Ðỉnh Poom Giới không cao…
Lối về bản Suối Tút, xã vùng cao biên giới Quang Chiểu, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) vẫn còn khó khăn lắm. Những con dốc dựng đứng, những khúc cua tay áo khiến cho chiếc xe máy của thiếu tá Trần Văn Ðoàn - Ðội phó trinh sát Ðồn biên phòng Quang Chiểu - cứ nhảy chồm chồm. Ði từ sáng sớm, mặt trời gần đứng bóng, chúng tôi mới tới được nhà cụ Phan Ðịnh Xiết.
Già Xiết trên đường đi bảo vệ cột mốc biên thùy. Ảnh: Hồng Đức
Già Xiết là người dân tộc Dao, năm nay ngoài 70 tuổi, dáng người nhỏ thó, nhưng đôi mắt còn tinh tường, đôi chân vẫn rắn chắc. Mời khách uống trà lá rừng, già Xiết bắt đầu câu chuyện vì sao ông tự nguyện tham gia bảo vệ cột mốc biên thùy.
“Ngày trước, nhà ta ở trên đỉnh Pù Quăn, xã Pù Nhi (huyện Mường Lát) cơ. Ðến năm 1980, ta đưa gia đình lên bản Suối Tút này lập nghiệp. Trong những lần đi rừng, ta leo lên tận đỉnh Poom Giới, rồi phát hiện ra ở đó có một cột mốc giữa nước mình và đất bạn Lào. Ngày ấy, cột mốc đó được đánh dấu là mốc G6, còn bây giờ là 3 cột mốc 285, 286, 287. Ta nghĩ, cột mốc biên giới là nơi thiêng liêng của Tổ quốc mình, ta phải có trách nhiệm tham gia giữ gìn và bảo vệ thôi” - già Xiết bộc bạch.
Già Xiết bên cột mốc 286. Ảnh: Hồng Đức
Khi nghe tôi hỏi, đỉnh Poom Giới cao, xa như vậy, già đã tuổi cao, sức yếu mà vẫn leo, già Xiết cười sảng khoái: “Ta có tuổi rồi, đôi khi cái chân đã thấy mỏi, con mắt cũng đã mờ, nhưng không lên với cột mốc thì nhớ lắm. Trước đây, khi ta còn khỏe, mỗi lần leo lên đó cũng chỉ mất khoảng 3 giờ thôi. Còn bây giờ, mỗi lần lên với cột mốc, phải leo mất 4 giờ. Nhưng ta vẫn thấy vui lắm. Ðỉnh Poom Giới không cao, không xa mà!”.
Những mong ước cuối đời
"Những công việc thầm lặng của già Xiết là rất thiết thực, giúp bộ đội thuận lợi hơn trong việc nắm bắt thông tin về chủ quyền biên giới, cũng như tình hình an ninh trật tự trên địa bàn”.
Trung tá Nguyễn Thế Anh
|
Ðể đến cột mốc 285, 286, 287, già Xiết phải vượt qua nhiều con suối, quả đồi với vô số đỉnh đèo, dốc đá cheo leo hiểm trở. Mỗi lần lên mốc, già Xiết thường mang theo người một con dao quắm, một chiếc radio, chiếc gậy và cơm nắm.
Hớp một ngụm, ngước mắt nhìn về phía đỉnh Poom Giới, già Xiết trầm ngâm, bảo: “Có lần, ta phát hiện cột mốc G6 bị sứt một mảng lớn, ta phải nhặt miếng vỡ bỏ vào tay nải mang về Ðồn Biên phòng Quang Chiểu báo cáo ngay với lãnh đạo đơn vị. Sau đó, các chiến sĩ đồn biên phòng đã lên cột mốc nắm tình hình, tu sửa lại cột mốc và truy tìm kẻ phá cột mốc. Ta cũng phải tập cho mình thói quen ghi chép vào sổ những thông tin thu thập được, để về báo cáo với đồn khi cần thiết. Giờ đây, cái chân của ta đã mỏi, nên không còn sức để lên với mốc như trước nữa. Ta phải bàn giao lại cho thằng Cáu và thằng San thôi”.
Thằng Cáu và thằng San, mà già Xiết nhắc tới, là 2 người con trai của ông. Già Xiết có 6 người con, 3 trai, 3 gái. Các con của già đều tham gia công tác xã hội rất tích cực, trong đó người con cả Phan Văn Cáu hiện làm Bí thư chi bộ bản Suối Tút; con thứ Phan Văn San làm Phó bản kiêm công an viên. “Khi ta già, về với ông bà, tổ tiên, thì thằng San, thằng Cáu và bọn trẻ dòng họ Phan sẽ phải thay ta. Nhất định phải có người liên tục lên với đỉnh Poom Giới, để bảo vệ và chăm lo cột mốc”- già Xiết quả quyết.
Trung tá Nguyễn Thế Anh - Phó Ðồn trưởng Ðồn biên phòng Quang Chiểu, bảo rằng; “Những công việc thầm lặng của già Xiết là rất thiết thực, giúp bảo vệ cột mốc chủ quyền và giúp bộ đội nắm bắt thông tin về chủ quyền biên giới”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.