Gã thương mại điện tử khổng lồ Trung Quốc thách thức Amazon ở châu Âu

Huỳnh Dũng Thứ bảy, ngày 15/01/2022 10:46 AM (GMT+7)
Công ty thương mại điện tử lớn thứ hai ở Trung Quốc JD.com thách thức Amazon với cửa hàng robot bán lẻ đầu tiên ở châu Âu.
Bình luận 0

Trong một động thái được coi là thách thức đối với việc mở rộng phạm vi hoạt động của Amazon, JD.com, nền tảng thương mại điện tử lớn thứ hai ở Trung Quốc đã mở các cửa hàng đầu tiên ở châu Âu, đồng thời mở hai cửa hàng "nhận hàng" bằng robot ở Hà Lan, và cũng sẽ có nhiều cửa hàng tương tự khác nữa.

Theo đó, các "cửa hàng robot" mang thương hiệu Ochama nằm ở các thành phố Leiden và Rotterdam, Hà Lan và là bước đột phá đầu tiên của JD.com vào châu Âu với các địa điểm thực tế đầu tiên. Chiến lược này rõ ràng nêu bật tham vọng của gã thương mại khổng lồ Trung Quốc trong việc mở rộng kinh doanh ra ngoài thị trường nội địa Trung Quốc.

Gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc JD.com đã mở hai cửa hàng bán lẻ ở Hà Lan được cho là có robot để chuẩn bị và giao hàng. Ảnh: @AFP.

Gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc JD.com đã mở hai cửa hàng bán lẻ ở Hà Lan được cho là có robot để chuẩn bị và giao hàng. Ảnh: @AFP.

JD.com cho biết, người mua sắm có thể sử dụng ứng dụng Ochama để đặt hàng các sản phẩm từ thực phẩm đến đồ làm đẹp và đồ gia dụng, nội thất gia đình. Sau đó, họ có thể đến cửa hàng nơi các phương tiện mặt đất tự động và cánh tay robot sẽ chọn lựa, phân loại, nhận và sắp xếp cũng như gói các đơn đặt hàng. Khi người mua ghé thăm một cửa hàng, họ có thể quét mã vạch trên ứng dụng của mình để thanh toán và đơn đặt hàng của họ sẽ được chuyển đến họ qua một băng chuyền.

Ngoài ra, người mua hàng có thể ghé thăm phòng trưng bày của cửa hàng nhận hàng để xem các loại hàng hóa. Họ cũng có thể chọn dịch vụ giao hàng tận nhà vào ngày hôm sau mà không cần đến cửa hàng lấy hàng.

Theo Pass Lei, Tổng giám đốc tại Ochama, JD Worldwide, bằng cách tận dụng các công nghệ robot trong quản lý chuỗi cung ứng và hậu cần, các cửa hàng mới có thể mang lại lợi ích cho khách hàng bằng cách giảm giá sản phẩm thêm 10%.

Pass Lei cho biết: "Với kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực bán lẻ và công nghệ hậu cần tiên tiến mà chúng tôi đã tích lũy được trong nhiều năm, chúng tôi mong muốn tạo ra một hình thức mua sắm chưa từng có cho khách hàng ở châu Âu với giá cả và dịch vụ tốt hơn".

Cũng theo Pass Lei, Hà Lan là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa cao nhất ở Châu Âu. Dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới cho thấy tính đến năm 2020, 92% dân số ở Hà Lan sống ở các thành phố có cấu trúc đô thị phát triển thịnh vượng, điều này đã dẫn đến quyết định JD.com mở cửa hàng trên khắp 4 thành phố ban đầu.

"Người Hà Lan đam mê đổi mới và môi trường xanh, và hình thức mua sắm của cửa hàng thương hiệu Ochama được thiết kế để đóng góp vào cả hai khía cạnh trên".

Cuộc đột nhập của JD.com vào châu Âu đánh dấu sự khởi đầu của một thách thức tiềm tàng đối với gã khổng lồ thương mại điện tử của Mỹ là Amazon, khi hãng này cũng đã khai trương cửa hàng tạp hóa không thu ngân có tên Amazon Go ở Mỹ và Anh. Không chỉ dừng tại đó, công ty thương mại điện tử Trung Quốc cho biết họ có kế hoạch mở thêm hai cửa hàng tại hai thành phố Amsterdam và Utrecht của Hà Lan.

Công ty thương mại điện tử lớn JD.com của Trung Quốc đã mở hai cửa hàng bán lẻ tại Hà Lan, nơi mà họ cho biết có thể được trang bị robot để sắp xếp và vận chuyển các gói hàng. Ảnh: @AFP.

Công ty thương mại điện tử lớn JD.com của Trung Quốc đã mở hai cửa hàng bán lẻ tại Hà Lan, nơi mà họ cho biết có thể được trang bị robot để sắp xếp và vận chuyển các gói hàng. Ảnh: @AFP.

Có thể thấy, các cửa hàng mang thương hiệu Ochama là trọng tâm của JD.com trong lĩnh vực hậu cần kết hợp thương mại điện tử. Được biết, gã thương mại JD.com vẫn tạo ra phần lớn doanh thu từ Trung Quốc nhưng trong những năm gần đây, họ đã mở rộng sự hiện diện của mình ra thị trường nước ngoài. 

Công ty này đã vận hành một trang web mua sắm trực tuyến có tên Joybuy.com dành cho khách hàng quốc tế. Họ còn có một liên doanh thương mại điện tử ở Thái Lan và cũng là cổ đông lớn nhất của nền tảng mua sắm Việt Nam Tiki. Mặc dù JD.com phần lớn vẫn không bị ảnh hưởng bởi cuộc đàn áp của chính phủ trung ương đối với lĩnh vực công nghệ trong năm qua, nhưng họ vẫn chịu áp lực cùng với các đối thủ cạnh tranh như Alibaba Group Holding, để tìm thị trường mới để bù đắp cho tốc độ tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng chậm hơn ở quê nhà.

Cũng trong cuộc phỏng vấn tháng 11/2021, Xin Lijun, giám đốc điều hành mới được bổ nhiệm của mảng kinh doanh bán lẻ của JD nói với trang CNBC rằng, công ty đang thực hiện "phân tích chiến lược sâu hơn ở Việt Nam và châu Âu" như những địa điểm tiềm năng để mở rộng, và JD sẽ thách thức Amazon ở châu Âu với các hoạt động đáng kể trên khắp Châu Âu trong vài năm tới.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem