Gấu bông, mỳ tôm mang về 8.410 tỷ, Vietjet tính lập sàn thương mại điện tử

Hoàng Nhật Thứ tư, ngày 03/07/2019 19:39 PM (GMT+7)
Sau khi thu về 8.410 tỷ đồng trong năm 2018 và 2.647 tỷ đồng trong quý I/2019 nhờ hoạt động phụ trợ, chủ yếu đến từ bán mỳ tôm và gấu bông, quà lưu niệm trên máy bay, Vietjet Air lên kế hoạch giới thiệu một nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) bán “đủ thứ” từ dịch vụ tài chính đến hàng tiêu dùng.
Bình luận 0

Dù không lý giải cụ thể về câu chuyện kinh doanh các mặt hàng bán lẻ của mình, song Vietjet Air của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn đang cho thấy con số tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ tại một số sản phẩm như mỳ tôm, gấu bông…

Theo thông tin mới đây từ Nikkei Asian Review, Vietjet dự tính sẽ hợp tác với các ngân hàng, khách sạn và đối tác khác để tung ra dịch vụ thương mại điện tử này trong hai năm tới.

Cụ thể, trả lời phỏng vấn của Nikkei Asian Review, bà Nguyễn Thị Thúy Bình, Phó Tổng Giám đốc Vietjet, các hãng hàng không giá rẻ đang tìm cách kiếm lợi nhuận từ nguồn số liệu khách hàng phong phú và sẵn có để mở rộng hoạt động của mình vượt ra ngoài ngành du lịch và bước vào cuộc sống hàng ngày.

"Chúng tôi sẽ có một nền tảng thương mại điện tử không chỉ để bán vé máy bay mà cung cấp bất cứ thứ gì khách hàng cần," bà Nguyễn Thị Thúy Bình nói.

img

Bà Nguyễn Thị Thúy Bình, Phó Tổng Giám đốc Vietjet. (Ảnh: Ken Kobayashi)

Theo bà Bình, tất cả các nhà cung cấp và đối tác sẽ tham gia nền tảng của Vietjet để phục vụ không chỉ 30 triệu hành khách của hãng mà còn hàng trăm triệu khách hàng tại Việt Nam và các nơi khác trên thế giới. Nền tảng này sẽ cung cấp dịch vụ tài chính như ngân hàng, bảo hiểm, cũng như đặt phòng khách sạn, mua sắm hàng tiêu dùng và nhiều hơn nữa.

"Nền tảng của VietJet sẽ sử dụng công nghệ blockchain. Hãng này tin tưởng các giao dịch sẽ được thực hiện trơn tru", bà Bình cho biết.

Vietjet đã đàm phán với một số công ty, nền tảng của Vietjet sẽ đặt trọng tâm vào việc phục vụ hành khách sử dụng dịch vụ bay của hãng, con số dự kiến sẽ đạt 30 triệu vào năm 2019, tăng 30% so với năm 2018.  Nhưng bà Bình tin rằng phạm vi khách hàng sẽ được mở rộng trong 2 năm tới.

Theo bà Nguyễn Thị Thuý Bình, chi phí nhiên liệu gia tăng đã gây áp lực lên hoạt động kinh doanh cốt lõi của Vietjet, vậy nên, hãng đang cố gắng tăng doanh thu từ các mảng phụ trợ trong bối cảnh doanh thu từ các hoạt động phụ trợ ghi nhận ở quý I/2019 đã tăng trưởng 45% so với cùng kỳ.

Hiện tại, nền tảng thương mại điện tử của Vietjet đã bắt đầu hoạt động. Trước đó, trong tháng 6/2019, Vietjet đã liên kết với HD Saison Finance - một liên doanh giữa HDBank và Credit Saison của Nhật Bản nhằm để cung cấp các khoản vay từ 2 triệu đến 15 triệu đồng (85 USD đến 642 USD) khi khách hàng mua vé máy bay Vietjet mà không cần trả trước hoặc xác nhận thu nhập.

“Dịch vụ này cung cấp một cơ hội tốt cho những người không có đủ tiền để mua vé máy bay nhưng muốn đặt trước để hưởng giá vé rẻ. Đây là một cách mới để mua vé, và là một trong những ví dụ về sự tích hợp giữa Vietjet với các đối tác”, bà Nguyễn Thị Thúy Bình cho biết.

img

Mỳ tôm, gấu bông đang mang về cho Vietjet hàng nghìn tỷ đồng trong những năm qua. (Ảnh minh hoạ)

Theo tìm hiểu của PV, kết thúc quý I.2019, VietJet Air ghi nhận con số doanh thu 13.637 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong cơ cấu doanh thu của VietJet Air, hoạt động vận tải vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 53%, đóng góp 7.247 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ và hoàn thành 17% kế hoạch năm. Còn doanh thu hoạt động phụ trợ chủ yếu đến từ bán mỳ tôm và gấu bông, quà lưu niệm trên máy bay cũng tăng mạnh 45% so với quý I.2018 lên 2.647 tỷ đồng, đóng góp hơn 19% vào tổng doanh thu của Vietjet.

Theo tính toán, tỷ trọng doanh thu phụ trợ trong doanh thu vận tải hàng không của Vietjet đã liên tục tăng từ mức 23% vào quý I.2018 lên 25% vào cuối 2018 và đạt 26% vào cuối quý I.2019. Còn tính riêng 5 năm qua, doanh thu phụ trợ của Vietjet đã tăng 10 lần. Cụ thể, doanh thu năm 2014 mới chỉ là 836 tỷ đồng thì đến năm 2018 vừa qua đã lên tới 8.410 đồng.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 diễn ra tháng 4 vừa qua, bà Nguyễn Thị Phương Thảo từng lưu ý về khoản doanh thu phụ trợ nhờ mang lợi nhuận lớn và hầu như không phát sinh thêm chi phí.

"Với lượng khách phục vụ hiện nay, chỉ cần mỗi khách hàng chi thêm 1 USD cho các sản phẩm phụ trợ như mì tôm, gấu bông, doanh thu của Vietjet đã có thêm 25 triệu USD. Mục tiêu là thu được 10 USD mỗi người trong vài năm tới", bà Thảo nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem