EVN sẽ chấm dứt thu tiền điện tại nhà

Nguyên Phương Thứ bảy, ngày 25/08/2018 07:05 AM (GMT+7)
Ông Nguyễn Quốc Dũng,Trưởng Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết EVN đang đa dạng hóa các kênh thu tiền điện, trong đó giảm dần, tiến đến chấm dứt hình thức thu tại nhà, đẩy mạnh hình thức thanh toán trực tuyến.
Bình luận 0

img

Đại diện Ngân hàng Nhà nước, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), LienVietPostBank, Báo Lao động chủ trì hội thảo

Ngày 24.8, Ngân hàng Nhà nước, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), LienVietPostBank cùng đối tác truyền thông là Báo Lao động tổ chức hội thảo “Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng”.

Người kéo đàn rong cũng cài thẻ POS, cho tiền thì chìa điện thoại ra ấn

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến nay, Ngân hàng Nhà nước và các trung gian thanh toán nội ngành đã hoàn thành một bước căn bản hạ tầng thanh toán. Đó là, gần 18.300 ATM, hơn 289.000 POS, có 76 ngân hàng triển khai Internet banking và 41 ngân hàng đã có Mobile banking. Đáng chú ý, 18 ngân hàng đã triển khai 5 nghìn điểm giao dịch QR code.

“Ngành ngân hàng đã chuẩn bị hạ tầng thanh toán hiện đại như chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử, cổng thanh toán điện tử, chuyển tiền điện tử, hỗ trợ thu chi hộ, ví điện tử tại trung gian thanh toán”, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết.

Cũng theo ông Dũng, việc thu tiền điện hiện nay đã có những đột phá, đó là toàn bộ hoá đơn điện đã được thanh toán trên điện thoại di động (mobile). Toàn bộ hoá đơn tiền điện hiện lên mobile khách hàng thì lập tức, ngân hàng trả hộ ngay. Nhiều khách hàng không biết, trả một lần nữa thì phần mềm cũng không cho trả.

“Chúng tôi cũng đang phối hợp với ngành thuế, làm sao đó việc thanh toán các sắc thuế cá nhân cũng diễn ra như vậy”, ông Dũng nói.

Tuy nhiên, việc thay đổi thói quen từ thanh toán tiền mặt qua thanh toán điện tử, thanh toán qua ngân hàng hiện gặp phải không ít trở ngại.

img

Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước trình bày tại hội thảo

Kể lại những trải nghiệm của mình trong các chuyến công tác nước ngoài, ông Phạm Tiến Dũng cho biết, nhiều lần qua Hàng Châu (Trung Quốc), ông thấy bất ngờ với phương thức thanh toán tại đây. Ông đã không mua được bất cứ thứ gì bằng tiền mặt, đành phải nhờ bạn có ví điện từ Alipay mua được vài món đồ.

“Không ít siêu thị không cho trả tiền mặt và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nói là cần 3 năm để họ làm được việc đó. Ngay cả những người kéo đàn rong kiếm tiền ngoài phố cũng cài thẻ POS lên ngực. Cho bao nhiêu tiền thì chìa điện thoại ra ấn và thế là xong”, ông Dũng nói.

Tiến tới chấm dứt hình thức thu tiền điện tại nhà

Cũng trong buổi hội thảo, ông Nguyễn Quốc Dũng,Trưởng Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết EVN đang đa dạng hóa các kênh thu tiền điện, trong đó giảm dần, tiến đến chấm dứt hình thức thu tại nhà, đẩy mạnh hình thức thanh toán trực tuyến.

Hiện EVN đang có nhiều hình thức thanh toán tiền điện như thông qua quầy giao dịch, điểm thu tập trung, thu tại nhà và thuê dịch vụ bán lẻ điện năng tại các khu vực nông thôn.

Ngoài ra, EVN còn thu tiền điện qua các kênh dịch vụ của ngân hàng như: Trích nợ tự động, ATM, internet banking, mobile banking, ví điện tử…

img

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN. (Ảnh: Hải Nguyễn)

Để nâng cao hiệu quả, phía EVN cũng đã yêu cầu các Tổng công ty điện lực xây dựng và triển khai Kế hoạch “Phát triển khách hàng thanh toán qua ngân hàng và Tổ chức trung gian”.

Trong đó, nêu rõ các giải pháp thực hiện, giao chỉ tiêu cụ thể cho các đội quản lý, cơ chế khen thưởng rõ ràng. EVN cũng tập trung vào công tác truyền thông, hợp tác với các cấp chính quyền để tạo điều kiện chuyển đổi các hình thức thu tiền điện sao cho thuận lợi nhất. Ngoài ra, EVN cũng tập trung xây dựng, áp dụng công nghệ thông tin vào thu tiền điện, cổng thanh toán điện tử, kết nối với các ngân hàng, tổ chức trung gian và thanh toán online.

Tuy nhiên theo ông Dũng, trong quá trình thúc đẩy việc thu tiền điện qua ngân hàng và các tổ chức trung gian, EVN cũng gặp một số khó khăn khi bỏ dịch vụ thu tiền điện tại nhà, người sử dụng điện buộc phải tới các điểm thu tiền điện. Đặc biệt, tại khu vực nông thôn, các điểm giao dịch của ngân hàng còn ít nên việc thanh toán qua ngân hàng tương đối khó khăn. Các quầy thu của ngân hàng hoạt động trong giờ hành chính, trùng với giờ đi làm với người sử dụng điện, khi giao dịch tại ngân hàng cũng khá mất thời gian.

Từ đó, EVN đề nghị một số giải pháp để giải quyết những vấn đề trên như: chỉ đạo đơn vị xây dựng chính sách thanh toán trực tuyến, phân vùng đối tượng. Thúc đẩy thu tiền điện trực tuyến qua ngân hàng, qua web, qua các ứng dụng OTT (giải pháp cung cấp nội dung cho người sử dụng dựa trên nền tảng Internet) và những môi trường khác.

Trước đó, năm 2005, EVN đã ký thoả thuận hợp tác với 4 ngân hàng lớn như: ICB, VCB, BIDV, AgriBank. Tới năm 2015, EVN đã triển khai đẩy mạnh việc thu tiền điện qua ngân hàng, tổ chức trung gian nhằm nâng cao năng suất lao động, Trong năm 2017, EVN không còn thu nhân viên của điện lực đến nhà khách hàng thu tiền, hợp tác với 27 ngân hàng và 10 tổ chức trung gian.

Theo EVN, tỷ lệ hóa đơn và doanh thu tiền điện qua ngân hàng, tổ chức trung gian tăng mạnh qua các năm: từ 14,88% số khách hàng (2015) lên 44,95% số khách hàng năm 2017. Tỷ lệ thu tiền điện luôn đạt tỷ lệ trên 99,7%. Trong giai đoạn 2015-2017, tỷ lệ doanh thu tiền điện qua ngân hàng, tổ chức trung gian tăng mạnh: từ 64,35% (2015) lên 83,57% số khách hàng năm 2017.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem