FLC gia nhập ngành nông nghiệp bằng chuỗi dự án "khủng"

P.V Thứ ba, ngày 06/11/2018 11:31 AM (GMT+7)
Tập đoàn FLC xác định nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là một trong những lĩnh vực đầu tư trọng điểm và được đẩy mạnh thời gian tới, trong đó việc lựa chọn hợp tác về công nghệ với những quốc gia hàng đầu thế giới về NNCNC như Nhật Bản, Israel, Hà Lan… sẽ được đặc biệt ưu tiên.
Bình luận 0

Đón đầu xu thế

Được xác định là trụ đỡ của nền kinh tế, khi nông nghiệp được đầu tư có trọng điểm, nền kinh tế sẽ được củng cố và phát triển bền vững; chính vì vậy, nông nghiệp là lĩnh vực ngày càng được Chính phủ chú trọng hỗ trợ và phát triển. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên công nghệ như ngày nay, việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp sẽ là hướng đi tất yếu giúp ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm chi phí, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh khi hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhận xét: “Chưa bao giờ xã hội có sự quan tâm đến nông nghiệp như hiện nay, khi hàng loạt doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Sự chuyển hướng này mang theo khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật phát triển NNCNC. Điều này kỳ vọng tạo sự bứt phá mạnh mẽ cho nền nông nghiệp nước ta”.

img

Trang trại trồng dưa lưới của FAM tại Quy Nhơn.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020 tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước.

Chính bởi những tiềm năng phát triển của ngành, Chính phủ đã quyết định nâng gói hỗ trợ tín dụng cho NNCNC từ 60.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Tận dụng xu thế của kỷ nguyên mới và chủ trương hỗ trợ của Chính phủ, Tập đoàn FLC đang có những kế hoạch đầu tư quy mô và bài bản vào lĩnh vực NNCNC.

Những kế hoạch gia nhập thị trường đã được Tập đoàn FLC ấp ủ từ lâu, điển hình là trước đó FLC đã mua 100% vốn của Công ty CP Nông dược H.A.I với truyền thống 30 năm sản xuất kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Từ cuối năm 2017, thông qua việc sáp nhập Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu nông sản FAM, Tập đoàn FLC đã chính thức phát triển mảng sản xuất để chủ động sản xuất được các sản phẩm nông nghiệp sạch, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, từ đó sẽ thực hiện mô hình liên kết với các hộ dân.

“Mục tiêu của FLC là tạo ra những sản phẩm chất lượng cao cho thị trường; góp phần xây dựng một nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững vì sức khỏe và tương lai lâu dài của người dân. Để làm được điều này, việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất là hướng đi tất yếu” - ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC cho biết.

Việc Tập đoàn FLC nêu định hướng mở rộng đầu tư này đã khiến thị trường bất ngờ bởi một “đại gia” trong ngành dịch vụ và thương mại tưởng như “ngoại đạo” trong lĩnh vực nông nghiệp giờ đây lại tham gia vào lĩnh vực sản xuất nông sản. Tuy nhiên, ít ai biết rằng Tập đoàn FLC đang sở hữu quỹ đất nông nghiệp lớn tại những khu vực được đánh giá là có thời tiết thuận lợi để phát triển những giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

img

Trang trại thanh long chuẩn bị xuống giống tại Quy Nhơn.

Từ đầu năm đến nay, Tập đoàn FLC đã khảo sát trên 20 tỉnh thành tại nhiều vùng khí hậu khác nhau trên cả nước và trước mắt sẽ tiến hành triển khai canh tác tại Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Trị ngay trong năm 2018.

Ngoài ra, FLC cũng đang ưu tiên lựa chọn hợp tác về công nghệ với những quốc gia hàng đầu về NNCNC như Nhật Bản, Israel, Hà Lan… Vào tháng 12/2017,  Tập đoàn FLC đã ký thoả thuận hợp tác với Công ty Farmdo (Nhật Bản) phát triển hệ thống trang trại NNCNC kết hợp năng lượng mặt trời, đồng thời Farmdo cũng sẽ chuyển giao công nghệ cho FLC những kỹ thuật canh tác đang được áp dụng tại Nhật Bản, như kỹ thuật Hydroponics (thuỷ canh với hệ thống phân bón tự động), điều hoà không khí và rèm mái che tự động, chọn lọc giống có hàm lượng dinh dưỡng cao…

Sau đó, đầu năm 2018, P.Maron - công ty hàng đầu của Israel về các giải pháp phát triển nông nghiệp tiên tiến - cũng đã có những trao đổi bước đầu về hợp tác với Tập đoàn FLC. Theo đó, P.Maron sẵn sàng hỗ trợ FLC xây dựng dây chuyền sản xuất, chuyển giao công nghệ, tham gia đào tạo nguồn nhân lực cũng như giám sát và tư vấn trên nhiều hạng mục. Bên cạnh đó, rất nhiều đối tác khác từ New Zealand, Nga, Hàn Quốc… cũng đang được FLC xem xét hợp tác.

Tham vọng lớn

Nhằm tận dụng tối đa các tiềm năng và cơ hội hiện có của thị trường, cũng như đón đầu các cơ hội kinh tế mới, Tập đoàn FLC xác định NNCNC là một trong những lĩnh vực trọng điểm với tổng vốn đầu tư dự kiến đạt 1,5 tỷ USD trong giai đoạn 2018 - 2020 và quỹ đất lên tới 15.000 ha trải dài tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

img

FAM tiên phong đầu tư ở những vùng đất bạc màu, khó canh tác.

 “Để có kế hoạch đầu tư bài bản và bước phát triển đột phá, công tác chuẩn bị mất nhiều thời gian. Chúng tôi cần khảo sát các vùng đất ở các địa phương để đánh giá một cách kỹ lưỡng về tính khả thi và khả năng liên kết tạo vùng NNCNC. Sau đó, chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng các trang trại sản xuất, nhà máy sơ chế, chế biến và hệ thống liên kết cũng như logistic để bao tiêu sản phẩm của tập đoàn và của các hộ dân liên kết” - ông Bùi Đình Hiếu, Phó Giám đốc Thường trực FAM cho biết.

Theo kế hoạch, Tập đoàn FLC sẽ triển khai đồng loạt nhiều dự án nông sản có quy mô lớn tại các khu quần thể nghỉ dưỡng của tập đoàn, hiện có tại Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Bình Định, Quảng Bình, và sắp tới là Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Ngãi...

Với định hướng phát triển quy mô lớn, Tập đoàn FLC đặt mục tiêu sản xuất không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước bao gồm các khu nghỉ dưỡng của FLC mà còn xuất khẩu ra thế giới.

Trong vòng 5 năm tới, FLC dự định tập trung phần lớn nguồn lực cho các loại cây ăn quả ngắn ngày, rau củ và hải sản, hướng tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về sản xuất, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm trái cây.

“Với việc gia nhập lĩnh vực mới này, Tập đoàn FLC kỳ vọng sẽ góp phần đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng sản xuất sạch, đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu nông sản trong tương lai, đồng thời rút ngắn khoảng cách về công nghệ và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp với các nước tiên tiến trên thế giới” - ông Hiếu cho biết.

Hiện tại, FAM có nông trường tại Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Bình Định và Hà Tĩnh.

Trong tháng 10, FAM ra mắt thị trường 2 sản phẩm là dưa lưới vỏ vàng ruột cam và dưa lưới vỏ xanh ruột cam. Sản phẩm sẽ được ưu tiên cung cấp cho các quần thể du lịch nghỉ dưỡng của Tập đoàn FLC, sau đó là một số thị trường bán lẻ khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem