“Thổi giá" lừa bán lan đột biến tiền tỷ có bị phạt tù?

Nguyễn Đức Thứ tư, ngày 19/08/2020 10:07 AM (GMT+7)
Những đối tượng "thổi giá" lừa bán cây lan đột biến tiền tỷ cho người dân có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Điều 174 Bộ Luật hình sự năm 2015.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đưa tin, Công an tỉnh Nghệ An đang điều tra nhóm người chuyên lừa đảo bằng thủ đoạn bán hoa lan đột biến gen. 

Theo thông tin ban đầu, nhóm đối tượng bán lan có 11 người từ Hòa Bình đến thuê nhà ở thị trấn Cầu Giát, Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, sau đó đăng lên Facebook thông tin bán hoa lan đột biến gen với giá rẻ. 

Với thủ đoạn này, nhóm này đã chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của hàng loạt bị hại. Hiện tại, cơ quan chức năng đang tiến hành tạm giữ hình sự 11 nghi can để điều tra, xác minh làm rõ vụ việc. 

Một số người chơi lan cho biết, cây lan đột biến có số lượng rất ít, giá lên đến trăm triệu, tiền tỷ là có nhưng đến hàng chục tỷ đồng thì mọi người cần xem lại. 

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, rất có thể đây là hành động nâng "giá ảo", nhằm mục đích tạo "sóng" và làm tăng giá trị lan đột biến một cách bất hợp lý. 

“Thổi giá", bán lan đột biến tiền tỷ cho dân, nhóm đối tượng có bị phạt tù? - Ảnh 1.

Lan đột biến 5 cánh trắng Bảo Duy. Ảnh: I.T

"Nếu một cây lan như ngọn rau muống mà giá đến vài chục triệu thậm chí đến vài trăm triệu đồng là giá ảo, không đúng với giá trị thực tế của loài hoa này. 

Việc làm này đang làm mất đi tính ổn định, cân bằng của thị trường và có thể dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm cho nền kinh tế. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần nhanh chóng vào cuộc, thanh tra, kiểm tra làm rõ mục đích của một số đối tượng trong các giao dịch này", luật sư Cường nói. 

Luật sư Cường cho hay, việc nhóm người rao bán lan đột biến nhưng sau đó người dân phát hiện ra là cây lan thường (không có giá trị cao) là hành vi gian dối, có dấu hiếu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại điều 174 Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017). Mức phạt thấp nhất của tội này là 6 tháng, cao nhất là tù chung thân. 

Ngoài ra, theo luật sư Cường, cơ quan chức năng cũng cần phải điều tra, xác minh làm rõ việc nhóm người bán hoa lan với giá "trên trời" có phải là một hành vi rửa tiền của một tổ chức nào đó không.

Không loại trừ trường hợp có đối tượng có thể có những khoản tiền bất hợp pháp, lợi dụng các giao dịch ảo này để làm sạch số tiền vi phạm pháp luật. 

Nếu cơ quan chức năng xem xét thấy có dấu hiệu của tội rửa tiền, người vi phạm có thể sẽ bị xử phạt về "Tội rửa tiền quy định tại Điều 324 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017)". Mức phạt thấp nhất của tội danh này là 1 năm và cao nhất là 15 năm tù. 

Vị luật sư cũng cho biết thêm, mánh khóe của nhóm người "thổi giá lan đột biến gen" rất bài bản. Khi người mua tìm đến, họ sẽ dẫn dụ để người mua đầu tư và sẵn sàng giới thiệu cho người mua lại (cũng là đối tượng trong nhóm) với giá cao hơn giá gốc. 

“Thổi giá", bán lan đột biến tiền tỷ cho dân, nhóm đối tượng có bị phạt tù? - Ảnh 2.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

Đến khi giá đạt điểm, người nào không biết hoặc hám lợi chạy theo mua thì nhóm người này rút, không mua lại nữa. Những người còn chụp ảnh, quay video đăng tải lên các trang mạng xã hội để rao bán để thu hút người dân vào xem, mua. 

Hậu quả là người mua cuối cùng đã bỏ ra số tiền lớn để mua nhưng không bán được cho ai, nhận "trái đắng". 

Những kiểu kinh doanh theo kiểu hình tháp, lấy tiền của người sau trả cho người trước có dấu hiệu của hình thức kinh doanh đa cấp. Nếu việc kinh doanh đa cấp không được phép của cơ quan có thẩm quyền thì hành vi có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Nếu cơ quan chức năng phát hiện nhóm đối tượng đã bàn bạc, phân công, phân nhiệm vụ để thổi giá loại hoa lan này rồi rủ người mua trả tiền, cắt phần trăm hoa hồng chia theo thành từng phần, từng nấc, theo hình tháp nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của những người mua sau thì cũng cho thấy có dấu hiệu biến tướng theo mô hình đa cấp trái pháp luật. 

Do vậy ông Cường khuyến cáo người dân không nên đầu tư một khoản tiền lớn để mua cây lan không rõ nguồn gốc, nếu thực sự có nhu cầu mua mặt hàng này cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin về giá cả, nơi bán trước khi mua. 

Nếu phát hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các đối tượng, kịp thời cung cấp thông tin với chính quyền địa phương và cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý. 

Cơ quan chức năng cần xác minh điều tra các đối tượng làm giả hoa lan với mục đích để có những biện pháp ngăn chặn kịp thời. 

Điều 174 Bộ Luật hình sự năm 2015 quy định về "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản" như sau:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem