Ý tưởng đột phá
Dương Vi Khoa là một cái tên vốn không mấy xa lạ trong giới tin học Việt Nam với tư cách là “đàn chủ” của Diễn đàn Tin học Việt Nam với hơn 790.000 thành viên - một trong những diễn đàn IT uy tín nhất tại Việt Nam.
Quay trở lại vào đầu năm 2000, Diễn đàn Tin học Việt Nam ra đời bắt nguồn từ niềm trăn trở của Vi Khoa khi tham gia vào nhiều forum IT của nước ngoài, đó là: “Sao người Việt Nam không thể có một forum như vậy bằng tiếng Việt?”.
|
Dương Vi Khoa bên bộ máy ảnh và thiết bị tác nghiệp |
Thế rồi chục năm sau, một câu hỏi tương tự cũng lại đến với chàng trai nhiều ý tưởng đột phá này.
Ngay khi chiêm ngưỡng những bức ảnh Gigapixels chụp theo chế độ panorama khắc họa lại chi tiết và rộng khắp phong cảnh các thành phố nổi tiếng trên thế giới, Vi Khoa đã tự nhủ: “Tại sao Việt Nam lại không thực hiện những bức ảnh lớn như vậy?!”.
Và ý tưởng thực hiện một bức ảnh khổng lồ ghép từ 1.000 tấm ảnh chụp Hà Nội nhằm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội đã được tác giả ấp ủ từ đó.
Mời bạn hãy tự mình khám phá và cảm nhận vẻ đẹp của Thủ đô Hà Nội qua bức ảnh đặc biệt tại đây. Tuy nhiên, phải đến tận tháng Năm vừa rồi, khi “săn” được thiết bị chuyên dụng để chụp ảnh panorama vừa mới xuất hiện là Gigapan EPIC Pro, Vi Khoa mới có điều kiện để biến ý tưởng thành thực tiễn.
Những bức ảnh panorama đầu tiên đã được anh thể nghiệm chụp phong cảnh TPHCM – nơi anh sinh ra và lớn lên. Từ những bức ảnh ghép từng 50 tấm, 100 tấm, 300 tấm… tăng dần đến bức ảnh lớn nhất được tác giả thực hiện ghép từ 600 tấm ảnh.
Vào thời điểm còn hơn hai tuần là đến đại lễ, Dương Vi Khoa quyết định thu xếp công việc và chuẩn bị máy ảnh, ống kính, thiết bị chuyên dụng, phụ kiện… để ra Hà Nội bắt tay vào thực hiện bộ ảnh tâm đắc.
Dùng máy “siêu tốc” mà chụp tốc độ “rùa bò”
Qua khảo sát một số địa điểm, nóc tòa nhà BIDV Tower đã được Khoa chọn chính là nơi thích hợp để chụp cảnh Hồ Gươm và phố cổ Hà Nội. Và sau khi được phép của Ban Quản lý tòa nhà, Dương Vi Khoa cùng cộng sự Nguyễn Huy Trung Dũng đã có hai ngày tác nghiệp trên nóc BIDV Tower để thực hiện tác phẩm.
|
Dương Vi Khoa và cộng sự Nguyễn Huy Trung Dũng trong buổi chụp hình trên nóc tòa nhà BIDV Tower |
Không kể thời gian tính toán góc độ chụp, bố cục ảnh, cài đặt chế độ cho thiết bị, hai anh đã mất gần 2 giờ chụp liên tiếp 1.000 tấm ảnh 16 megapixels bằng máy ảnh mới nhất của Canon là EOS 1D Mark IV, sử dụng ống kính tele Canon EF 400mm f/5.6L cùng với hệ thống chuyên dụng robot Gigapan EPIC Pro và nhiều phụ kiện khác. Sau đó, tác giả ảnh còn phải dành ra hơn 24 giờ để xử lý và ghép 1.000 tấm ảnh này lại với nhau.
Mặc dù vừa mới được đưa lên mạng nhưng bức ảnh đã nhanh chóng thu hút được đông đảo sự quan tâm. Hệ thống server ghi nhận có thời điểm có tới hơn 6.500 lượt truy cập xem ảnh cùng lúc. Và đến thời điểm hiện tại đã có hơn 100.000 người vào xem bức ảnh này.
Và bức ảnh panorama 6,1 Gigapixels chụp quang cảnh thành phố Hà Nội ra đời đã ngay lập tức khẳng định được giá trị của mình. Bức ảnh Hà Nội ghép từ 1.000 tấm ảnh thực hiện vào dịp cả nước đang chào đón 1.000 năm Thăng Long này cũng được coi là bức ảnh kỹ thuật số chụp phong cảnh Việt Nam lớn nhất hiện nay. Nếu in ra (ở độ phân giải 72dpi), tác phẩm sẽ có diện tích tới hơn 780 m2.
Những người thực hiện bức ảnh khổng lồ vẫn còn nói vui với nhau rằng: “Anh em mình cầm “con” máy chụp nhanh nhất của Canon lại đi chụp tốc độ cực chậm – ba ngày mới ra được một tấm ảnh!”.
Không chỉ là bức ảnh chào mừng dịp Đại lễ
Chia sẻ với Dân Việt, Dương Vi Khoa cho biết, anh thực hiện bức ảnh đặc biệt này không chỉ như là một tác phẩm để chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội mà còn với cả những ý nghĩa khác.
|
Toàn cảnh bức ảnh ghép từ 1.000 tấm ảnh chụp Hà Nội từ trên cao |
Trước hết, mong muốn của Khoa là khắc họa được chân thực và chi tiết vẻ đẹp của đất nước Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Và những bức ảnh panorama như thế này là cách rất tốt để quảng bá du lịch Việt Nam vì nó chắc chắn sẽ gây được sự chú ý không chỉ ở trong nước. Khoa lấy ví dụ về Paris, vốn đã là một thành phố nổi tiếng, nhưng họ vẫn đầu tư thực hiện những bức ảnh panorama nhằm thu hút hơn nữa lượng du khách tới đây.
Theo phân tích của chàng trai đi tiên phong trong lĩnh vực Panorama Gigapixels tại Việt Nam, những bức ảnh panorama mang tới nhiều hứng thú cho người thưởng thức. Bởi khi xem những bức ảnh này, họ không chỉ có cái nhìn toàn cảnh về địa danh đó mà còn có thể tự mình khám phá đến từng ngóc ngách, từng chi tiết cảnh vật. Và khi càng đi vào những hình ảnh sinh động như vậy, người xem sẽ càng tha thiết muốn đến tận nơi để được tận mắt “kiểm chứng” vẻ đẹp đã từng bắt gặp trong bức ảnh đã xem trước đó.
Không chỉ có giá trị quảng bá du lịch, bức ảnh Hà Nội 1.000 năm này còn hàm chứa một ý nghĩa lịch sử. Dương Vi Khoa bộc bạch: “Nếu không có những tấm ảnh lưu truyền như vậy, làm sao sau này nhìn lại có thể biết được qua thời gian thành phố đã thay đổi như thế nào?!”.
Tác giả bức ảnh cho biết, sở dĩ anh chọn góc ảnh có thể lấy được toàn bộ khu phố cổ Hà Nội, nhìn được rõ từng mái nhà cũng như cấu trúc của toàn bộ khu phố cổ, là vì anh muốn lưu giữ lại hình ảnh hiện nay để chỉ khoảng 5 năm nữa đem ra nhìn lại sẽ thấy khu vực này thay đổi ra sao.
Và thêm một ý nghĩa nữa cho việc thực hiện những bức ảnh panorama, đó là để Dương Vi Khoa một lần nữa khẳng định về mặt công nghệ, Việt Nam có thể làm được như thế giới.
“Bất cứ nơi nào, thành phố nào của Việt Nam muốn làm và tạo điều kiện, tôi sẵn sàng đến đó để thực hiện những tấm ảnh panorama và đưa chúng đến thế giới”, Khoa hào hứng bày tỏ.
Khánh Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.