Cai thầu "mất tích", 200 công nhân điêu đứng vì bị nợ lương

Dũ Tuấn Thứ sáu, ngày 08/04/2016 06:25 AM (GMT+7)
Hơn 200 công nhân thi công tại dự án FLC Quy Nhơn (xã Nhơn Lý, TP.Quy Nhơn, Bình Định) đang có nguy cơ không nhận được lương do “ông cai” trực tiếp thuê họ đã bỏ đi khỏi công trình.
Bình luận 0

Với mong mỏi được nhận lại những đồng tiền mồ hôi, nước mắt của mình, những công nhân ở đây đang phải cầu cứu chính quyền, báo chí và các cơ quan chức năng…

Nợ lương 200 triệu đồng?

Theo báo cáo của UBND xã Nhơn Lý, ngày 17.3, Công an xã Nhơn Lý nhận được đơn yêu cầu giải quyết của hơn 40 công nhân đại diện cho hơn 140 công nhân làm việc tại Công ty Trường Hòa Phát đang hợp đồng thi công các khách sạn, villa của FLC Quy Nhơn. Nội dung đơn yêu cầu chính quyền xã Nhơn Lý và công an can thiệp giải quyết việc họ không nhận được tiền công từ phía Công ty Trường Hòa Phát. Tiếp đến ngày 22.3, Công an xã Nhơn Lý lại nhận được đơn của anh Nguyễn Minh Phong (thôn Lý Hưng, xã Nhơn Lý) đại diện cho hơn 75 công nhân làm công cho ông Lê Văn Đức thi công xây phần nền, móng và ốp lát các villa, nhưng hơn 1 tháng qua không nhận được lương và ông Đức đã rời khỏi công trình.

img

Công nhân đang làm việc tại công trường quần thể FLC xã Nhơn Lý, TP. Quy Nhơn. Ảnh: Dũ Tuấn

Anh Nguyễn Minh Phong cho biết: “Ông Lê Văn Đức (trú TX.Sầm Sơn, Thanh Hóa) nhận hợp đồng bên Công ty cổ phần Xây dựng Faros thi công cán nền và ốp lát cho các villa thuộc dự án FLC Quy Nhơn tại xã Nhơn Lý và kêu gọi nhân công để làm. Tôi làm 28 công (từ ngày 20.2-18.3), mỗi công ông Đức trả tôi 500.000 đồng nhưng đến nay vẫn chưa nhận được đồng nào”. Theo anh Phong, ngày 17.3 ông Đức đã bỏ đi mà chưa thanh toán tiền lương cho công nhân với tổng số tiền khoảng 200 triệu đồng.

Cẩn thận hơn anh Phong, anh Nguyễn Văn Chương (SN 1977, thôn Lý Hưng, xã Nhơn Lý) đã ghi 27,5 ngày công của mình vào trang giấy trắng và gói ghém rất cẩn thận. Thế nhưng, đến nay anh cũng chỉ mới ứng được 1 triệu đồng và nhận lời hứa hẹn từ người thuê là ông Lê Văn Đức.

“Ông Đức hẹn ngày 18.3 sẽ trả tiền lương đầy đủ nhưng ngày 17.3 đã đi mất. Tổ của tôi có 75 người chưa nhận được lương. Tôi phụ xây dựng từ ngày 20.2 đến ngày 18.3 (200.000 đồng/ngày) không có hợp đồng nhưng làm mệt bã người mà chưa được trả lương, họ đã đi mất. Giấy tờ chấm công tôi còn giữ đầy đủ” - anh Chương cho hay.

Kêu cứu chính quyền

Theo ông Trần Văn Vương - Trưởng công an xã Nhơn Lý (TP. Quy Nhơn), từ ngày 19 đến 23.3 Công an xã Nhơn Lý đã phối hợp Đồn công an Khu kinh tế Nhơn Hội đến làm việc với lãnh đạo Ban quản lý FLC (tại xã Nhơn Lý) để xác minh thông tin sự việc, đồng thời yêu cầu các bên liên quan phải có trách nhiệm giải quyết chế độ cho công nhân lao động. “Đến nay, theo công nhân, Công ty Trường Hòa Phát đã chi trả hơn 700 triệu đồng cho 146 lao động. Riêng 75 công nhân vụ ông Lê Văn Đức thì ngày 6.4 sẽ chi trả”- ông Vương cho hay.

Tuy nhiên, sáng 6.4, hàng chục công nhân đã mang giấy chấm công đến văn phòng Ban quản lý dự án FLC với mong muốn được ông Lê Văn Đức trả tiền lương lao động. Thế nhưng, ông Đức lại không có mặt tại đây và họ đành phải lầm lũi nhờ lãnh đạo Ban quản lý FLC tìm cách tháo gỡ.

Theo ông Đỗ Quang Lâm - Giám đốc Ban quản lý dự án FLC, Công ty Trường Hòa Phát là nhà thầu phụ (nhà thầu chính là Faros) và ông Lê Văn Đức là tổ trưởng thi công hợp đồng công việc với Faros. Hiện tại, ông Lâm khẳng định, tổng thầu Faros không nợ lương bất cứ công nhân nào.

“Khi thi công, đơn vị tổng thầu phải dựa vào tổ trưởng các tổ đội. Các tổ trưởng này, chúng tôi đều ký hợp đồng công việc, còn chúng tôi không ký hợp đồng với từng lao động. Nhóm người thi công do ông Lê Văn Đức làm tổ trưởng thi công đã được chúng tôi thanh toán cho tổ trưởng rồi”- ông Lâm chia sẻ.

Về cách giải quyết, ông Lâm nói: “Ông Đức hiện tại không làm tại đây và tôi đang cho cán bộ tìm ông này về. Nếu những người công nhân này chứng minh được ông Đức còn nợ tiền thì tôi với vai trò là chủ đầu tư, sẽ can thiệp để rút tiền cho họ, nhưng phải cần thời gian”.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn -Giám đốc Công ty Luật Đại Nam: Có dấu hiệu lừa đảo

Căn cứ quy định tại Điều 99 Bộ luật Lao động, khi “cai thầu” Lê Văn Đức bỏ đi thì Faros phải có trách nhiệm trả lương cho công nhân. Sau đó Faros sẽ yêu cầu Lê Văn Đức trả lại số tiền mà Faros đã đưa trước đó. Trường hợp Lê Văn Đức bỏ đi là có dấu hiệu của “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự. Do vậy, Công ty Faros có thể làm đơn trình báo, yêu cầu cơ quan công an điều tra làm rõ vụ việc. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xử lý theo quy định. Theo đó, ngoài việc chịu trách nhiệm hình sự, Lê Văn Đức còn phải thực hiện trách nhiệm dân sự, trả lại tiền cho Công ty Faros mà ông Đức đã chiếm đoạt.

Lê Chiên (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem