Tông tin được đại diện của Facebook, Phó Chủ tịch phụ trách Các vấn đề toàn cầu Nick Clegg đưa ra mới đây sau khi mạng xã hội này thông báo dừng chặn tin tức đối với người dùng “Xứ sở chuột túi”.
Ông Nick Clegg cho biết, trên thực tế và mặt pháp lý, trước khi dự luật buộc các hãng công nghệ lớn phải trả phí sử dụng nội dung tin tức của các tổ chức báo chí được chính quyền Australia thông qua, việc tạm dừng chia sẻ tin tức trên nền tảng mạng xã hội này là bình thường và cần thiết. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Facebook đã mắc sai lầm khi thực thi quá mức, nhiều nội dung không phải tin tức cũng bị chặn.
Facebook thừa nhận sai lầm do nóng giận.
Cùng với việc bỏ chặn tin tức đối với người dùng tại Australia, Facebook cũng đưa ra tuyên bố sẽ đầu tư ít nhất 1 tỷ USD cho ngành công nghiệp tin tức trong 3 năm tới nhằm thể hiện cam kết trả tiền cho báo chí chất lượng cao và giúp đỡ ngành công nghiệp báo chí đang gặp nhiều khó khăn.
Trước đó, sau khi Quốc hội Australia tuyên bố xem xét thông qua dự thảo Bộ quy tắc thương lượng truyền thông, căng thẳng giữa hai bên bắt đầu gia tăng khi Facebook thông báo không cho phép người dùng Australia chia sẻ hoặc xem nội dung tin tức. Quyết định của Facebook đã khiến hơn 17 triệu người dùng ở Australia không đọc được hay chia sẻ tin tức từ các trang của các tờ báo địa phương trên nền tảng này. Không những thế, họ cũng không tìm thấy thông tin từ các trang của các tổ chức như Cục Khí tượng và Cơ quan Phòng chống Tự tử Australia. Động thái này của Facebook đã vấp phải nhiều sự chỉ trích.
Một trong những tờ báo của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch mô tả đó là "hành động chiến tranh". Trong khi đó, giới công nghệ đang đặt câu hỏi liệu Mark Zuckerberg có "chơi quá tay", và liệu hành động "phô diễn sức mạnh" của mạng xã hội này có khiến nhiều quốc gia khác sẽ theo chân Australia hay không.
Tại Mỹ, Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ David Cicilline khẳng định Facebook không tương thích với nền dân chủ và việc đe dọa khiến một quốc gia phải quỳ gối là sự thừa nhận của quyền lực độc quyền.
Tại Anh, nghị sĩ Julian Knight đánh giá Facebook đang cư xử như một kẻ chuyên đi bắt nạt. "Đây là một động thái khó hiểu. Quyết định 'rút phích cắm' thể hiện kiểu văn hóa doanh nghiệp tồi tệ nhất", ông nói.
Đến ngày 23/2, sau các cuộc đàm phán căng thẳng với Chính phủ Australia, Facebook đã khôi phục quyền truy cập tin tức tại Australia trong khi chính quyền Canberra nhất trí sửa đổi Bộ quy tắc thương lượng truyền thông. Mạng xã hội này khẳng định việc hạn chế chia sẻ tin tức liên quan đến "sự hiểu lầm cơ bản" về mối quan hệ giữa công ty công nghệ và các hãng tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.