Vì sao gà Mỹ, Brazil nhập khẩu Việt Nam có giá quá “bèo”?
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Mỹ là nước xuất khẩu thịt gà sang Việt Nam nhiều nhất với tỷ trọng 61,8%, các thị trường lớn tiếp theo là Brazil chiếm 13,1% và Hàn Quốc chiếm 12,3%. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, đây đều là các nước tiên tiến với chất lượng thịt gà đảm bảo.
Thịt gà nhập khẩu vào Việt Nam tập trung 2 loại, gồm thịt gà đông lạnh nguyên con và thịt gà đông lạnh đã chặt (mã số HS 020712 và mã số HS 020714), chiếm 98% tổng kim ngạch nhập khẩu thịt gà.
Trong đó, đùi gà chiếm tỷ trọng nhập khẩu lớn nhất (71,5%), tiếp theo là chân gà (8,7%), gà nguyên con (8,2%), cánh gà (5,8%) và các bộ phận khác (5,8%). So với năm 2018, Bộ Công Thương đánh giá lượng nhập khẩu thịt gà tăng trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 nhưng đã giảm dần từ tháng 6 đến nay.
Gà Mỹ, Brazil nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu là các bộ phận đùi, cánh, cổ...
Báo cáo liên quan đến nhập khẩu thịt gà 6 tháng đầu năm của Tổng cục Hải quan cho thấy, Việt Nam nhập 62.418 tấn thịt gà đông lạnh từ Mỹ với giá trị nhập khẩu đạt 48,62 triệu USD. Trung bình, thịt gà nhập Mỹ về có giá dưới 18.000 đồng/kg, riêng giá nhập cánh gà Mỹ trung bình chỉ 16.428 đồng/kg.
Lý giải nguyên nhân gà Mỹ, Brazil có giá “siêu rẻ”, ông Nguyễn Tất Thắng, Tổng thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam phân tích, tại nhiều nước phương Tây, thịt lườn gà mới là mặt hàng được ưa chuộng mới có mức giá đắt. “Đây thực chất là sản phẩm phụ phẩm cho chế biến song vẫn xuất khẩu được sang các nước châu Á thì họ vẫn xuất sang”, ông Thắng cho hay.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) thông tin thêm, gà nhập khẩu từ Mỹ, Brazil chủ yếu là gà công nghiệp. Các mặt hàng nhập khẩu như đùi, cổ, cánh… chỉ là thứ phẩm tại Mỹ, do đó, các sản phẩm này được xuất khẩu ra các thị trường, trong đó có Việt Nam với mức giá rất rẻ.
“Các mặt hàng này cũng có những phân khúc tiêu thụ nhất định, ví dụ như phục vụ các quán ăn bán chân gà, cổ, cánh… nướng hoặc phục vục các bếp ăn công nghiệp. Với những mặt hàng này, dù thị trường Mỹ không ưa chuộng song đó lại là thứ mà người tiêu dùng Việt Nam thích.” ông Dương phân tích.
Ngoài ra, ông Nguyễn Đăng Cường, Giám đốc Công ty TNHH Lucavi, chuyên kinh doanh nông phẩm giải thích thêm gà nhập khẩu có giá rẻ từ Mỹ không có sản phẩm gà thải loại như nhiều người vẫn bày tỏ lo ngại mà đều là gà nhập khẩu chính ngạch theo container.
“Thị trường Mỹ chỉ chuộng phần ức gà vì đó là thịt rắng. Người chăn nuôi tại Mỹ chỉ bán riêng phần ức gà đã có lời. Phần chân, cánh, đùi gà được xem là phụ phẩm, để chế biến bột thịt xương dùng trong chăn nuôi.
Mức giá bán bột thịt xương còn thấp hơn để nguyên xuất khẩu sang Việt Nam với giá thành 18.000 đồng/kg. Gà này nhập về Việt Nam được bán ra với mức giá khoảng hơn 40.000 đồng/kg. Như vậy đã là mức lợi nhuận quá lớn”, ông Cường đánh giá.
Thịt gà nhập khẩu có đủ bù lượng thịt lợn dự báo thiếu đợt Tết 2020?
Cuối năm 2019, nguồn cung thịt lợn được dự báo giảm 200.000 tấn so với năm 2018. Theo thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội, nếu dịch tả lợn châu Phi tiếp tục diễn biến phức tạp thì nguồn cung cho đợt Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đứng trước nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng…
Theo ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay, dịch tả lợn châu Phi khiến cho sản lượng chăn nuôi bị ảnh hưởng nặng nề, dự báo cuối năm, nguồn cung ứng thịt lợn giảm 200.000 tấn so với năm trước. Lượng thịt lợn thiếu hụt đang được tính toán bù đắp bằng các mặt hàng thịt khác như bò, gà,...
Số liệu của Bộ Công Thương cũng cho thấy, lượng nhập khẩu thịt gà đang có xu hướng tăng trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung thịt lợn trong nước do dịch tả lợn châu Phi.
Các cơ sở chăn nuôi gà cần thận trọng với quyết định tái đàn, tăng đàn.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Chăn nuôi đánh giá, trước tình trạng trên, cần có thêm sản lượng thực phẩm khá lớn bù đắp cho lượng thịt lợn bị thiếu hụt, chủ động được nguồn thịt trong 3-4 tháng cuối năm và không lo thiếu dịp Tết Nguyên đán.
Đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cho biết, tính đến giữa tháng 9, tổng đàn gà của Đồng Nai đạt 24,8 triệu con, tăng 16,8% so với tháng 4. Có thời điểm mỗi tuần, khu vực Đông Nam Bộ cho xuất chuồng đến 2,5 triệu con gà.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do dự báo nhu cầu thịt lợn giảm do dịch tả lợn châu Phi, nhiều hộ chăn nuôi lợn đã chuyển sang chăn nuôi gà công nghiệp ồ ạt, tăng đàn thiếu kiểm soát.
Tuy nhiên, theo cảnh báo của Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu thụ trong nước đối với thịt gà vẫn không tăng dù có dịch tả lợn châu Phi. Thịt lợn vẫn chiếm tới 70% nhu cầu sử dụng hàng ngày, do đó, việc chuyển đổi thói quen sử dụng sang thịt gà vẫn khá hạn chế. Do đó, Bộ Công Thương đề xuất các cơ sở chăn nuôi cân nhắc trước khi quyết định tăng đàn để đảm bảo hiệu quả kinh tế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.