Gây thiệt hại 700 tỷ đồng tại cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, cựu Tổng giám đốc VEC được hưởng án treo

Xuân Ân Thứ năm, ngày 27/06/2024 11:55 AM (GMT+7)
Bị cáo buộc gây thiệt hại gần 700 tỷ trong quá trình đầu tư xây dựng cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, cựu Tổng giám đốc VEC bị sơ thẩm phạt 42 tháng tù nhưng tòa phúc thẩm cho vị này hưởng án treo.
Bình luận 0

Sáng 27/6, TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên án phúc thẩm với 10 bị cáo có kháng cáo trong vụ án giai đoạn 2 cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

Theo hồ sơ, tuyến cao tốc là công trình trọng điểm quốc gia, do Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, tổng chiều dài gần 140km. Trong đó, giai đoạn 1 dài 65km từ TP.Đà Nẵng tới thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam), thông xe tháng 8/2017, còn giai đoạn 2 dài hơn 74km, từ Tam Kỳ đến TP.Quảng Ngãi, thông xe tháng 9/2018.

Tuy nhiên, khi vừa đi vào sử dụng, đường cao tốc đã xuất hiện rất nhiều điểm hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới vận hành khai thác, an toàn giao thông, gây bức xúc trong nhân dân. Các vi phạm tại giai đoạn 1 dài 65km đã được xử lý với 35 người Việt và 1 người Nhật chịu chế tài hình sự.

Với sai phạm ở giai đoạn 2 dài 74km, hồi tháng 10/2023, TAND TP.Hà Nội xử sơ thẩm, phạt tù 22 người về các tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" hoặc "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Tòa sơ thẩm cũng buộc 5 nhà thầu phải bồi thường cho VEC. Cụ thể, Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) phải bồi thường cho gói A1 giá trị 47,5 tỷ đồng; Tập ok đoàn công trình giao thông Sơn Đông gói A2 giá trị 129 tỷ đồng; Tập đoàn xây dựng Giang Tô bồi thường gói A3 trị giá 85 tỷ đồng; Tập đoàn Lotte E&C gói A4 trị giá 127 tỷ đồng và Tập đoàn Posco E&C bồi thường gói A4 trị giá 71 tỷ đồng.

Sau phiên sơ thẩm, có 10 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Các nhà thầu cũng kháng cáo, đề nghị xem xét lại trách nhiệm bồi thường của họ.

Gây thiệt hại 700 tỷ đồng tại cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, cựu Tổng giám đốc VEC được hưởng án treo- Ảnh 1.

Các bị cáo kháng cáo đều được tòa phúc thẩm giảm án.

Qua 3 ngày làm việc, tòa phúc thẩm nhận cho rằng, 10 người kháng cáo đều có chuyên môn, được phân công nhiệm vụ rõ ràng trong dự án nhưng không thực hiện đúng, để xảy ra hậu quả "đặc biệt nghiêm trọng".

Tuy vậy, tòa phúc thẩm ghi nhận các bị cáo đều không có động cơ vụ lợi, có trình độ chuyên môn cao, mong muốn công trình đưa vào sử dụng sớm và thực tế chủ đầu tư đã thu phí được số tiền lớn. Ngoài ra, các bị cáo đều tích cực nộp thêm tiền khắc phục hậu quả dù không bị tòa tuyên buộc trách nhiệm này. Do vậy, tất cả đều được giảm án, trong đó có 9 người chịu từ 2 – 5 năm tù.

Riêng Mai Tuấn Anh, cựu Chủ tịch, Tổng giám đốc VEC, tòa phúc thẩm giảm án cho ông từ 42 tháng tù xuống 36 tháng tù cho hưởng án treo. Ông Tuấn Anh bị xác định gây thiệt hại gần 700 tỷ đồng trong quá trình thanh toán cho các nhà thầu thi công cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, gồm giai đoạn 1 hơn 549 tỷ và giai đoạn 2 hơn 148 tỷ đồng.

Ngân hàng phải bảo lãnh

Riêng về dân sự, HĐXX bác kháng cáo của cả 5 nhà thầu, giữ phán quyết buộc họ hoàn trả lại toàn bộ số tiền 460 tỷ đồng đã được VEC thanh toán cho các đoạn đường không đạt chất lươngj.

Theo cấp phúc thẩm, việc yêu cầu các nhà thầu hoàn trả tiền với phần thi công chưa đảm bảo chất lượng, phải được xem xét trong vụ án hình sự là đúng luật dù tòa không giải quyết tranh chấp về mặt hợp đồng.

Khi công trình không đảm bảo, ảnh hưởng đến toàn bộ công trình, đáng lẽ không được nghiệm thu thanh toán; nếu không sửa được, buộc nhà thầu phải thi công lại theo chất lượng thiết kế đã phê duyệt ban đầu. "Nếu chất lượng lớp dưới cùng không đạt, sẽ phải bóc ra thay cả các lớp phía trên, thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều", án phúc thẩm lập luận.

Với quan điểm các nhà thầu cho rằng họ đáng lẽ chỉ phải trả tiền sửa đường, chứ không phải hoàn trả toàn bộ tiền công đã nhận, HĐXX đánh giá là "chưa chuẩn". Lý do, việc sửa chữa này chỉ là giải pháp tạm thời, nhà thầu có sửa đến đâu, thì con đường cũng không đạt tiêu chuẩn như đã thiết kế, và "ngày một ngày hai, việc sửa chữa vẫn sẽ phải diễn ra liên tục, tốn kém rất nhiều và chắc chắn còn lặp lại trong tương lai".

Tòa phúc thẩm nêu thêm, các nhà thầu nếu không trả được, VEC có quyền yêu cầu các ngân hàng liên quan thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo hợp đồng các bên đã ký.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem