Khánh Nguyên
Thứ sáu, ngày 09/10/2020 14:43 PM (GMT+7)
Bất chấp những khó khăn do biến đổi khí hậu và dịch bệnh, sản xuất lúa vẫn thắng cả 3 vụ trong năm. Đáng chú ý, xuất khẩu gạo cũng rất khả quan khi giá trị kim ngạch 9 tháng năm 2020 tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2019; giá gạo xuất khẩu lập kỷ lục.
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tục khởi sắc.
Theo đó, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 9/2020 ước đạt 420.000 tấn, trị giá đạt 215 triệu USD, đưa khối lượng gạo xuất khẩu 9 tháng năm 2020 đạt 4,8 triệu tấn, trị giá 2,4 tỷ USD. giảm 0,8% về lượng nhưng tăng 11,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 9 năm 2020 ước đạt 420.000 tấn trị giá đạt 215 triệu USD đưa khối lượng gạo xuất khẩu 9 tháng năm 2020 đạt 4,8 triệu tấn, trị giá 2,4 tỷ USD. giảm 0,8% về lượng nhưng tăng 11,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019
Tính trong 8 tháng đầu năm 2020, Philippines vẫn đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 35,4% thị phần, giá trị đạt 1,72 triệu tấn và 797,6 triệu USD, giảm 2,4% về khối lượng nhưng tăng 10,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Senegal (gấp 3,55 lần, đạt 42.100 tấn và 15,0 triệu USD), Indonesia (gấp 2,9 lần, đạt 64.900 tấn và 36,2 triệu USD) và Trung Quốc (tăng 82,5%, đạt 536.200 tấn và 316,9 triệu USD).
Giá gạo xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2020 đạt 489,2 USD/tấn, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Về chủng loại xuất khẩu gạo, trong 8 tháng năm 2020, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 40,7% tổng kim ngạch; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 37,6%; gạo nếp chiếm 17,4%; gạo japonica và gạo giống Nhật chiếm 4,2%.
Xuất khẩu gạo khởi sắc đã thúc đẩy thị trường trong nước. Theo khảo sát, giá lúa, gạo tại các tỉnh ĐBSCL tháng 9 tăng hơn so với tháng 8. Giá gạo tăng do nguồn cung cuối vụ hè thu hạn chế.
Cụ thể, tại An Giang, lúa IR50404 tăng 250 đồng/kg lên 5.850 đồng/kg; lúa OM 5451 tăng 300 đồng/kg lên 5.800 đồng/kg; lúa OM 6976 tăng 250 đồng/kg lên mức 5.650 đồng/kg; lúa gạo thường giảm 500 đồng/kg xuống 10.500 đồng/kg; gạo thơm đặc sản jasmine ở mức 14.500 đồng/kg.
Tại Kiên Giang, lúa IR50404 tăng 400 đồng/kg lên 6.200 - 6.500 đồng/kg; lúa OM 6976 tăng 200 đồng/kg lên mức 6.800 - 6.900 đồng/kg; lúa OM 5451 tăng 200 đồng/kg lên mức 6.900 - 7.000 đồng/kg.
Tại Bạc Liêu, lúa OM 5454, OM 4900 ổn định ở mức 5.800 - 6.000 đồng/kg; lúa tươi ST24, ST25 ở mức 6.500 - 6.700 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 ở mức 6.000 đồng/kg.
Thắng lớn cả 3 vụ
Đánh giá về thành công của sản xuất lúa gạo năm 2020, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết, năm 2020 là năm dự báo có nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, là đặc biệt với cây lúa như hạn hán, xâm nhập mặn, nắng mưa thất thường...
Từ đầu năm đến nay, biến đổi khí hậu và thiên tai đã diễn ra hết sức phức tạp tại các vùng trên cả nước.
Thời gian đầu, các tỉnh phía Bắc mưa phùn, trời âm u kéo dài là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh trên cây lúa dễ bùng phát. Tại các tỉnh Bắc Trung Bộ và Trung Bộ đối mặt với những đợt nắng nóng gay gắt, kéo dài gây hạn trên diện rộng. Các tỉnh Nam bộ phải trải qua nhiều đợt xâm nhập mặn và hạn hán...
Từ nay đến cuối năm, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dưới tác động của hiện tượng La Nina, thời tiết ở nước ta sẽ có diễn biến phức tạp, có khả năng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá. Thêm vào đó, có các đợt mưa lớn có thể gây ra lũ lớn tại các tỉnh Trung Bộ.
Trong khi đó, các tỉnh ĐBSCL có thể xâm nhập mặn vùng cửa sông đến sớm, gay gắt. Việc xuất hiện lũ muộn, khả năng không lớn có thể gây tác động tiêu cực đến toàn vùng.
"Đến thời điểm này, có thể khẳng định hai vụ đông xuân và hè thu đã thu được thắng lợi lớn. Mặc dù, diện tích gieo cấy giảm nhưng năng suất cả hai vụ đều tăng 0,9 tạ/ha, sản lượng thu được vụ đông xuân là 19,9 triệu tấn, vụ hè thu khoảng 11 triệu tấn. Lúa thu đông và vụ mùa tập trung chủ yếu ở vùng ĐBSCL, với gần 30% diện tích (300.000 ha) lúa vụ thu đông đã được thu hoạch, năng suất cao hơn năm trước khoảng 0,2 tấn/ha, hứa hẹn một vụ lúa bội thu" - ông Nguyễn Quang Hiếu - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật) thông tin.
Kết quả sản xuất thắng lợi 3 vụ lúa ở ĐBSCL là nhờ kinh nghiệm chủ động thích ứng với điều kiện bất thuận trong sản xuất. Bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt sâu sát của Chính phủ, Bộ NNPTNT đã đưa ra các giải pháp ứng phó kịp thời với hạn mặn và sâu bệnh trên lúa, bà con nông dân trồng lúa đã tuân thủ các khuyến cáo về cơ cấu giống, lịch thời vụ cũng như các hướng dẫn sản xuất của chính quyền và cơ quan chuyên môn.
Điều đáng ghi nhận là, nông dân ngày càng có kiến thức, trình độ trong việc kiểm soát dịch bệnh, góp phần làm nên thắng lợi của 3 vụ lúa trong điều kiện bất thuận của thời tiết.
"Đối với các đối tượng rầy nâu, đạo ôn, sâu đục thân và chuột sẽ tập trung gây hại ở giai đoạn đứng cái, làm đòng cho đến giai đoạn chín, Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục chỉ đạo các địa phương và bà con nông dân kết hợp theo dõi chặt chẽ điều kiện thời tiết với việc giám sát tình hình sâu bệnh để đưa ra biện pháp xử lý kịp thời" - ông Hiếu nói.
Nếu hình thái thời tiết theo hướng cực đoan, xuất hiện các cơn mưa trái vụ, có thể tiến hành thu hoạch sớm. Mặc dù vụ này được dự đoán sẽ thắng lớn nhưng Bộ NNPTNT vẫn lưu ý các địa phương và bà con không chủ quan, tiếp tục bám đồng lúa để kịp thời ứng phó với bất kỳ diễn biến tiêu cực của sâu bệnh và thời tiết.
Dự kiến toàn vùng ĐBSCL sẽ có thêm 4,4 triệu tấn lúa hàng hóa từ vụ thu đông, tăng gần 500.000 tấn so với năm trước. Như vậy ĐBSCL sẽ góp thêm vào để cả nước đạt con số 43,5 triệu tấn lúa của cả năm theo như dự kiến của Bộ NNPTNT.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.