Gánh hơn 400 nghìn tỷ nợ vay, EVN vẫn lãi ròng gần 20 tỷ/ngày

Lê Thúy Thứ tư, ngày 19/06/2019 11:15 AM (GMT+7)
Năm 2018, EVN ghi nhận trên 9.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và lãi ròng 6.818 tỷ đồng. Bình quân, mỗi ngày EVN lãi ròng gần 20 tỷ đồng và lương bình quân của cán bộ quản lý tại EVN ước khoảng 47,7 triệu đồng/tháng, trong khi người lao động chỉ bằng 1 nửa.
Bình luận 0

Lãi ròng gần 20 tỷ đồng/ngày

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2018 vừa được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố mới đây cho thấy, năm 2018, EVN ghi nhận 338.500 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 14,8% so với năm 2017.

Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp của EVN đạt 53.158 tỷ đồng, tăng 20,5%.

Trong kỳ, EVN ghi nhận 3.663 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính, giảm nhẹ 4,2%. Cùng với đó, lãi từ các công ty liên doanh, liên kết cũng giảm 20% so với cùng kỳ, mang về cho EVN gần 570 tỷ đồng.

Ngược lại, chỉ tiêu lợi nhuận khác của EVN tăng mạnh từ mức gần 270 tỷ đồng lên 752 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ.

Về chi phí, toàn bộ các loại chi phí phát sinh trong kỳ của EVN đều tăng so với năm 2017. Cụ thể, chi phí tài chính của EVN lên tới 29.054 tỷ đồng, tăng 30,5%. Trong khi đó, chi phí bán hàng ở mức 6.711 tỷ đồng, tăng 3%; chi phí quản lý doanh nghiệp ở mức 13.301 tỷ đồng, tăng 10,2%. Trong khi đó, chi phí khác tăng từ 305 tỷ lên 432 tỷ.

Kết thúc năm 2018, EVN ghi nhận 9.076 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 11,4% so với năm 2017. Lợi nhuận sau thuế gần 6.818 tỷ đồng. Bình quân mỗi ngày EVN lãi ròng gần 20 tỷ đồng.

img

Báo cáo tài chính sau kiểm toán năm 2018 của EVN

Tính đến hết ngày 31/12/2018, tổng tài sản của EVN đạt mức 706.504 tỷ đồng, nhích nhẹ 5.000 tỷ so với đầu năm. Trong đó, phần lớn tài sản của EVN tập trung ở tài sản cố định với 499.584 tỷ đồng, tài sản dở dang dài hạn với 65.214 tỷ đồng, tiền và các khoản tương đương tiền với 50.205 tỷ đồng và các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn với 39.451 tỷ đồng.

Bên kia bảng cân đối, vốn chủ sở hữu của EVN đến hết ngày 31/12/2018 ở mức 217.446 tỷ đồng, tăng 2,3% sau một năm. Nợ phải trả ở mức 489.058 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với con số một năm trước. Tổng nợ vay (cả ngắn hạn và dài hạn) ở mức 405.077 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,16%. Trong đó, nợ vay ngắn hạn gần 45.070 tỷ đồng; vay dài hạn 360.007 tỷ đồng. Điều này cũng khiến cho chi phí lãi vay EVN phải trả trong kỳ tăng từ 3.768 tỷ lên trên 3.866 tỷ đồng, tăng gần 100 tỷ so với năm 2017

Lương bình quân trên 500 triệu đồng/cán bộ quản lý/năm.

Báo cáo quỹ tiền lương, tiền thưởng của EVN cho thấy, năm 2018 EVN sử dụng khoảng 4.061 lao động với mức lương bình quân gần 21,7 triệu đồng/tháng. Với bộ phận quản lý doanh nghiệp, mức tiền lương bình quân là 47,7 triệu đồng/tháng/người.

Kế hoạch của năm 2019, EVN đặt mục tiêu tăng số lượng người lao động nhưng giảm mức lương bình quân.

Cụ thể, số lao động kế hoạch 4.855 người và mức thu nhập xấp xỉ 21,2 tỷ đồng, tăng 19,5% về số lao động và giảm 2% về tiền lương.

Với cán bộ quản lý, số lượng cán bộ kế hoạch giảm từ 14 người xuống chỉ còn 13 người vào năm 2019. Đồng nghĩa với việc tiền lương bình quân sẽ tăng lên gần 48,5 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, mỗi năm cán bộ quản lý tại EVN sẽ có mức tiền lương bình quân trên 580 triệu đồng.

img

Trong một diễn biến khác, sau khi các phương tiện thông tin đại chúng có đưa tin về việc Bộ Công Thương có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai phương án giá điện theo Nghị quyết của Chính phủ cũng như báo cáo kết quả kiểm tra việc thực hiện Quyết định số 648/QĐ-BCT về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện từ ngày 20.3.2019; ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có những chia sẻ với báo chí về một số vấn đề liên quan đến thực hiện giá bán lẻ điện và thị trường điện.

Theo ông Dương Quang Thành, sau các chỉ đạo của Bộ Công Thương, trước hết EVN đã có văn bản gửi các tổng công ty Điện lực yêu cầu rà soát, kiểm tra chặt chẽ việc tính hoá đơn, giải quyết kịp thời các khiếu nại, thắc mắc của khách hàng, tăng cường công tác dịch vụ khách hàng, cung cấp kịp thời thông tin một cách công khai, minh bạch cho các cơ quan thông tấn báo chí, các cơ quan có liên quan.

“Tập đoàn cũng sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về lượng điện năng tiêu thụ của các khách hàng hàng tháng cho Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đánh giá tác động gián tiếp về ảnh hưởng của việc tăng giá điện từ ngày 20.3.2019, trong đó bao gồm so sánh điện năng tiêu thụ từng tháng so với cùng kỳ năm trước, so với trước khi tăng giá điện và các thông tin liên quan khác theo yêu cầu.

img

Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)

Tập đoàn sẽ tổng hợp số liệu về lượng điện năng tiêu thụ của các khách hàng theo các bậc thang, đánh giá tình hình tiêu thụ thực tế kết hợp nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để báo cáo Bộ Công Thương phương án điều chỉnh bậc thang giá điện sinh hoạt và biểu giá điện, lấy ý kiến rộng rãi nhân dân để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định”, ông Dương Quang Thành nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem