F0 không triệu chứng sẽ được cách ly tại nhà thế nào?

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 13/08/2021 17:36 PM (GMT+7)
Ngày 13/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết sẽ thí điểm mô hình cách ly F0 không triệu chứng tại nhà. Các chuyên gia y tế đã chỉ ra điều kiện cần thiết để F0 cách ly tại nhà an toàn.
Bình luận 0

Tại hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc về quản lý, điều trị và chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2, người bệnh Covid-19 và an toàn tiêm chủng vắc xin Covid-19 sáng 13/8, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có chia sẻ về việc cách ly F0 tại nhà. 

Theo PGS Khuê, với sự lây lan rất nhanh của dịch Covid-19 hiện nay, số ca bệnh tăng rất cao trong các ngày qua khiến các cơ sở y tế đang có nguy cơ quá tải. Qua phân tích dịch tễ, phân tích lâm sàng các ca Covid-19 cho thấy 80-82% người bệnh không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ. Còn 20% là những người có triệu chứng vừa, trung bình. Từ người trung bình chuyển biến thành bệnh nặng khoảng 5% và rất nặng từ 0.5-1%.

F0 không triệu chứng sẽ được cách ly tại nhà thế nào? - Ảnh 1.

Bệnh nhân Covid-19 đông khiến các cơ sở y tế đang phải cố gắng hết sức. (Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Covid-19 Củ Chi.TP.HCM. Ảnh BYT)

"Trước đây, Bộ Y tế đã có quy định về phân 3 tuyến điều trị Covid-19 từ nhẹ đến nặng. Tuy nhiên, điều đó chỉ phù hợp khi số bệnh nhân ít, rải rác ở nhiều địa phương. Còn hiện nay, dịch bệnh đang phức tạp, số ca mắc tăng nhanh ở nhiều địa phương. Từ mô hình bệnh tật hiện nay, chúng tôi đã có sự bổ sung, điều chỉnh 1 số chính sách trong điều trị Covid-19", PGS Khuê cho biết.

Theo PGS Khuê điều chỉnh thứ nhất là yêu cầu tất cả các BV trên toàn quốc đều cần chuẩn bị sẵn sàng ít nhất 40% giường bệnh để thu dung bệnh nhân Covid-19. Đây là chính sách giúp người bệnh ở tất cả các tuyến khi bị nhiễm đều có thể tiếp cận với dịch vụ y tế. Hiện nhiều BV đã thực hiện mô hình: BV tách đôi để 1 bên điều trị Covid-19, 1 bên điều trị các bệnh thông thường.

Thứ 2 chính là xây dự chính sách để cách ly tại nhà đối với 80% F0 không triệu chứng.

Cần xây dựng mô hình cách ly tại nhà cho F0 phù hợp với Việt Nam

"Hiện nay, chúng tôi đã hướng dẫn theo kinh nghiệm quốc tế cũng như mô hình triệu chứng bệnh học, các ca bệnh này có thể điều trị được tại nhà. Khi đó, mỗi gia đình sẽ trở thành một "phòng chăm sóc y tế".  Trước kia F2 rồi F1 được quản lý tại nhà thì nay thí điểm quản lý, chăm sóc, theo dõi F0 không triệu chứng tại nhà. Người bệnh sẽ được quản lý, theo dõi tại nhà, đảm bảo sức khỏe đồng thời tránh lây nhiễm chéo trong gia đình và cộng đồng", PGS Khuê nói.

PGS Khuê cũng chia sẻ về việc để đảm bảo F0 được theo dõi sát, hiện nay Bộ Y tế cũng chú trọng, tăng cường tư vấn bằng công nghệ thông tin cho người bệnh và người nhà có F0 như qua điện thoại, Zoom, Zalo, Facebook...  F0 và người nhà F0 sẽ được hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tại nhà thế nào, cách ly ra sao. Nếu có ho, sốt, khó thở thì phải liên hệ với ai, đến đâu.... Tất cả những điều này đều phải sẵn sàng chuẩn bị.

Về việc sử dụng thuốc cho các F0 tại gia đình, Bộ Y tế đang có chiến lược chuẩn bị các túi thuốc để cho F0 tại gia đình cũng như tăng cường các tư vấn cho mọi người giúp F0 an tâm, không kỳ thị, người trong gia đình được đảm bảo an toàn.

PGS Khuê cũng chú trọng, mô hình điều trị F0 tại nhà phải áp dụng đúng nơi, đúng chỗ, đúng người bệnh. Ở nước ngoài, họ có thể để F0 tại nhà dễ dàng vì người dân có ý thức tự giác cao, điều kiện gia đình rộng rãi, gia đình chỉ có ít người, các cá nhân có phòng riêng, cách biệt, điều kiện về công nghệ thông tin tốt... để liên lạc.  

Còn Việt Nam chỉ có 1 số gia đình có điều kiện tốt, còn lại nhiều khu vực rất đông dân cư, gia đình chật chội, nhiều thế hệ từ người già đến trẻ em, không có phòng cách biệt cho F0. Nhà có mấy chục mét vuông nhưng 5-7 người ở, làm thế nào để người bệnh có chỗ ăn, ngủ, tắm rửa, sinh hoạt riêng là điều khó khăn.

F0 không triệu chứng sẽ được cách ly tại nhà thế nào? - Ảnh 2.

Theo Bộ Y tế, trước mắt sẽ thí điểm cách ly F0 không triệu chứng tại nhà tại TP.HCM và 1 số tỉnh phía Nam có số ca Covid-19 cao. Ảnh minh họa: Dangcongsan.vn

Do đó, Bộ Y tế sẽ quan tâm xem xét xây dựng mô hình cho F0 không triệu chứng cách ly tại nhà phù hợp với văn hóa, lối sống của người Việt. Trước mắt sẽ thí điểm áp dụng mạnh tại TP.HCM cũng như một số tỉnh có số ca mắc cao, giao cho bác sĩ gia đình, y tế địa phương để theo dõi, tư vấn, chăm sóc tại nhà cho các F0.

Ngoài ra cũng sẽ huy động thêm các bác sĩ tình nguyện, mạng lưới bác sĩ tư vấn qua mạng để họ nhận tư vấn cho các gia đình, các F0, các cụm xã về sức khỏe, theo dõi các F0 này.

"Đối với 80% F0 không triệu chứng chỉ cần người có kiến thức về y tế, theo dõi các chỉ số sinh tồn, kịp thời phát hiện các F0 chuyển sang có triệu chứng để đưa đi cơ sở y tế... 80% F0 này có thể quản lý tại nhà. Nếu dịch bùng phát hơn nữa thì chúng ta cũng có sự chuẩn bị, để mọi người có thể được chăm sóc y tế", PGS Khuê nhấn mạnh.

F0 cách ly tại nhà được theo dõi thế nào? 

Về nhu cầu chăm sóc, điều trị F0 tại nhà, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội kiêm phụ trách Trung tâm Hồi sức Covid-19 tại Bình Dương nhận định, trong giai đoạn hiện nay, khi dịch đã lây lan mạnh trong cộng đồng, vai trò giảm lây nhiễm cần nhưng không còn quá thiết yếu. Nếu như vẫn tiếp tục cách ly F0 tại các cơ sở y tế thì sẽ dẫn đến việc quá tải hệ thống y tế. Đồng thời giảm khả năng phát hiện sớm, can thiệp sớm các trường hợp diễn biến nặng.

"Do đó, việc cấp thiết hiện nay chính là phải cách ly F0 không triệu chứng tại nhà", PGS Hiếu chia sẻ.

Về những việc cần chuẩn bị khi để F0 cách ly tại nhà, PGS Hiếu cho biết, nhân viên y tế, trung tâm y tế xã, quận/huyện, Trung tâm vận chuyển cấp cứu và những cơ sở được phân công theo dõi quản lý F0 tại nhà cần có trách nhiệm: Quản lý danh sách người nhiễm SARS-CoV-2; quản lý sức khoẻ F0 tại nhà theo phân công; phát hiện sớm người nhiễm có nguy cơ chuyển nặng để xử trí cấp cứu tại chỗ, hướng dẫn/chuyển bệnh viện kịp thời; tư vấn điều trị triệu chứng, dinh dưỡng và tâm lý; hướng dẫn phòng, kiểm soát lây nhiễm dịch Covid-19.

F0 không triệu chứng sẽ được cách ly tại nhà thế nào? - Ảnh 3.

Chuyển F0 chuyển biến nặng đi cấp cứu tại TP.HCM. Ảnh HCDC

Về tiêu chí F0 có nguy cơ thấp, PGS Hiếu cũng cho biết, đó là các F0 không có dấu hiệu suy hô hấp (SpO2 >/=96%, nhịp thở<20l/p) hoặc đã tiêm tối thiểu 1 mũi vắc xin Covid-19 trở lên. Đồng thời đáp ứng đủ 4 yêu cầu sau: dưới 45 tuổi, không có bệnh nền, không mang thai, không béo phì.

Khi F0 tại nhà cũng cần đảm bảo có thiết bị đo SpO2 tại nhà, tần suất 2 lần/ngày, F0 phải được theo dõi các dấu hiệu sinh tồn như: mạch, nhiệt độ, nhịp thở, SpO2 và huyết áp (nếu có thể) và các triệu chứng lâm sàng phát sinh như ho, đau rát họng, chảy mũi, đau người…. Khi bệnh nhân sốt phải biết cách hạ sốt, bù nước và điện giải. Nếu bệnh nhân có diễn biến xấu như  SpO2, rối loạn nhịp mạch, huyết áp cap, ý thức lý lẫn, ngủ rũ, lơ mơ/mệt lả cần đưa đi bệnh viện cấp cứu ngay...

Đối với trẻ em là F0 thì cần đưa đi cấp cứu khi trẻ em ho, khó thở, thở nhanh (nhịp thở ≥ 60 lần/phút ở trẻ < 2 tháng; ≥ 50 lần/phút ở trẻ từ 2 - 11 tháng, ≥ 40 lần/phút ở trẻ từ 1 - 5 tuổi ), không thể bú, thở rên hoặc rút lõm lồng ngực, SpO2 ≤ 94%....

Điều kiện để F0 có thể cách ly, theo dõi y tế tại nhà:

"Người nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng.

Người nhiễm SARS-CoV-2 mức độ nhẹ, nguy cơ thấp.

F0 hoặc người nhà: có thể tự chăm sóc & liên lạc nhân viên y tế khi có tình trạng cấp cứ.

Nơi ở có các điều kiện cho F0 cách ly với người nhà theo mục 3 "Hướng dẫn tạm thời về cách ly y tế tại nhà phòng, chống dịch Covid-19 cho người tiếp xúc gần (F1)" như có phòng riêng, nơi sinh hoạt riêng..."

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem