Ngày 13.3, trước buổi gặp mặt “Hướng về Trường Sa thân yêu” giữa thân nhân các chiến sĩ đã hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma tại Đà Nẵng, phóng viên Báo NTNN đã gặp cựu binh Nguyễn Văn Lanh (xã Vạn Ninh, huyện Lệ Ninh, Quảng Bình).
Ngày 15.8.1985, khi mới 22 tuổi, anh Lanh chào bố mẹ, chia tay cô người yêu cùng quê để nhập ngũ vào Trung đoàn Công binh 83, Quân chủng Hải quân. Ngày 8.3.1988, anh cùng đồng đội được lệnh ra xây dựng và bảo vệ đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao.
|
Anh hùng Nguyễn Văn Lanh (trái) gặp lại đồng đội xưa. |
Ngày 11.3.1988, khi biển đã êm hơn, tàu HQ-604, HQ-605, HQ-505 được lệnh cùng nhau nổ máy, đạp sóng tiến thẳng Trường Sa để đưa vật liệu ra xây dựng củng cố đảo, nhưng không mang theo vũ khí để tránh Trung Quốc có cớ leo thang chiến sự. Đến ngày 13.3.1988, tàu HQ 604 đã có mặt ở Gạc Ma. Trên tàu lúc đó chủ yếu là bộ đội công binh của Trung đoàn 83 nên không ai có vũ khí trừ đội bảo vệ có súng AK. Thấy tàu HQ-604 xuất hiện, tàu của hải quân Trung Quốc đã uy hiếp không cho tàu HQ 604 tiếp cận đảo Gạc Ma.
Đến mờ sáng 14.3.1988, hải quân Trung Quốc cho xuồng đổ lính lên đảo Gạc Ma hòng cướp lá cờ Việt Nam cắm trên đảo do thiếu úy Trần Văn Phương cùng 3 đồng đội đang kiên quyết bảo vệ. Chiến sự nổ ra, hai bên giằng co nhau quyết liệt. Lúc này cách đảo 50m, từ trên tàu HQ-604, chỉ huy cụm đảo Trần Văn Thông ra lệnh cho những anh em biết bơi nhảy xuống biển bơi vào tiếp ứng. Anh Lanh cùng 12 chiến sĩ trên tàu HQ-604 lập tức nghe theo lệnh của chỉ huy.
Anh Nguyễn Văn Lanh đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, 3 bằng khen và giấy khen. Ngày 13.12.1989, sau trận chiến Gạc Ma 1 năm, anh được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
“Khi chúng tôi vừa bơi tới đảo thì lính Trung Quốc nổ súng bắn chết anh Phương. Tôi xông tới nắm lấy cán cờ từ bàn tay đẫm máu của anh Phương. Cùng lúc những anh em khác không ai bảo ai lập tức vây vòng tròn quanh lá cờ và dùng xà beng, cuốc chim đánh giáp lá cà với lính Trung Quốc... Kể tới đây, bất ngờ anh Lanh thu mình lại vì những vết thương (thương tật 71%) đau buốt lên vì những cơn gió lạnh thổi từ sông Hàn. Một tháng sau trận chiến, anh mới dần tỉnh lại trong Bệnh viện 175 (TP.Hồ Chí Minh). Chỉ huy Trung đoàn 83 cho biết, khi anh bất tỉnh, 2 đồng đội đã đưa anh lên 1 tấm ván và thả trôi trên biển. Xuồng của tàu HQ-505 dùng ống nhòm thấy anh đã đưa vào đảo Sinh Tồn cứu chữa ngay trong đêm.
“Mấy ngày nay được gặp lại anh em đồng đội đã cùng chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa sau mấy chục năm mất liên lạc thật quá vui mừng. Lúc này tôi cùng anh em không mong gì hơn ngoài việc tìm được thi thể các đồng đội mình để đưa về hương khói” - anh Lanh tâm sự.
Đình Thiên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.