Nông dân thường xuyên được tập huấn về kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc lúa.
Gạo Bồ Nâu được trồng trên cánh đồng xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai, Hà Nội từ hàng trăm năm trước. Theo dân làng, giống gạo này xưa là đặc sản tiến Vua, chỉ dùng trong các dịp lễ Tết quan trọng.
Bắc thơm số 7 là giống lúa trồng ra gạo Bồ Nâu. Cây lúa cho năng suất tốt, hạt có màu vàng ươm như kén tằm, vỏ trấu mỏng, gạo trắng trong, tỷ lệ gạo từ thóc đạt trên 70%. Gạo xay xát ngửi thơm như cốm vừa giã, nấu thành cơm cho hương thơm và vị đậm đà hơn các giống bắc thơm khác.
Từ năm 2010, xã Thanh Văn bắt đầu xây dựng hợp tác xã và nhãn hiệu tập thể "Gạo Bồ Nâu", nhằm hưởng ứng chương trình “Sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao giai đoạn 2010-2015, xây dựng vùng lúa đặc sản, nâng cao thu nhập cho nông dân, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới” của UBND TP Hà Nội.
Hiện, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Thanh Văn đã thu hút 745 thành viên tham gia. Diện tích canh tác lúa bắc thơm số 7 đạt khoảng 435 ha, phân bổ chủ yếu tại 4 thôn Tam Đa, Bạch Nao, Úc Lý, Quan Nhân.
Cánh đồng lúa bắc thơm số 7 của Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Thanh Văn.
Tham gia hợp tác xã, các hộ thành viên được tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc lúa và mở rộng diện tích sản xuất. Mỗi năm, lúa bắc thơm số 7 thu hoạch hai vụ. Trong đó, vụ xuân cho năng suất khoảng 60 tấn, vụ mùa khoảng 50 tấn mỗi ha.
Ông Hoàng Văn Họa - Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Thanh Văn cho biết, phần lớn gạo Bồ Nâu đang cung ứng cho thị trường Hà Nội. Giá bán trung bình khoảng 17-18 triệu đồng, cao điểm đến 19 triệu đồng mỗi tấn.
Đến tháng 7/2013, nhãn hiệu tập thể gạo Bồ Nâu Thanh Văn được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp chứng nhận. Sản phẩm cũng được công nhận thương hiệu: "Hàng hóa nông sản sạch, chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm".
Vũ Đậu (Vnexpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.