Gặp nguyên mẫu chị Kha trong “Hồi đó ở Sa Kỳ”

Thứ ba, ngày 26/04/2011 18:36 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hàng chục năm qua, nhiều người ở chợ Hàn (Hải Châu, Đà Nẵng) quý mến bà Trần Thị Chính (66 tuổi), người đã cống hiến nhiều trong chiến tranh, giờ chỉ còn một chân, một mắt, một tay, nhưng tấm lòng vì mọi người thì ít ai bì kịp.
Bình luận 0

Kỳ tích một thời

Mọi người quý mến, cảm phục vì bà đã vượt qua nỗi đau bản thân, tích cực tham gia cùng các tổ chức từ thiện xã hội, mang lại niềm vui cho người nghèo miền Trung. Càng thú vị hơn khi biết con người giàu lòng tốt này là nguyên mẫu của nhân vật chị Kha trong tiểu thuyết chiến tranh nổi tiếng "Hồi đó ở Sa Kỳ" của nhà văn Bùi Minh Quốc.

img
Nguyên mẫu chị Kha trong "Hồi đó ở Sa Kỳ" .

Một ngày tháng 4, chúng tôi tìm đến nhà bà Chính (10 Nguyễn Thái Học, TP.Đà Nẵng). Trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ của mình, bà kể cho chúng tôi nghe một thời quá khứ đau thương mà oai hùng trên quê hương Điện Bàn (Quảng Nam).

Sinh ra trong một gia đình nông dân ở huyện Điện Bàn, có bố là liệt sĩ, mẹ bị địch bắt tra tấn dã man, sau đó bị bệnh mà chết. Trước nỗi đau mất mát quá lớn của gia đình và quê hương, lòng căm thù giặc của Chính đã sớm trỗi dậy. 11 tuổi, cô bé Chính đã làm liên lạc, đưa cán bộ đi chỉ đạo cơ sở, xây dựng phong trào cách mạng tại xã Điện Thọ (Điện Bàn).

Năm 16 tuổi, Chính được giao nhiệm vụ vào Sài Gòn làm giao liên cho Biệt động thành Sài Gòn- Gia Định. Được 2 năm, Chính bị địch phát hiện nên cô quay về quê Điện Thọ làm giao liên hợp pháp cho đội công tác xã Điện Thọ. Chính mở tiệm may, với vẻ đẹp của một thiếu nữ thôn quê, thông minh, khéo léo, Chính đã khai thác được nhiều thông tin của kẻ địch phục vụ cho cách mạng. Tháng 11.1963, Chính được kết nạp vào Đảng khi cô mới tròn 18 tuổi...

Nhằm che mắt kẻ địch, Chính mở một tiệm may nhỏ và làm thợ để chuyển hồ sơ mật từ nội tuyến ra ngoại tuyến, phục vụ kịp thời cho các đơn vị của ta nắm tình hình địch...

Năm 1964, tình hình bắt đầu căng thẳng, địch quyết liệt dồn dân vào các ấp chiến lược. Trong một trận đánh lớn, ta có 8 đồng chí bị thương. Chính được các anh giao nhiệm vụ băng bó vết thương, tiếp tế cháo, sữa và bố trí ẩn nấp trong một bãi mía để chờ lúc trời tối sẽ có người mở đường đưa các đồng chí ra vùng giải phóng.

Thế nhưng, khoảng hơn 7 giờ sáng, xe tăng của địch lại hành quân qua bãi mía - nơi có 8 thương binh đang ẩn nấp. Ngay lập tức chị lao tới, dang hai tay chặn đoàn xe tăng rồi gào khóc thảm thiết. Bị giặc dùng dùi cui đánh tới tấp, nhưng chị vẫn kiên trì cho đến khi quân địch hành quân theo hướng khác...

Một lần vào tháng 11.1966, một tiểu đội lính Mỹ ở Trảng Nhật (Điện Hòa) thường xuyên phục kích, bắt sống các đồng chí của ta, Chính được giao nhiệm vụ tiếp cận tên trung sĩ an ninh Mỹ khét tiếng độc ác. Bằng kinh nghiệm binh vận và một chút vốn liếng tiếng Anh, chị đã lân la làm quen với tên này, sau đó lên kế hoạch phục kích tiểu đội của chúng. Chị dụ tên trung sĩ này ra khỏi đồn, xáp vào ôm chầm lấy hắn, nhanh như chớp, chị cướp vũ khí, phối hợp với tổ du kích của địa phương bắt sống đưa về căn cứ.

img
Bà Chính (bên phải) chụp hình cùng đồng đội và nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh.

Sự kiện chị Chính "tay không bắt giặc" đã lan đi khắp nơi, góp phần khích lệ quân dân Quảng Đà hưởng ứng tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968. Trong một trận càn, chị Chính bị đạn cối của địch chặt đứt chân trái, hư một mắt, bị thương nặng ở tay phải và nhiều vết thương khác trên cơ thể. Thế nhưng, khi vết thương vừa hồi phục, chị lại chống nạng ra chiến trường...

Và "chị Kha" thời nay

Từ năm 1966, nhà văn Bùi Minh Quốc đến hoạt động ở vùng Điện Thọ, cảm phục trước tấm lòng vì cách mạng của chị, nhà văn đã khắc họa lại những chiến công của chị, những suy nghĩ, khát vọng của chị về quê hương và Tổ quốc qua nhân vật chị Kha trong tiểu thuyết chiến tranh nổi tiếng "Hồi đó ở Sa Kỳ".

Chiến tranh đã qua đi hơn 35 năm nhưng di chứng, nỗi đau do chiến tranh để lại vẫn còn dai dẳng theo suốt cuộc đời của người phụ nữ này. Không chồng, không con cái, bà sống với ký ức và miệt mài làm từ thiện để mang lại thêm niềm vui cho những người nghèo khổ khác...

Trên bức tường nhà đã úa màu thời gian treo trang trọng giấy chứng nhận Chiến sĩ thi đua từ năm 1966; một Huân chương Chiến công; một bằng chứng nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân... Đặc biệt, có một tấm ảnh chân dung của chị thời trẻ. Tấm ảnh này ngày xưa kẻ thù đã dùng để tầm nã chị.

img
Bà Chính hôm nay.

Giờ đây, ở cái tuổi 66, niềm vui lớn đối với bà Chính là sống đạm bạc để dư ra chút gì là quyên góp chia sẻ với những gia đình khó khăn, các em học sinh nghèo, đồng bào bị bão lũ... Mỗi khi khỏe mạnh là bà đi vận động người thân, quyên góp tiền, quần áo, sách vở... để giúp đỡ mọi người. Chiếc chân giả của bà đã leo không biết bao nhiêu đồi núi, đến với những gia đình khó khăn.

Gặp chúng tôi, bà khoe là vừa thực hiện xong một đợt đi trao tiền, quà từ thiện cho con em nghèo ở Duy Xuyên (Quảng Nam). "Với mức trợ cấp của thương binh 1/4, cô tiêu cũng không hết nên dành một ít giúp đỡ những người khó khăn" - bà Trần Thị Chính nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem