Giá cao, thấp: Hỏi Bộ Tài chính!
Theo thông tin từ các doanh nghiệp gas đầu mối như Saigon Petro, MT Gas, Petrolimex gas, từ 1.9, giá gas bán lẻ trên thị trường lại đồng loạt tăng thêm 51.000 đồng/bình 12kg. Với mức tăng tương ứng 4.250 đồng/kg so với đầu tháng 8, giá gas tới tay người tiêu dùng dao động ở mức 418.000- 420.000 đồng/bình 12kg tùy từng hãng.
|
Các đại lý được tự định giá gas khiến giá nhiên liệu này tăng vô tội vạ. |
Ông Đỗ Trung Thành, Phó Phòng kinh doanh Saigon Petro cho biết, giá gas bán lẻ phải tăng do giá thế giới tăng thêm 175 USD/tấn so với giá đầu tháng 8, với mức trung bình là 950 USD/tấn. Nếu tính cả lần tăng giá đầu tháng 8 vừa qua, giá gas bán lẻ của các hãng đã tăng từ 103.000-106.000 đồng/bình 12 kg tùy từng hãng.
Từ đầu năm tới nay, giá gas đã tăng 7 lần với mức tăng tổng cộng 240.000 đồng/bình loại 12kg và giảm giá 4 lần với mức giảm tổng cộng 163.000 đồng. Tính chung, giá gas vẫn tăng 77.000 đồng mỗi bình 12 kg.
Lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh gas đầu mối ở TPHCM cho biết, hiện có gần 80 công ty gas nên sức cạnh tranh khá gay gắt chứ không giống như thị trường xăng dầu. Gas do nhà máy Dinh Cố và Dung Quất thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sản xuất mới chỉ đáp ứng được khoảng trên 40% nhu cầu, trên 50% vẫn phải phụ thuộc nhập khẩu nên giá các sản phẩm gas trong nước phụ thuộc rất nhiều vào sự biến động của giá gas thế giới.
Về nghi vấn “giá thế giới tăng một, giá gas trong nước tăng hai”, đại diện một số doanh nghiệp gas đầu mối khẳng định, phải hỏi Bộ Tài chính.
Theo ông này, khi tăng giá các đại lý phải có văn bản báo cáo gửi Sở Tài chính địa phương, còn doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu phải thông báo giá bán đến Bộ Tài chính. Nếu tính gian sẽ bị Bộ Tài chính tuýt còi ngay. Khi được hỏi về mức trích chiết khấu cho các đại lý, đại diện các doanh nghiệp đều cho rằng, mức tính cụ thể là do từng doanh nghiệp và thuộc bí mật kinh doanh nên không công bố được.
Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính Nguyễn Tiến Thỏa thừa nhận có hiện tượng giá gas thế giới xuống thấp, giá gas trong nước xuống nhỏ giọt. “Kiểm tra giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng, có nơi giá gas chênh lệch tới 70 ngàn đồng cho cùng 1 bình 12kg. Thực tế cho thấy các doanh nghiệp đầu mối không kiểm soát được hệ thống bán lẻ”- ông Thỏa cho biết.
Quản chiết khấu của đại lý
Chủ một cửa hàng gas trên đường Kim Ngưu, Hà Nội, cho biết, thông thường, giá công bố của các công ty chênh lệch không nhiều. Nhưng khi qua các hệ thống phân phối, tới các đại lý bán lẻ đến từng hộ gia đình thì giá bị đội lên và rất khác nhau, có thể chênh lệch từ 20.000-40.000 đồng/bình 12kg, trong khi giá bán ra giữa các hãng được công bố chỉ chênh nhau từ 5.000-7.000 đồng/bình.
Việc chênh lệch giữa giá bán của doanh nghiệp và đại lý tới vài chục nghìn đồng mỗi bình, theo lý giải, là do đại lý phải tính thêm phần chênh lệch lợi nhuận giữa đầu vào và đầu ra và các chi phí khác như vận chuyển, tiếp thị, thuê mặt bằng, trả lương nhân viên, đóng thuế... Điều này đồng nghĩa, giá bán gas tới người tiêu dùng là do mỗi đại lý tự đưa ra, chứ không hề có một khung giá cụ thể nào và phụ thuộc từng khu vực khác nhau. Cùng một hãng gas, nhưng có đại lý bán 460.000 đồng/bình 12kg nhưng có đại lý khác bán rẻ hơn từ 20.000 đến 40.000 đồng/bình.
Một chuyên gia thuộc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương, phân tích: “Theo Nghị định 107 về kinh doanh khí hóa lỏng, gas là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nhưng quyền định giá gas hiện trong tay các đại lý, do các doanh nghiệp kinh doanh gas có rất ít các cửa hàng bán lẻ trực tiếp. Việc bán hàng chủ yếu thông qua hệ thống tổng đại lý, đại lý, các cửa hàng bán lẻ với hợp đồng mua đứt, bán đoạn. Vì vậy, khi các công ty không quản lý được hệ thống phân phối này, thì đương nhiên giá gas trên thị trường đang do các đại lý quyết định và thiệt thòi luôn thuộc về người tiêu dùng”.
Theo ông, để giá gas ổn định, cần quy định mức chiết khấu chung cho các đại lý. Hiện nay, mức chiết khấu, hoa hồng mà các doanh nghiệp đầu mối chi cho các đại lý rất khác nhau. Có doanh nghiệp chi cao, nhưng có doanh nghiệp chi thấp. Điều này khiến cho các đại lý tùy cơ tăng giảm giá bán.
Ngoài ra, để ổn định mức chiết khấu, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải làm rõ lợi nhuận của doanh nghiệp, những chi phí bất hợp lý cần phải xem xét lại, bắt buộc bán đúng giá quy định, nếu vi phạm phải xử lý ngay.
Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, ông Nguyễn Sỹ Thắng cho biết, thị trường gas từ trước đến nay toàn là mua đứt bán đoạn. Mỗi khâu sau khi tính toán các chi phí đều cộng thêm một một khoản lợi nhuận nhất định, nên mức lợi nhuận mỗi khâu khác nhau và cuối cùng đổ lên đầu người tiêu dùng cả. “Lợi nhuận thực tế của các doanh nghiệp gas đầu mối không hề cao, chỉ ở mức gần 1% tính trên tổng doanh thu, thấp hơn nhiều so với các đại lý”, ông Thắng nói.
Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, cách tính giá gas được Bộ Công Thương quy định như sau: Giá gas thế giới, cộng giá vận chuyển, nhân với thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng, cộng với chi phí sẽ ra giá bán lẻ.
“Gas là mặt hàng bình ổn, phải thực hiện chế độ đăng ký giá qua Sở Tài chính địa phương. Vì vậy, lực lượng thanh tra tài chính thuộc Bộ Tài chính là đơn vị chủ công trong việc kiểm tra hoạt động kinh doanh này. Khi phát hiện các đại lý tự ý tăng giá bán cao hơn giá quy định của công ty thì người tiêu dùng cứ thông báo cho cơ quan chức năng để xử lý”, ông Quyền nói.
Theo Tiền Phong
Vui lòng nhập nội dung bình luận.