F0 tăng mạnh: Covid-19 không đáng sợ như chúng ta tưởng (kỳ cuối)
F0 tăng mạnh: "Covid-19 không đáng sợ như chúng ta tưởng" (kỳ cuối)
Diệu Linh
Chủ nhật, ngày 06/03/2022 06:00 AM (GMT+7)
Các ca F0 gia tăng khiến nhiều người lo lắng, sợ hãi. Bác sĩ khuyến, không nên lo lắng thái quá về Covid-19 và đừng tự điều trị theo lời đồn thổi, mách nước trên mạng mà tự làm hại mình.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, chuyên gia nhi khoa, nguyên Trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai nhận định, Covid-19 đến thời điểm này không có nặng như chúng ta tưởng. Đa số trẻ em chỉ sốt 1-2 hôm là hết triệu chứng, ăn chơi bình thường. Chỉ có 1 số ít trẻ em có diễn biến nặng với tỷ lệ rất thấp.
Trong thời điểm này chúng ta nên coi Covid-19 như các bệnh thông thường khác, có triệu chứng gì thì chữa triệu chứng đó. Đại bộ phận các ca mắc Covid-19 là không triệu chứng hoặc triệu chứng như cảm cúm (sốt, ho, sổ mũi, đau đầu), có thể tự khỏi sau 1 tuần.
"1.000 người mắc thì hơn 900 người ở nhà và tự khỏi, 900 người có triệu chứng tương đối thì điều trị ở bệnh viện tuyến huyện là khỏi, chỉ khoảng 10 người mới phải bệnh viện chuyên sâu. Nếu cơ sở y tế nào cũng điều trị Covid-19 như bệnh thông thường khác thì sẽ không bao giờ quá tải", PGS Dũng cho biết.
Theo PGS Dũng "bệnh" đáng lo hiện nay của mọi người chính là vấn đề về tâm lý, tâm thần, mọi người sợ hãi, lo lắng về Covid-19 nhiều quá khiến sức miễn dịch giảm xuống. Khi sức miễn dịch giảm thì càng nhiễm Covid-19 nhiều và khi nhiễm lại yếu ớt, dễ làm triệu chứng tăng nặng.
Về tình trạng bệnh Covid-19 hiện nay, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, với bệnh nhân Covid-19 hiện nay, hầu như trong tuần đầu tiên của bệnh, người ta sẽ không có triệu chứng hoặc triệu chứng thông thường như sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi đau mỏi người.
Hết tuần đầu tiên thì với những người đã tiêm đủ các mũi vaccine thì đến 90% người bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn hồi phục. Các triệu chứng sẽ tự mất dần. Chỉ dưới 10% là có nguy cơ diễn biến nặng lên.
"Đối với các triệu chứng không điển hình trong tuần đầu tiên thì chúng ta xử trí như với các bệnh cảm cúm, sốt virus thông thường. Chúng ta chỉ đặc biệt lưu ý các diễn biến nặng có thể xảy ra ở tuần thứ 2 khi nhiễm bệnh", bác sĩ Cấp cho biết.
Theo bác sĩ Cấp, ngay cả với những người già trên 60 tuổi có các bệnh lý nền mắc Covid-19 nếu như các triệu chứng không nghiêm trọng thì vẫn nên duy trì điều trị các bệnh lý nền để kiểm soát tốt tình trạng bệnh nền.
Còn với người già chưa tiêm vaccine Covid-19 hoặc chưa tiêm đầy đủ, tiêm rồi nhưng cảm thấy sức đề kháng kém, triệu chứng nặng thì nên thông báo cho cơ quan y tế hoặc đưa đi bệnh viện để được uống thuốc kháng virus và có cách xử lý, điều trị đúng.
Xông hơi không diệt Covid-19
Về việc người dân xông hơi phòng chống Covid-19, TS Nguyễn Hồng Minh – Trưởng Khoa Y học Cổ truyền (Bệnh viện Nhi Trung ương) cũng nhận định, nhiều người đang hiểu nhầm về biện pháp xông hơi để phòng Covid-19.
TS Minh cho biết, xông hơi là một trong các biện pháp điều trị theo y học cổ truyền ứng dụng để hạn chế lây nhiễm và phòng bệnh được nhắc đến trong "Hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược cổ truyền để phòng, chống dịch Covid-19" do Bộ Y tế ban hành.
Trong thời gian đại dịch, ngoài Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng ứng dụng phương pháp xông hơi, xông khói cho không gian sinh sống, không gian làm việc, túi thơm đeo bên người sử dụng thảo dược để làm sạch không khí, kháng khuẩn, tránh sự khuếch tán của virus từ đó có tác dụng giảm và ngăn ngừa sự lây lan của virus trong không khí.
Nguyên liệu thường được dùng là sự phối hợp của các vị thuốc đông y có tính kháng khuẩn, có khả năng ức chế virus đã được khoa học chứng minh, có tính tinh dầu, có hương thơm,…
Khuyến cáo của Bộ Y tế dùng phương pháp "xông" để hạn chế lây nhiễm và phòng bệnh là dùng để xông phòng ở, nơi làm việc; có thể sử dụng các máy phun sương dùng tinh dầu hoặc thuốc đông y cô đặc.
"Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh tăng nhanh trên các tỉnh thành ở Việt Nam trong thời gian qua, nhiều gia đình đã lạm dụng và có phần hiểu chưa đúng về "xông" cũng như cách thức "xông" để phòng bệnh và hạn chế lây lan virus.
Nhiều trường hợp đã hiểu nhầm thành xông mũi, xông mặt, hay xông toàn thân…, xông cá nhân để diệt virus là không đúng", TS Minh phân tích.
Ngoài ra, có nhiều trường hợp trẻ xông hơi bị bỏng đã phải đi cấp cứu ở bệnh viện.
Về việc nhiều gia đình đổ xô đi mua chanh, xả về xông hơi để phòng Covid-19, PGS Dũng cho biết, nhiều người lầm tưởng xông hơi sẽ giúp "diệt virus SARS-CoV-2" nhưng suy nghĩ này là sai lầm.
"Xông hơi đối với người lớn, trẻ lớn có thể mang lại cảm giác dễ chịu, đối với người có các triệu chứng ngạt mũi có thể làm thông mũi, dễ thở hơn chứ hoàn toàn không có tác dụng diệt virus.
Tuy nhiên, các loại tinh dầu có trong nồi xông (tinh dầu từ xả hoặc do mọi người nhỏ thêm các loại tinh dầu khác) lại có hại với đường hô hấp của trẻ dưới 5 tuổi. Nguyên nhân là đường hô hấp của trẻ dưới 5 tuổi với các niêm mạc, lông tơ rất mỏng manh, mềm mại, tinh dầu và hơi nóng sẽ dễ làm tổn thương niêm mạc đường hô hấp của trẻ.
Khi đường hô hấp của trẻ bị tổn thương lại càng tạo điều kiện cho virus xâm nhập, trẻ dễ mắc virus SARS-CoV-2 và nhiều loại virus đường hô hấp khác. Như vậy, việc xông hơi đối với trẻ nhỏ chỉ có hại chứ không có lợi.
Hơn nữa, nếu trong nhà có người mắc Covid-19 thì mỗi lần xông hơi virus sẽ theo hơi nước bay ra mọi nơi, càng dễ lây lan cho người trong nhà.
Do đó, nếu mọi người muốn xông hơi cho dễ chịu thì nên xông ở phòng riêng, nhất là người mắc Covid-19. Đồng thời không nên xông cho trẻ em. Lưu ý xông hơi chỉ có tác dụng dễ chịu chứ không hề có tác dụng diệt virus".
Chỉ xông phòng và cần đề phòng tai nạn cho trẻ em
"Cha mẹ không nên lạm dụng xông hơi, không được xông trực tiếp vào người trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 30 tháng tuổi.
Để khử khuẩn cho gia đình, mọi người chỉ nên "xông" phòng chứ không phải trùm khăn xông hơi như cách các cụ giải cảm.
Còn khi xông phòng cũng nên trông nom để trẻ nhỏ không va chạm vào gây bỏng.
"Nếu có sử dụng máy xông, nên sử dụng các loại máy phun sương khép kín, đặt ở vị trí chắc chắn, vị trí trẻ không thể với tới được, không nên sử dụng nồi xông nước nóng.
Ngoài ra, nhà có trẻ nhỏ, khi "xông" phòng ở, không nên sử dụng tinh dầu có nồng độ đậm đặc; thời điểm "xông" phòng ở có thể lựa chọn vào sáng sớm khi trẻ chưa ngủ dậy, buổi trưa hoặc chiều tối, tránh những tai nạn do sơ xuất gây nên".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.