Gặp người "vẽ" 400 chân dung Bác Hồ bằng... tem

Chủ nhật, ngày 20/05/2012 07:54 AM (GMT+7)
Dân Việt - Công tác trong ngành Bưu chính, hàng ngày tiếp xúc với những con tem, với tình cảm thiêng liêng dành cho Bác, bà Uyển đã dùng những con tem “vẽ” lên hàng trăm bức chân dung của Bác Hồ.
Bình luận 0

Vẽ chân dung bác qua từng thời kỳ

img
Một bức tranh Bác Hồ được bà Trần Thị Uyển “vẽ” bằng những con tem

Đó là bà là Trần Thị Uyển, trú tại 102/B5, tập thể Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội. Suốt 25 năm lao động không ngừng nghỉ, bà đã cho ra đời hơn 400 bức tranh, không phải dùng mực mà “vẽ” bằng chính những con tem mà bà sưu tầm được.

Mặc dù đã ngoài 70 tuổi nhưng bà Uyển vẫn rất nhanh nhẹn. Hàng ngày bà cần mẫn lượm nhặt những con tem để tạo nên những tấm hình chân dung Bác. Căn nhà hơi chật nhưng được bố trí ngăn nắp, gọn gàng. Những bức tranh “đinh” về Bác được bà treo ở một vị trí rất trang trọng trên tường.

Bà Uyển cho biết, năm 1962 bà về công tác tại Tổng cục Bưu điện (nay là Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam) cho đến khi nghỉ hưu năm 1995, với công việc của một hoạ sĩ thiết kế mẫu tem. Trong suốt thời gian làm việc, bà Uyển đã sáng tác và lưu hành được hơn 200 mẫu tem.

Trong đó có những mẫu tem “nổi tiếng” như: Cờ đỏ búa liềm; Bác cùng chúng cháu hành quân hay Chiến thắng Điện Biên Phủ... Bà Uyển bắt đầu làm tranh Bác bằng tem từ năm 1986 nhưng chủ yếu làm cho cơ quan.

“Thấy dòng tranh lạ, nên cơ quan đặt tôi để làm quà biếu tặng. Nhiều người thấy tranh đẹp, đặt tôi làm, nhưng một mình không đủ sức. Tôi làm tranh tem không phải để kiếm lời, khi “vẽ” những bức tranh này tôi muốn gửi tới các thế hệ mai sau một thông điệp hay ghi nhớ những chặng đường lịch sử hào hùng của dân tộc và mỗi bức tranh về Bác Hồ tôi muốn ghi lại một chặng đường mà Bác đã đi qua” – bà Uyển tâm sự.

Sau 26 năm, bà Uyển đã có hơn 400 bức tranh về Bác được bà tái hiện qua những con tem vô cùng sống động. Nếu mới nhìn ít ai nghĩ đó là tranh “vẽ” bằng tem, vì đường nét, màu sắc chân thật như ảnh chụp vậy.

"Tôi nhớ từng nếp nhăn trên khuôn mặt Bác"

img
Bà Trần Thị Uyển bên những bức tranh Bác Hồ được “vẽ” bằng những con tem

Bà Uyển bảo vẽ tranh về Bác đã rất khó. “Vẽ” tranh bằng tem mà hình Bác vẫn tươi tắn, có “hồn” thì còn khó gấp bội. Đòi hỏi phải kiên nhẫn, tỉ mỉ. Chứ cắt tem, dán thành hình Bác có thể nói bất kỳ người hoạ sỹ nào cũng làm được.

Nói về ý nghĩa của bức tranh tem, bà Uyển chia sẻ: “Ngoài việc chọn màu sao cho chính xác với những bức ảnh đã đạt độ “kinh điển” về Bác, những chiếc tem đó còn phải mang ý nghĩa, ví dụ như: Trong bức tranh, Bác vẫy tay chào, được kết từ những con tem có đầy đủ các tầng lớp “Công - Nông - Binh”.

Ngoài ra còn có tem chim bồ câu, kết thành những con chim bồ câu đang vỗ cánh bay lên, tượng trưng cho hoà bình và bên trái là những tem hoa, kết thành những bông hoa để dâng lên Bác. Hay bức, Bác cùng chúng cháu hành quân, được kết từ những con tem Trường Sơn, tem nông, lâm nghiệp... để kết lên hình Bác đang cùng các chiến sỹ Trường Sơn vượt đại ngàn trùng điệp.

Nói về kỷ niệm làm tranh Bác Hồ, bà Uyển nhớ mãi bức tranh bà làm năm 2003 do Công đoàn Bưu chính - Tổng Cty Bưu chính Viễn thông Việt Nam đặt hàng. Bức tranh khổ 2,4m x 1.6m vẽ cảnh Bác Hồ bắt tay bác Tôn, cũng được kết lên từ những con tem (Công - Nông - Binh), tượng trưng cho sự gắn kết keo sơn giữa Đảng và các tầng lớp nhân dân...

Trong bức tranh này bà Uyển phải sử dụng trên 7.000 chiếc tem. Cái hay, cái quý mà người chơi tranh dành cho tranh bà là ngoài sự tinh tế, còn là sự khoẻ khoắn, chất phác, tranh “động” như có giá lùa trong tranh vậy.

Ngoài tranh tem chân dung Bác, bà còn làm tranh tem về những phong cảnh được coi là “hồn cốt” của Hà Nội: Khuê Văn Các, Chùa Một Cột, Hồ Gươm... với một tình yêu Hà Nội tha thiết.

“Hình ảnh Bác luôn nằm trong trái tim tôi, tôi nhớ từng nếp nhăn trên khuôn mặt Bác. Nhưng tôi già rồi, vẽ tranh là để khuây khoả tuổi già. Chứ cống hiến của tôi đối với xã hội có đáng là bao. Nhiều người họ còn tài năng hơn tôi rất nhiều. Nhưng nếu có điều kiện, tôi sẽ mở một cuộc triển lãm nho nhỏ về tranh “vẽ” bằng tem về Bác, để giới thiệu, ôn lại lịch sử cho lớp trẻ!”, bà Uyển cho biết thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem