Gặp lại những nữ binh “đi hài vạn dặm”

Chủ nhật, ngày 03/10/2010 12:16 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Lâu lắm rồi, hơn 400 nữ cựu quân nhân Sư đoàn 2 - Quân khu 5 mới có dịp gặp lại. Họ ôm chầm nhau, cười ra nước mắt. Những gương mặt hằn vết chân chim ngỡ như trẻ ra, bồi hồi nhớ về một thời đạn lửa.
Bình luận 0

Ký ức chiến trường

Trong số họ nhiều người có mặt từ những ngày đầu thành lập đơn vị, vì thế kỷ niệm 45 năm truyền thống Sư đoàn (20-10-1965 - 20-10-2010) cũng là dịp những nữ cựu quân nhân tự hào đánh dấu hành trình đến với Sư đoàn hai lần Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của mình. 

img
Cựu quân nhân sư đoàn 2 trong ngày gặp mặt

Ai đó nói "chiến tranh không có gương mặt đàn bà" nhưng ở Sư đoàn 2 ngày ấy, không thể thiếu những người phụ nữ. Họ là đội quân chủ lực vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực thực phẩm từ căn cứ ra phía trước và vận chuyển thương binh, hàng hoá từ phía trước về phía sau. Ngoài nhiệm vụ phục vụ chiến đấu, họ còn chiến đấu bảo vệ hàng hoá, bảo vệ đường hành lang, nuôi dưỡng thương binh, mở đường, làm nhà ở, kho tàng, tăng gia sản xuất… Những đôi chân mảnh mai của họ là những đôi hài vạn dặm đưa tiền tuyến về gần với hậu phương, góp phần làm nên huyền thoại Sư đoàn.

Nhiều em mới 14- 15 tuổi, lên căn cứ các chú còn phải cõng qua suối, tối ngủ khóc nhớ mẹ. Vậy mà chỉ vài tháng sau, đã vác băng băng 50-60 kg hàng ra chiến trường.

Chị Nguyễn Thị Cập, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 3 vận tải, đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, được vây quanh bởi rất nhiều đồng đội. Chị nói mà như khóc: "Thương lắm em ơi. Đơn vị chị lúc đông nhất cả trăm người. Nhiều em mới 14-15 tuổi, lên căn cứ các chú còn phải cõng qua suối, tối ngủ khóc nhớ mẹ. Vậy mà chỉ vài tháng sau, đã vác băng băng 50-60kg hàng ra chiến trường. Mình nhớ hết từng đứa. Vậy mà bây giờ rơi rụng nhiều…".

Chị Đoàn Thị Anh - nguyên Trung đội phó ràn rụa nước mắt: "Lần đó đại đội mình đi khiêng thương thì bị ném bom, 5 chị hy sinh, 3 chị bị thương, trong đó có trung đội trưởng Vinh, tiểu đội trưởng Mai. Tội nhất là chị Mai, khiêng về đến trạm thì đuối. Trước khi mất chị còn chiếc khăn và đôi dép. Chị nói rằng chị em ở lại giữ lấy mà dùng, đừng chôn theo uổng lắm. Nghe lời, bọn em giữ lại. Vậy mà đến tối, thấy thương chị ấy quá, lặng lẽ đem khăn và dép để bên mộ…".

Ấm tình đồng đội

Tuổi xuân gửi lại chiến trường, nhiều nữ cựu quân nhân Sư đoàn sau khi ra quân đã mang di chứng chất độc da cam, có người vĩnh viễn không được làm vợ, làm mẹ, lầm lũi vào ra bóng chiếc. Số tiền phụ cấp ít ỏi không đủ nuôi sống gia đình và chữa bệnh. Nhiều chị vật lộn với cuộc mưu sinh, làm thuê làm mướn, hoặc sống nhờ vào người thân khi sức khoẻ đã giảm sút nhiều. Số chị hoàn cảnh khó khăn nhiều đến mức, Đại tá Lê Quang Trình- Phó Chính uỷ Sư đoàn 2 trong chuyến đi khảo sát 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi mới đây cho rằng, phải có sự chung tay của cộng đồng mới có thể giúp các chị có một cuộc sống ổn định, xứng đáng với sự hy sinh của họ.

Với tình nghĩa đó, Ban chỉ huy Sư đoàn đã vận động 18 doanh nghiệp và các cơ quan đơn vị trên địa bàn hỗ trợ các chị với tổng số tiền 662 triệu đồng, trong đó Bộ Tư lệnh Quân khu 5 ủng hộ 150 triệu đồng. Tại buổi gặp mặt, 4 chị khó khăn nhất đã được tặng mỗi chị 15 triệu đồng; 41 chị được tặng mỗi chị 3 triệu đồng; còn lại đều có quà, tiền trị giá gần 1 triệu đồng. Sư đoàn cũng đã phát phiếu trưng cầu ý kiến để các chị đề xuất những khó khăn hay vướng mắc nhằm tiếp tục tham mưu cho các cơ quan chức năng giải quyết thoả đáng chế độ cho các chị. Sáng kiến này thực sự làm ấm lòng những người chịu quá nhiều thiệt thòi suốt mấy chục năm qua.

Buổi liên hoan chia tay ấm áp, bịn rịn. Nước mắt lại rơi trên hàng trăm gương mặt khắc khổ vì chiến tranh và tuổi tác của nữ cựu quân nhân Sư đoàn 2…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem