FLC thâu tóm đất nông nghiệp: "Không thể đánh đổi mọi thứ vì kinh tế"

Phương Vy Thứ ba, ngày 29/03/2016 07:18 AM (GMT+7)
Xoay quanh câu chuyện “FLC thâu tóm đất nông nghiệp”, nhìn rộng ra, GS Nguyễn Minh Thuyết  cho rằng, thấy đất nông nghiệp rẻ thì doanh nghiệp cứ lấy, dù không hiệu quả cũng cứ để đấy.
Bình luận 0

img

 GS Nguyễn Minh Thuyết.

Thưa ông, mục tiêu bảo vệ 3,8 triệu ha đất lúa hiện nay phải chăng đang gặp khó khăn khi mà “bờ xôi ruộng mật” của người dân ngày càng bị chuyển đổi mục đích sử dụng?

- Đúng là đất nông nghiệp, trong đó có đất trồng lúa, ngày càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa hiện nay. Ngay ở Quốc hội khóa XI, XII, nhiều đại biểu, trong đó có tôi, đã phản ứng về vấn đề này khá gay gắt. Bởi để hình thành 1 ha đất trồng trọt, phải trải qua hàng tỉ năm phát triển của thiên nhiên mới có được, chứ không hề đơn giản. Mình cứ phát triển một cách ồ ạt, đưa doanh nghiệp vào đầu tư, kể cả doanh nghiệp của nước ngoài vào lấy đất nông nghiệp nhưng chẳng biết lãi được bao nhiêu.

Nhiều doanh nghiệp vào đầu tư còn báo lỗ, mình mất đất như vậy thì rất đau xót. Đi dọc suốt đường quốc lộ 5 chẳng hạn, cả hai bên đường trước đây là một dải đất lúa rất mầu mỡ, có thể nói là “bờ xôi ruộng mật”, giờ đã trở thành khu nhà ở, khu công nghiệp là vô cùng lãng phí. Sau này, làm sao mình có được những diện tích đất lúa như thế nữa! Mặt khác, trước nguy cơ tác động của biến đổi khí hậu, làm cho nước biển dâng, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng thì việc giữ từng ha, từng khu ruộng nhỏ để trồng lương thực là vô cùng quan trọng.

img

Một góc FLC Vĩnh Thịnh Resort tại Vĩnh Phúc. Ảnh: V.T

Không chỉ lấy đất nông nghiệp chuyển đổi sang khu công nghiệp, đô thị mà nhiều diện tích còn bị thu hồi chuyển sang xây dựng sân golf, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Việc phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị có thể còn lý giải được, nhưng phát triển ồ ạt golf thì không thể hiểu vì lý do gì. Sân golf thực tế cũng chỉ phục vụ một số người nhất định (những người có điều kiện - PV) và loại hình kinh doanh này cũng ít lãi.

Ngoài ra, sân golf hoàn toàn có thể làm ở vùng không trồng lúa, như vùng trung du, miền núi đất bạc màu, hay như ở Bình Thuận, người ta còn làm được sân golf trên cát. Nhưng quy hoạch tới năm 2020 cả nước có tới 96 sân golf thì tôi không hiểu quy hoạch đó dựa vào đâu.

Đại biểu Quốc hội khóa XI và XII nói rất nhiều về sân golf nên Chính phủ đã hứa hẹn kiểm tra, rà soát, giảm bớt… nhưng sau một thời gian thì đâu lại đóng đấy.

Mới đây Tập đoàn FLC lấy đất nông nghiệp ở Vĩnh Thịnh (Vĩnh Phúc) là “bờ xôi ruộng mật” của người dân để làm khu nghỉ dưỡng, làm sân golf, trong đó có dự án thu hồi rồi nhưng bỏ hoang hàng chục năm không triển khai nên đã bị phản đối của nông dân rất mạnh mẽ, ông có bình luận gì về vấn đề này?

- Tôi chưa nắm rõ thông tin cụ thể này, nhưng về nguyên tắc thì không thể lấy đất nông nghiệp một cách bừa bãi, nhất là lấy đất nông nghiệp để làm sân golf và càng không thể lấy đất nông nghiệp rồi bỏ hoang được. Do đó, Chính phủ phải kiên quyết xử lý, không thể để mãi như thế. Chúng ta có chính sách, chủ trương, quy định của pháp luật đầy đủ rồi, dự án không thực hiện thì phải thu hồi.

Các cơ quan và cán bộ quản lý có liên quan cũng phải chịu trách nhiệm và phải bị xử lý nghiêm. Thực tế, vấn đề này có trách nhiệm lớn của cơ quan quản lý, còn doanh nghiệp thì họ cứ thấy đất rẻ, giá đền bù rẻ thì họ cứ lấy, cứ mua rồi để đấy.

“Việc bảo vệ đất lúa đã có đầy đủ trong các quy định của pháp luật rồi. Chỉ có điều, công tác quản lý nhà nước quá yếu kém, nếu không nói có gì uẩn khúc đằng sau”.

GS Nguyễn Minh Thuyết

Trong khi đó, nông dân có đủ đất vẫn còn thất nghiệp, bởi hầu hết nông dân chỉ sản xuất 2 vụ lúa, hoặc có thêm một vụ mầu, ở miền Nam thì có 3 vụ lúa là cùng, thời gian còn lại là những lúc nông nhàn, người dân chẳng có công ăn việc làm nên họ vẫn thiếu đói, giờ còn lấy đất của họ nữa thì sẽ rất khó khăn. Giả sử có đền bù thì người ta có tiền tỷ cũng ăn tiêu hết; trong khi một gia đình có một mẫu ruộng thì hết thế hệ này sang thế hệ khác vẫn sống được nhờ vào sản xuất nông nghiệp. Theo tôi, vấn đề này được đặt ra từ lâu rồi nhưng đã không được thực hiện một cách nghiêm túc.

Thực tế, Tập đoàn FLC là doanh nghiệp tư nhân nhưng hiện doanh nghiệp này đang lấy đất nông nghiệp của nông dân ở nhiều tỉnh để đầu tư dự án của họ, theo ông phải chăng nhiều địa phương đang có sự quá ưu ái?

- Nhà nước phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn, từ đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xây dựng đất nước. Tuy nhiên, không phải tạo điều kiện bằng mọi giá. Việc lấy đất nông nghiệp quá nhiều, lấy cả đất rừng phòng hộ là không thể được. Nhất là lấy đất rồi lại còn bỏ hoang nữa thì rất là lãng phí. Chính quyền cũng không thể để tình trạng dự án chưa được cấp phép vẫn triển khai.

Việc lấy đất phải tuân thủ theo đúng quy trình của pháp luật và đặc biệt là phải được sự đồng tình, ủng hộ của người dân khi lấy đi “bờ xôi, ruộng mật”, lấy đi “cần câu cơm” của họ.

Để bảo vệ được 3,8 triệu ha đất lúa như mục tiêu của Quốc hội đặt ra, theo ông, cần có những giải pháp gì?

- Thực tế, việc bảo vệ đất lúa đã có đẩy đủ trong các quy định của pháp luật rồi. Chỉ có điều, công tác quản lý nhà nước quá yếu kém, nếu không nói có gì uẩn khúc đằng sau. Theo tôi, những người chịu trách nhiệm phải bị xử lý, kỷ luật nghiêm khắc, nếu cứ để tình hình này mãi thì không thể chấp nhận được.

Tôi cho rằng, Quốc hội phải giám sát, Chính phủ phải tăng cường thanh tra, xử lý kỷ luật thật nghiêm khắc thì mới khắc phục được tình trạng này. Còn cứ để vi phạm xảy ra thường xuyên nhưng chẳng ai làm sao, chỉ “rút kinh nghiệm sâu sắc” thì chẳng thể nào thực hiện được mục tiêu giữ 3,8 triệu ha đất lúa.

Điều này cũng giống như vụ tòa nhà cao ngất nghểu ở 8B Lê Trực (quận Ba Đình, Hà Nội), để xảy ra vi phạm nghiêm trọng như thế, cuối cùng cũng chỉ xử lý kỷ luật chủ tịch phường thì quá bằng mở đường cho những vi phạm tiếp theo.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem