Theo ông Lê Thành Vinh, Phó chủ tịch Thường trực FLC, dự án khu phức hợp nói trên dự kiến có hạng mục chính là cụm công trình liên hợp thể thao, với điểm nhấn trung tâm là một sân vận động có sức chứa 100.000 chỗ ngồi, được thiết kế có mái che để đáp ứng yêu cầu tổ chức các giải đấu quốc tế lớn, với mục tiêu trở thành sân vận động lớn và hiện đại nhất thế giới, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự kiến khoảng 25.000 tỷ đồng.
Cũng được đề xuất nằm trong dự án là các hạng mục cụm sân golf liên hoàn; đường đua công thức 1; cụm khách sạn, resort tiêu chuẩn 5 sao; khu liên hợp đa phương tiện phục vụ các hội nghị quốc tế; khu dịch vụ vui chơi giải trí; khu trung tâm thương mại - tài chính; tổ hợp các khu chăm sóc sức khoẻ kết hợp nghỉ dưỡng (bệnh viện nghỉ dưỡng); khu trại hè quốc tế tập trung kết hợp các hoạt động giáo dục, vui chơi khoa học dành cho trẻ em; trường đua ngựa và vườn thú; công viên chủ đề và quảng trường trung tâm; khu mua sắm tập trung theo mô hình outlet... Tổng diện tích dự án khoảng từ 1.000 đến 2.000 ha.
Ảnh minh hoạ.
Văn bản cho biết nếu được Hà Nội chấp thuận, các hạng mục đầu tư trên sẽ do FLC trực tiếp đầu tư, tổ chức vận hành, khai thác, đảm bảo tiêu chuẩn thiết kế trong suốt vòng đời dự án.
FLC của ông Trịnh Văn Quyết cũng nhấn mạnh, các hạng mục này sẽ bố trí quy hoạch trong tổng thể hài hoà, kết nối đồng bộ về hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật khác với các khu vực dự án lân cận, đặc biệt là khu vực sân bay Nội Bài.
Cũng theo ông Vinh, nếu được UBND TP Hà Nội chấp thuận ý tưởng và giới thiệu địa điểm phù hợp, Tập đoàn FLC sẽ quyết tâm đầu tư và hoàn thành dự án trong thời gian nhanh nhất, góp phần cùng đưa Thủ đô Hà Nội trở thành một trong những thành phố du lịch ấn tượng nhất châu Á trong tương lai.
Cũng trong tháng 1 này, chuyến bay thương mại đầu tiên của Bamboo Airways - hãng hàng không thành viên của FLC - đã chính thức cất cánh. Nằm trong chiến lược đầu tư mạnh mẽ cho phát triển du lịch của FLC, theo kế hoạch, Bamboo Airways sẽ mở rộng hơn 100 đường bay trong nước và quốc tế trong 5 năm tới.
Theo kế hoạch, Bamboo Airways dự kiến sẽ khai thác 37 đường bay kết nối tất cả thành phố lớn và điểm đến du lịch nổi tiếng tại Việt Nam và quốc tế trong năm 2019. Các tuyến bay nội địa đầu tiên dự kiến sẽ là các tuyến Hà Nội - Quy Nhơn, Hà Nội - Đồng Hới, TP HCM - Quy Nhơn, Hà Nội - TP HCM, TP HCM - Vân Đồn…
Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết sẽ khởi bay với tần suất 60 chuyến bay nội địa/ngày. Cũng dự kiến trong năm 2019, những chuyến bay trên không phận quốc tế của Bamboo Airways tới các quốc gia thuộc khu vực Châu Á, bắt đầu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… và các nước châu Âu cũng sẽ được hãng triển khai bằng các tàu bay thân rộng.
Hãng đã chốt kế hoạch bay quốc tế với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước trong khu vực châu Á, châu Âu để chuẩn bị cho các đường bay dài từ năm 2019.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.