sẽ có thể thu hồi được nguồn kinh phí đầu tư.

“Hiện đại hóa là việc ngành điện trước sau vẫn phải làm vì xu thế hiện nay là xây dựng lưới điện thông minh, trong đó xác định một trong những tiêu chí quan trọng nhất là khâu đo đếm điện”, Giáo sư Long nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem