1. Tỉnh dậy trên giường bệnh sau cú đánh thập tử nhất sinh, bà Phạm Thị Bút liên tục nhắc đến chồng. Bà căn vặn những người xung quanh, ông Vũ Văn Đường (SN 1959, trú tại tổ 15A, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) đi đâu mà chẳng thấy mặt mũi… Rồi bà lo lắng, ai sẽ chăm lo cho ông trong những ngày bà nằm điều trị tại bệnh viện?
Khi các cán bộ Công an huyện Yên Bình phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) Công an tỉnh Yên Bái thăm hỏi, lấy lời khai, bà đều trả lời rằng ông Đường là người thương vợ, thương con, có trách nhiệm với gia đình. Nghe câu nói của bà, những người có mặt đều mủi lòng, chẳng ai dám nói ra sự thật vì sợ bà sẽ gục ngã.
Bà Bút và ông Đường nên nghĩa vợ chồng hơn 20 năm trước, khi cả hai cùng làm công nhân tại Nhà máy chè Hưng Thịnh. Năm 1988, họ sinh hạ cô con gái đầu lòng, ba năm sau đó cô con gái thứ hai chào đời. Thuở còn hàn vi, vợ chồng họ rất hạnh phúc, bà Bút là người phụ nữ hay lam, hay làm, hết lòng vì chồng con còn ông Đường cũng là người biết vun vén cho gia đình.
|
Đối tượng Đường.
|
Dạo đó, không ít người gièm pha việc bà chẳng sinh được cho ông một cậu con trai nối dõi tông đường nhưng ông Đường vẫn vững như "kiềng ba chân". Cũng chính vì điều đó, bà Bút tin tưởng chồng tuyệt đối. Hai cô con gái lần lượt trưởng thành rồi đến tuổi lập gia thất, cô con gái lớn lấy chồng ở một tỉnh Tây Nguyên, còn cô thứ hai lập nghiệp ở TP.Yên Bái, thi thoảng mới có dịp về thăm gia đình.
Hằng ngày chỉ có hai vợ chồng già vui thú bên nhau. Bà Bút là người đảm đang, hằng ngày bà chạy chợ từ sáng cho đến khi tối nhọ mặt người mới trở về, còn ông thì chăm lo việc vườn tược, cuộc sống gia đình cũng thuộc diện có của ăn, của để.
Rảnh rỗi, ông Đường bắt đầu "sinh tật"… Mà cái lỗi của ông là "khổ vì quá khỏe". Trong khi ông Đường vẫn còn ham muốn thì bà Bút đã "toan về già", cộng với việc hằng ngày phải lao động quần quật nên cứ về đến nhà là lăn ra ngủ…
Mọi chuyện vỡ lở, khi ông Đường và người tình gặp nạn khi cùng nhau tham gia giao thông trên đường. Trong vụ tai nạn thảm khốc này, ông Đường may mắn giữ được mạng sống, còn cô người tình thì vĩnh viễn về với thế giới bên kia.
Khi biết chuyện, bà Bút như điên dại. Bà thấy mình bị xúc phạm, bị tổn thương… Nhưng ở cái tuổi ấy, bà biết cách phải xử trí như thế nào. Bà Bút không làm ầm ĩ vì sợ chồng xấu hổ với xóm giềng và con cháu.
Nhưng cái cách bà "trị" chồng thì đúng là đàn bà dễ có mấy tay. Toàn bộ kinh tế trong gia đình đều do bà Bút thâu tóm, ông Đường đi đâu cũng phải ngửa tay xin vợ, từ đồng tiền xăng xe đến bữa ăn sáng… Rồi những khi ông ra ngoài, bà thường lớn tiếng chửi mắng bằng những lời lẽ hết sức nặng nề.
Trong suy nghĩ của mình, bà Bút cho rằng cứ quản lý chặt về kinh tế, ông Đường sẽ chẳng đi đâu được. Trong sự việc này, nếu ông Đường thẳng thắn nói chuyện với vợ, cùng nhau nhìn nhận vấn đề thì sẽ không có câu chuyện đau lòng của ngày hôm nay. Trong vỏ bọc hoàn hảo của một người đàn ông hiền lành, lại chứa đựng một tâm hồn quỷ dữ, ông Đường âm thầm sắp xếp kế hoạch sát hại người vợ hơn 20 năm chăn gối.
|
Lấy lời khai đối tượng Đường tại cơ quan điều tra.
|
- Ông nảy ý định sát hại bà Bút từ thời gian nào?
- Khoảng hơn một tháng trước… - ông Đường lí nhí nói với tôi.
- Vì sao ông lại ra tay sát hại người vợ từng gắn bó với mình như vậy?
- Tôi chỉ muốn dạy cho bà ấy một bài học… Tôi không ngờ hậu quả lại nghiêm trọng như vậy - ông Đường bao biện.
- Nếu chỉ muốn dạy cho vợ một bài học, ông chẳng cần phải ra tay một cách quyết liệt như thế. Trong vụ án này, việc bà Bút thoát nạn hoàn toàn nằm ngoài ý muốn chủ quan của ông… Bởi ngay cả khi mọi người muốn đưa bà Bút vào bệnh viện cấp cứu, ông cũng tìm cách ngăn cản nhưng không thành?
Trước câu nói của tôi, ông Đường cúi đầu lặng thinh.
2. Sau nhiều đêm suy nghĩ, đắn đo một kế hoạch hoàn hảo đã được người chồng đồi bại ấy dựng lên nhằm cướp đi mạng sống của vợ. Và để tránh sự nghi ngờ của mọi người, ông Đường đã lường trước, tính sau mọi chuyện.
Trước hết, ông rêu rao khắp làng trên, xóm dưới rằng thầy bói phán rằng năm nay bà Bút sẽ gặp một tai họa lớn… Rồi gần đây là thông tin ở quanh làng xuất hiện một thanh niên lạ, có nhiều biểu hiện nghi vấn.
Tất cả những câu chuyện này nhằm đánh lạc hướng sự nghi ngờ của mọi người khi sự việc xảy ra. Không những vậy, dù trong lòng rất căm phẫn vợ vì cho rằng bà này đã coi thường và xúc phạm mình nhưng ông Đường vẫn tỏ ra là người đàn ông nhẫn nhịn, vun vén cho gia đình.
Khoảng 18h ngày 25.1, ông Đường chủ động gọi điện thoại cho bà Bút hỏi thăm việc bán hàng nhưng kỳ thực là thăm dò thời gian bà đi chợ về. Khi biết chính xác thời điểm, ông Đường dùng áo trùm mặt, dùng nón đội lên đầu và đeo găng tay nấp vào một bụi cây ven đường.
Khi thấy bà Bút đi xe đạp về gần đến nhà, ông Đường gọi điện thoại cho bà Bút, thực chất là để đánh lạc hướng của vợ. Và trong khi bà Bút loay hoay với chiếc điện thoại thì từ trong bóng tối, ông Đường lao ra, dùng chiếc gậy đã chuẩn bị sẵn đập liên tiếp vào đầu bà Bút… Ông Đường dùng tay bóp cổ vợ cho đến khi nạn nhân bất tỉnh.
|
Tang vật Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái thu giữ tại hiện trường vụ án.
|
Cho rằng bà Bút không qua khỏi, ông Đường tẩu tán tang vật bằng cách vứt nón, áo, gậy và găng tay vào các vị trí khác nhau ở những bụi rậm xung quanh khu vực hiện trường vụ án, rồi trở về làm việc nhà bình thản như không có việc gì xảy ra.
Một số người hàng xóm ở liền kề nghe thấy tiếng động lạ chạy ra thì phát hiện bà Bút nằm bất tỉnh trên nền đất. Nghe tiếng hô hoán của những người xung quanh, ông Đường cũng có mặt và tỏ ra vô cùng đau đớn và thương xót, kêu gào thảm thiết… Ngay cả khi có mặt của lực lượng công an, ông Đường cũng tỏ ra rất lo lắng cho bà Bút.
Thời điểm có mặt tại Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Bình, ông Đường khóc lóc một cách thảm thiết. Tại bệnh viện, ông cũng chăm sóc bà Bút một cách chu toàn và tỏ ra vô cùng cảm kích trước sự quan tâm của cán bộ Công an huyện Yên Bình đối với việc điều tra, giải quyết vụ án. Ông Đường tin rằng những lời khai do ông ngụy tạo sẽ đánh lạc được hướng điều tra của lực lượng công an.
Nhưng "gậy ông lại đập lưng ông", sự mâu thuẫn trong lời khai của ông Đường với bà Bút là một trong những căn cứ để Công an huyện Yên Bình phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh Yên Bái tập trung đấu tranh, làm rõ vụ án.
Tại cơ quan điều tra, ông Đường khai rằng trong lúc tỉnh lại, bà Bút kể rằng đã bị mất đi một đôi khuyên tai, một sợi dây chuyền 2 chỉ vàng… Nhưng lời khai của bà Bút sau ca thập tử nhất sinh lại hoàn toàn trái ngược.
Sau khi bị kẻ thủ ác đánh, bà Bút chỉ bị mất một chiếc khuyên tai, chiếc còn lại bà đã đưa cho ông Đường cất giữ, còn sợi dây chuyền vàng 2 chỉ, bà không mang theo người. Khi đi từ chợ về nhà, bà Bút có 2 triệu đồng trong người, số tiền này hiện vẫn còn nguyên vẹn.
Từ sự bất nhất trong lời khai của ông Đường, Công an huyện Yên Bình đã tập trung đấu tranh làm rõ hành vi của kẻ thủ ác.
Dù ông Đường có ngụy biện cho tội ác của mình như thế nào thì hành vi phạm tội của ông về mặt pháp luật, về đạo lý làm người cũng không thể chấp nhận được. Ông Đường phải trả giá đắt cho tội lỗi ông đã gây ra, còn bà Bút thì cũng day dứt vì cách hành xử của mình, góp phần đẩy gia đình vào bi kịch này.
(Theo Xuân Mai/Cảnh sát Toàn cầu)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.