Gặp lại lão nông viết thư gửi Thủ tướng

Thứ sáu, ngày 30/04/2010 08:54 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Năm 2008, một nông dân ở vùng lũ tỉnh Đồng Tháp đã viết thư cho Thủ tướng, kể nỗi khổ của hàng triệu nông dân làm ra hạt lúa. Phóng viên Dân Việt đã tìm về vùng đất này để gặp lại lão nông ấy...
Bình luận 0
img
Ông Lê Văn Lam

Không thể giàu nhờ lúa

Người nông dân “nổi tiếng” ấy là ông Lê Văn Lam, năm nay 60 tuổi, ngụ xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. Từ thuở tóc còn để chỏm, ông Lam đã biết theo đuôi con trâu để ra đồng. Tính đến nay, “tuổi nghề” của ông cũng đã tròn trèm 50 năm…

Những ngày giữa tháng 4 này, khi chúng tôi đến ông Lam vẫn không có nhà mà ông đang dang mình dưới cái nắng như đổ lửa giữa trời trưa oi bức… Người nhà cho biết, ông ở ngoài đồng để chuẩn bị cho vụ hè thu. Như nhiều nông dân khác, ông Lam ăn trưa ngay tại bờ ruộng để tiết kiệm thời gian.

Cha mất khi tui mới 3 tuổi, một mình mẹ làm ruộng nuôi mấy anh em khôn lớn nên từ nhỏ tôi đã phải theo mẹ ra ruộng. Khi ông cưới vợ, vốn liếng cũng được 3ha, sau đó tích cóp mua thêm được 3ha nữa. Mùa lũ năm 2000, một cán bộ trong vùng do lỗ lã với nghề lúa nên kêu bán một lúc 10ha, cho trả chậm.

Trầm ngâm một lát, ông kể tiếp: Cả 17 người trong gia đình tui (gồm con, cháu) đều sống nhờ vào số ruộng này. Ở vùng này, như gia đình tui là thuộc dạng nhiều đất. Sau nhiều năm làm lúa, tui nghiệm ra rằng hột lúa chỉ giúp nông dân không đói chứ không thể giúp thoát nghèo.

Xứ tui hầu như ai cũng nợ ngân hàng. Nhiều nông dân phải bán lúa non, hoặc bán ngay tại chân ruộng chứ không có cơ hội tích trữ để chờ giá lên vì còn phải lo trả nợ. Vừa trả nợ cũ lại phải tìm cách vay cho được nợ mới để đầu tư lên mảnh ruộng của mình.

Nông dân tụi tui gọi đây là “đảo nợ” chứ không phải “trả nợ”. Mang nợ ai cũng sợ, nhưng điều trớ trêu là nông dân nào nợ càng lớn thì lại là nông dân khá giả - bởi khá giả mới có sổ đỏ thế chấp ngân hàng. Còn nông nghèo, vay giỏi lắm cũng chỉ vài ba chục triệu đồng là hết!”.

Bán đất trả nợ

Đưa tay quẹt những giọt mồ hôi trên trán ông Lam đều giọng: Hầu hết nông dân có sổ đỏ đều vay ngân hàng để sản xuất theo kiểu ăn trước trả sau như thế. Trúng mùa, trúng giá một năm thì người dân có thể trả hết nợ.

Nhưng chỉ cần một năm huề vốn thì phải còng lưng nghèo suốt 3 năm – vì huề vốn tức không có lãi nên mọi chi tiêu trong gia đình đều phải vay mượn bên ngoài. Nông dân rất sợ mất uy tín với ngân hàng. Vì mất uy tín, mùa sau ngân hàng không cho vay lấy tiền đâu đầu tư sản xuất? Thế là nhiều gia đình đành bấm bụng đi vay nóng bên ngoài để trả nợ ngân hàng.

Ngay như gia đình ông, đã hai năm liên tiếp làm lúa thua lỗ hàng trăm triệu đồng, nên năm 2008 phải bấm bụng bán 0,6ha đất trả nợ ngân hàng. Theo lời ông Lam, hầu như đời sống của người nông dân không khá lên là mấy.

Thậm chí có khoảng 80% có dấu hiệu đi xuống – bởi trong nhà nhiều nông dân bây giờ đúng là có TV, xe máy Trung Quốc, nhưng những thứ đó bây giờ cũng chẳng có giá trị gì so với sổ đỏ đang nằm ở ngân hàng. Nếu ngân hàng làm căng và nông dân không vay nóng được để “đảo nợ”, dám chắc con số mất đất là rất lớn. Ngay như gia đình ông, tự cho mình vào diện 20% còn lại nhưng cũng phải bán đất 2 lần để trả bớt nợ…

img
Lão nông Lê Văn Lam trên đồng.

Nông dân luôn bị thiệt

Tui theo dõi báo, đài kỹ lắm. Dàn máy vi tính kết nối mạng cũng chỉ vài triệu đồng nên tui sắm luôn để theo dõi tin tức, giá lúa gạo xuất khẩu. Theo tui biết, với giá xuất khẩu mà mình đã ký với nước ngoài, giá quy ra lúa hiện nay phải từ 5.500 đồng/kg trở lên. Vậy mà “giá sàn” đưa ra chỉ có 4.000 đồng/kg là quá bất hợp lý.

Một điểm nữa mà tui cho rằng cực kỳ bất hợp lý là khoản “lãi 30%” mà nhà nước tính cho nông dân. Khoản lãi này dựa vào giá thành rồi tính. Nhưng giá thành hiện nay tính không sát vì chưa tính lãi vay, tiền thuê đất, lãi trả chậm vật tư nông nghiệp, tiền mua bao, mua lưới… Kể cả máy móc của người nông dân cũng phải có khấu hao. Nói thẳng ra, khoản lãi 30% nông dân có lẽ chỉ lời… trên giấy.

Ông Lam nói như tính toán: Cách tính giá thành rồi tính lãi như hiện nay mà “người ta” thường tính là bất ổn. Bởi điều kiện canh tác mỗi nơi mỗi khác, nếu cào bằng giá thành thì thiệt thòi cho những vùng đất xấu, kỹ thuật canh tác lạc hậu. Với cách tính giá thành rồi quy lãi như hiện nay, về lâu về dài không khuyến khích nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật nữa, bởi khi anh ta áp dụng “ba giảm, ba tăng” theo như hướng dẫn của nhà khoa học thì giá thành hạ xuống, đồng lãi của anh ta cũng hạ theo là điều hết sức phi lý!

Ông Lam nói như xin: “Đừng “cho” rằng nông dân “lời”như thế mà tội cho nông dân, hãy xác định lại cho doanh nghiệp. Tui lấy ví dụ, mỗi kg lúa doanh nghiệp được lãi 500 đồng, phần còn lại để cho nông dân được hưởng, như vậy mới khuyến khích nông dân được. Tui đề nghị Chính phủ tùy vào giá trên thị trường mà quy định giá sàn mua lúa cho nông dân. Có như vậy, nông dân mới đỡ phần thiệt thòi, cuộc sống mới được cải thiện bởi họ sống chỉ nhờ vào cây lúa vốn quá bấp bênh…”.

Ngay như gia đình tôi, tự cho mình vào diện “kha khá” một chút nhưng cũng phải bán đất 2 lần để trả bớt nợ…

Kiến nghị đã được xử lý thế nào?

Ngày 4-5-2008, ông Lê Văn Lam gửi thư lên Thủ tướng, trong đó trình bày với Thủ tướng một số khó khăn mà ông cũng như nhiều nông dân khác đang gặp phải.

Một, giá cả vật tư nông nghiệp thời gian qua luôn tăng cao nên đã tạo gánh nặng trên vai người nông dân.

Hai, người nông dân luôn thiếu kiến thức về thị trường cũng như khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Do đó, Chính phủ nên xây dựng một kênh truyền hình dành riêng cho nông dân để phổ biến kiến thức về thị trường, kỹ thuật sản xuất, định hướng phát triển và những thông tin cần thiết cho nông dân.

Ba, hầu hết chi phí sản xuất lúa đều phải vay nợ, nên nông dân không thể trữ lúa chờ giá tăng. Chính phủ cần có chính sách để doanh nghiệp mua lúa cho nông dân với giá hợp lý nhất...

Qua tổng hợp của NTNN cho thấy, một số kiến nghị của ông Lê Văn Lam cũng như của hàng triệu nông dân đã được Chính phủ, các bộ ngành xem xét, giải quyết.

Cụ thể, ngày 22-4- 2010, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ TT&TT đã ra mắt kênh truyền hình Nông nghiệp, nông thôn (VTC 16) phát trên Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC. Đây là kênh truyền hình cung cấp các kiến thức KHKT, thị trường, tư vấn sản xuất... giúp nông dân sản xuất thuận lợi hơn.

Về vấn đề mua tạm trữ lúa, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam mua 3 triệu tấn gạo, tương đương trên 5 triệu tấn lúa, với giá đảm bảo cho người trồng lúa có lãi 30%...

Dù vậy, vẫn còn một số vấn đề mà các cơ quan chức năng chưa thực hiện được, như bình ổn giá vật tư nông nghiệp, giá thức ăn chăn nuôi; nâng cao giá trị của hạt gạo; khắc phục tình trạng chặt trồng, trồng chặt...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem