Gặp lại anh hùng chống SARS

Thứ năm, ngày 18/04/2013 06:55 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau 10 năm, GS-TS Lê Đăng Hà - nguyên Viện trưởng Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, vẫn còn lưu giữ nguyên những khoảnh khắc ấy, khi ông và các đồng nghiệp dũng cảm đương đầu với tử thần, chống lại bệnh dịch lạ nguy hiểm, đưa Việt Nam trở thành nước đầu tiên trên thế giới đẩy lui dịch SARS.
Bình luận 0

 Ngày định mệnh

GS Lê Đăng Hà vẫn nhớ như in ngày định mệnh đầu tháng 3.2003, khi một thương nhân gốc Hoa, quốc tịch Mỹ tên là Johnie Chun Cheng vào nhập viện Việt - Pháp (Hà Nội) với các triệu chứng sốt cao, khó thở, cơ phổi bị tổn thương rất nhanh. Ngay lập tức, Việt Nam thông báo với WHO và yêu cầu giúp đỡ. Chuyên gia WHO là bác sĩ Carlo Urbani ngay lập tức đến Việt Nam, trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân Cheng. Bằng sự nhạy cảm nghề nghiệp, bác sĩ Urbani nhận thấy đây không đơn giản chỉ là cảm cúm. Ông thông báo cho WHO về bệnh viêm phổi không điển hình nghi do virus lạ và cùng họp bàn với Bộ Y tế Việt Nam tìm cách đối phó.

img
GS Lê Đăng Hà đang xem xét phim chụp của bệnh nhân SARS (ảnh tư liệu do GS Hà).

“Tôi và ông Urbani đã cùng ngồi bàn luận, phân tích nhưng không tìm ra căn bệnh gì. Tuy nhiên, qua những gì bác sĩ Urbani phân tích, tôi cũng đã hình dung được mức độ nguy hiểm của căn bệnh” – GS Hà cho biết. Những ngày sau đó, GS Hà đã sát cánh cùng bác sĩ Urbani để thuyết phục lãnh đạo Bộ Y tế cũng như cả Chính phủ về độ nguy hiểm của bệnh lạ này, mặc dù trên thế giới vẫn chưa nhận biết đây là căn bệnh gì, loại virus cũng như cách phòng chống, chữa trị. Chỉ sau 1 tuần bệnh nhân Cheng nhập viện, nhiều cán bộ y tế tại Bệnh viện Việt- Pháp đã bị lây bệnh. Ba ngày sau, số bác sĩ, nhân viên y tế nhiễm bệnh đã lên tới 39 người, trong đó 5 người nhanh chóng tử vong. Ngày 9.3.2003, Bệnh viện Việt - Pháp phải đóng cửa. Cán bộ y tế đều phải ở lại với bệnh nhân.

Mấy tuần sau đó, các chuyên gia thế giới mới xác định được căn bệnh do virus Corona biến chủng, gây viêm đường hô hấp cấp. Đáng chú ý, bệnh lây từ người sang người, gây viêm phổi rất nặng và tiến triển nhanh trong vài giờ, khiến người bệnh dễ tử vong.

Chiến đấu với tử thần

Bộ Y tế giao Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới quốc gia trực tiếp thu nhận và điều trị bệnh nhân SARS. Ngày 12.3, Viện bắt đầu nhận bệnh nhân SARS. Đó là những ngày GS Hà và đồng nghiệp phải gồng mình chống chọi với bệnh tật mà không màng đến cái chết cận kề mình.

GS Hà lập tức đề ra phương án “chiến đấu”. Trước đó, ông yêu cầu các bác sĩ, nhân viên y tế nếu không muốn ở lại “trực chiến” thì có thể viết đơn xin chuyển công tác sang khoa, phòng khác. Tuy nhiên, ông không nhận được cái đơn nào.

Do xác định bệnh lây từ người sang người nên ngay từ đầu GS Hà đưa ra yêu cầu nghiêm ngặt, cách ly bệnh nhân với 3 khu riêng biệt: Khu bệnh nhân nặng, khu bệnh nhân nhẹ và khu buồng bệnh riêng biệt để tiếp nhận bệnh nhân mới. Mọi sinh hoạt ăn uống, chăm sóc cho bệnh nhân đều do cán bộ y tế đảm nhiệm. Cả viện thực hiện chế độ làm việc 3 ca, 24/24 giờ. Các cán bộ y tế ở khu đặc biệt đều phải dùng quần áo bảo hộ và sinh hoạt luôn tại bệnh viện, không được về nhà.

Để làm gương cho nhân viên, GS Hà cũng ngày đêm bên cạnh bệnh nhân, thăm khám và động viên cán bộ. “Nói là mình không lo, không sợ thì là nói dối. Tuy nhiên, ở giai đoạn nước sôi lửa bỏng như vậy, mình là bác sĩ, không thể làm khác” – GS Hà tâm sự.

Phác đồ “đánh du kích”

Nhớ lại phương pháp quyết định thắng lợi đẩy lùi dịch SARS ra khỏi Việt Nam trong một thời gian ngắn, GS Lê Đăng Hà tủm tỉm cười. Ông cho biết, phương pháp luôn khiến ông liên tưởng tới cách đánh du kích rất “Việt Nam”, đơn giản, không tốn kém mà lại hết sức hiệu quả.

Từ 55 trường hợp nhiễm SARS được ghi nhận vào ngày 12.3.2003 tại các bệnh viện ở Hongkong, Hà Nội và Singapore, SARS lây lan nhanh sang 32 quốc gia, vùng lãnh thổ, làm 8.422 người mắc, trong đó có 916 người chết. Riêng tại Việt Nam, tính từ 26.2.2003, từ trường hợp nhiễm cúm đầu tiên, dịch SARS đã lây sang 68 người, khiến 5 trường hợp tử vong.

Sau khi xem xét những trường hợp nhiễm bệnh SARS nhưng lại không hề tiếp xúc với bệnh nhân, GS Lê Đăng Hà “chợt” nhận thấy, có thể trong không khí cũng sẽ lưu cữu nhiều virus, đặc biệt, hệ thống điều hoà có thể chính là “đường dẫn” virus này lan ra nhiều phòng của bệnh viện. Ngoài ra, những căn buồng điều trị bệnh nhân SASR trước đó cũng còn có thể lưu virus ở các vật dụng, dù lau hay sát trùng cũng khó sạch. Muốn làm sạch không khí, cần phải có máy thông khí áp lực âm, mỗi chiếc trị giá tới vài trăm triệu đồng. Trong điều kiện kinh tế của ta không thể giải quyết được, ông quyết định cho tắt điều hoà, mở tung cửa sổ các phòng điều trị bệnh nhân SARS cho nắng tràn vào phòng, đồng thời cho mở quạt thông gió, quạt máy “thổi thốc” virus ra ngoài. Trong nhiều ngày không còn bệnh nhân nhiễm SARS. Biện pháp đơn giản, sáng tạo, “không giống ai” này đã đem lại hiệu quả rõ rệt mà lại không mất đồng tiền nào.

Thấy biện pháp hiệu quả, nhiều cán bộ bệnh viện còn mang cả bồ kết đến “hun” phòng. Chính những làn khói, luồng gió đó đã đem lại hy vọng cho các bác sĩ. “Khi tôi trình bày với bạn bè quốc tế về phác đồ thủ công, không giống ai này, các bè bạn quốc tế, các chuyên gia y tế vừa khâm phục, vừa thú vị” – GS Hà cho biết. Ngoài ra, một số bệnh nhân nặng phải thở máy dài ngày, GS Hà cũng nhận ra nếu mổ mở khí quản đặt ống thở máy thì bệnh nhân có nguy cơ bị nhiễm trùng vết mổ, vi khuẩn tràn vào phổi, trong khi bệnh SARS đang làm phổi tổn thương rất nặng, điều này sẽ làm phổi bị tổn thương nặng hơn. Do đó, ông phát kiến “cho thở oxy qua mặt nạ” chứ không đặt ống khí quản ở cổ. Có thể nói, đây là một biện pháp góp phần làm giảm tử vong của các ca bệnh nặng.

45 ngày vật lộn với thần chết, ổ dịch bị khoanh vùng, chặn đứng và bị tiêu diệt, không có bệnh nhân nào tử vong, dịch không lây lan ra cộng đồng. Ngày 28.4.2003, Việt Nam được quốc tế công nhận là nước đầu tiên trên thế giới đẩy lùi dịch SARS

GS-TS Lê Đăng Hà đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động nhờ thành tích chống SARS. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem