Gặp chàng trai Việt được 3 tạp chí nước ngoài ca ngợi

Hạ Nhiên - Vân Anh Thứ hai, ngày 26/10/2015 08:50 AM (GMT+7)
Ngoài ra, Hoàng còn giảng dạy calligraphy tại 5 quốc gia Đông Nam Á: Philippines, Malaysia, Singapore, Indonesia và Thái Lan.
Bình luận 0

Một mình “đơn thương độc mã” nghiên cứu bộ môn nghệ thuật calligraphy, Đào Huy Hoàng (sinh năm 1993, tốt nghiệp khoa Kinh tế - Quốc tế, trường Đại học Ngoaị thương) đã trở thành người tiên phong viết chữ calligraphy tại Việt Nam.

Bậc thày môn nghệ thuật calligraphy tại Việt Nam

Chữ viết calligraphy (nghệ thuật thư pháp phương Tây - PV) đến với Hoàng như một cơ duyên được truyền cảm hứng từ cuốn sổ ghi chép các bài thuốc gia truyền của cụ nội. Từng nét chữ trên trang sách được cụ nội Hoàng ghi chép cẩn thận, đầy tinh tế và đặc biệt. Từ đó, Hoàng bắt đầu tìm hiểu về nghệ thuật chữ viết và phát hiện ra calligraphy chính là điều anh đang kiếm tìm.

img

Calligraphy được gọi là nghệ thuật thư pháp phương Tây

Hoàng chia sẻ: “Mình bắt đầu mua dụng cụ và tự tập luyện nhưng không đạt được kết quả. Năm 2013, mình may mắn được tham dự một lớp học viết chữ calligraphy tổ chức tại Hà Nội của cô Margaret đến từ Mỹ. Lớp học chủ yếu dành cho những nhà thiết kế và mình là thành viên duy nhất trong số 24 học viên không liên quan đến thiết kế tham dự lớp học thú vị này”.

Kết thúc khóa học, Hoàng tự nghiên cứu, tự tập viết chữ. Anh cho biết, khó khăn lớn nhất để theo đuổi nghệ thuật calligraphy là không có sự dẫn dắt của những người có kinh nghiệm. Vì vậy, anh phải dành nhiều thời gian tự nghiên cứu, tìm tòi thông tin qua các nguồn miễn phí. Đồng thời, Hoàng cũng phải đầu tư nhiều cho dụng cụ, sách và tài liệu liên quan từ nước ngoài.

“Mình muốn am hiểu sâu hơn về lĩnh vực này nhưng ở Việt Nam rất ít người tường tận về calligraphy. Lúc đó, mình nghĩ đến câu châm ngôn: Nếu không được học từ bậc thầy thì phải trở thành bậc thầy. Từ đó, mình quyết định nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức về calligraphy”, Hoàng tâm sự.

Sau thời gian ngắn tự nghiên cứu, chữ viết của Hoàng dần trở nên đẹp và mềm mại. Đặc biệt, Hoàng am tường mọi nguồn gốc, sự phát triển và viết được tất cả các dạng chữ calligraphy. Năm 2014, Hoàng bắt đầu đi dạy chữ calligraphy ở trong nước. Học sinh của Hoàng là những thầy cô giáo hoặc các bạn trẻ đam mê nghệ thuật.

Được 3 tạp chí nước ngoài ca ngợi

Không chỉ là người thầy viết chữ calligraphy tại Việt Nam, Đào Huy Hoàng còn trở thành người thầy dạy chữ calligraphy tại các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

img

Đào Huy Hoàng, chàng trai được 3 tạp chí nước ngoài ca ngợi

Hiện tại, Hoàng đã giảng dạy tại 5 quốc gia Đông Nam Á: Philippines, Malaysia, Singapore, Indonesia và Thái Lan. Mỗi lớp học của Hoàng có từ 10 đến 20 học viên, bao gồm sinh viên, người đã đi làm, người làm nội trợ và người cao tuổi.

“Ở những quốc gia này, calligraphy mới được du nhập vào những năm gần đây và rất được ưa thích. Tuy nhiên, về mặt học thuật, ở Châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng thì calligraphy vẫn chưa có nền tảng vững chắc”, Hoàng trăn trở.

Bên cạnh việc giảng dạy về calligraphy, Hoàng tham gia thực hiện các tác phẩm cho khách hàng cá nhân cũng như các tổ chức. Anh đã thực hiện nhiều dự án thú vị cho các nhà hàng quốc tế, viết thiệp mời cho nhãn hiệu thời trang lớn Gucci, tham gia nhóm thiết kế bìa sách của Barnes & Noble,…

Trong chuỗi ngày cuối cùng giảng dạy tại Bangkok vừa qua, Hoàng vinh dự được gặp và trò chuyện với một nữ Nhà báo nổi tiếng Thái Lan chuyên viết và kí họa chân dung nhân vật. Hoàng cho biết: “Chị Koi muốn khắc họa chân dung mình trên 2 tạp chí “Văn hóa và Đời sống” để chia sẻ tới cộng đồng người Thái. Những bài báo sẽ xuất bản vào số sắp tới của tháng 10. Điều mình ấn tượng nhất chính là chị Koi vẽ màu nước làm ảnh minh hoạ cho mình thay vì chụp ảnh”.

Trước đó, tạp chí Pen World của Mỹ từng đã ngỏ lời phỏng vấn khắc họa chân dung Hoàng. Câu chuyện anh đến với calligraphy đã được đăng tải trên tạp chí Pen World từ tháng 8/2015.

img

Những cây bút đặc biệt của Huy Hoàng

“Đan cài” hình ảnh châu Á trong calligraphy

Yếu tố quan trọng tạo nên “hồn” tác phẩm calligraphy không chỉ là cảm nhận của người viết mà còn là độ “sắc sảo” của cây bút. Tuy nhiên, để có một cây bút chuyên dành viết calligraphy không phải chuyện dễ dàng. Hoàng kể, anh phải đặt bút sẵn từ nước ngoài chuyển về. Vì ở Việt Nam không có những cây bút như vậy. Sau thời gian dài tìm tòi, Hoàng quyết định sắm một chiếc máy tiện và học cách làm bút.

Trong quá trình làm bút, Hoàng đã sáng tạo thêm kiểu bút thân gỗ, mạ vàng,... Đặc biệt, anh còn đan xen những hình ảnh đặc trưng của châu Á vào trong cây bút.

“Cây bút không chỉ là một dụng cụ để viết, bản thân nó đã là một kiệt tác thiết kế kinh điển hàng nghìn năm tuổi. Để làm ra được cây bút, những nghệ nhân phải thấu hiểu và trân trọng nó. Mình chịu ảnh hưởng lớn từ nghệ thuật truyền thống và lấy cảm hứng từ châu Á. Vì vậy mình chọn sơn mài làm đại diện cho hình ảnh cây bút của mình”, Hoàng tâm sự.

Sắp tới, Hoàng hứa hẹn sẽ tổ chức chuỗi các workshop giới thiệu calligraphy đến cộng đồng tại nhiều quốc gia hơn nữa: Hong Kong, Đài Loan, Australia và Mỹ. Đồng thời, anh sẽ tham gia một số triển lãm trong và ngoài nước, tổ chức những buổi trò chuyện để phổ biến bộ môn calligraphy tới nhiều người, giúp mọi người được tiếp cận và hiểu rõ hơn về bộ môn này.

img

Những nét chữ điêu luyện của Huy Hoàng

img

Để có được những nét chữ như vậy, Hoàng đã mất rất nhiều công sức tập luyện

img

Đây là loại hình nghệ thuật còn rất mới lạ ở Việt Nam...

img

... và cũng chưa phổ biến ở các nước phương Tây

img

Hiện tại, Huy Hoàng tham gia giảng dạy viết chữ calligraphy tại 5 quốc gia Đông Nam Á

img

Cho đến giờ, Hoàng vẫn rất tự hào khi đi theo niềm đam mê của mình

img

Cho dù, đó không phải là ngành chàng trai theo học trên giảng đường

img

Huy Hoàng từng được 3 tạp chí nước ngoài ca ngợi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem