"Ghép đôi" hai em nhỏ trên phố đi bộ gây bất bình: Vô cảm, không đơn giản là xâm hại
"Ghép đôi" hai em nhỏ trên phố đi bộ gây bất bình: Vô cảm, không đơn giản là xâm hại
Yên Phong - Tào Nga
Thứ hai, ngày 27/06/2022 19:00 PM (GMT+7)
Các chuyên gia cho rằng, ngoài sự vô cảm, vô trách nhiệm, clip "ghép đôi hai em nhỏ" trên còn cho thấy để đạt được mục đích giải trí, con người có thể làm tất cả. Đó chính là "giới hạn đỏ" của nhận thức văn hoá.
Mới đây, clip hai em nhỏ hôn môi trong trò chơi ghép đôi tại phố đi bộ tại TP.Vinh (Nghệ An) gặp phải chỉ trích dữ dội. Là một chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, ông Ngô Hương Giang khẳng định với PV báo Dân Việt: "Đây là những hình ảnh không chỉ vi phạm các nguyên tắc thuần phong mỹ tục của văn hoá Việt Nam, mà còn là những biểu hiện vi phạm pháp luật đối với trẻ vị thành niên".
Theo nhà nghiên cứu văn hoá Ngô Hương Giang, những clip ghép đôi không còn là chuyện lạ đối với người dùng mạng xã hội gần đây. Ban đầu chỉ đơn thuần mang yếu tố giải trí, hẹn hò ngẫu nhiên, song càng ngày những clip như trên có nhiều biến tướng phức tạp, phản văn hoá.
"Câu chuyện ghép đôi với hai em nhỏ tại phố đi bộ TP.Vinh chính là biểu hiện cao nhất của sự lai căng, phản văn hoá khi đưa trẻ vị thành niên trở thành những nhân vật bất đắc dĩ nhằm câu view. Nguy hại hơn khi những người đứng sau clip ấy đang tiếp tay cho các hoạt động vi phạm pháp luật về quyền trẻ em, kích động, cổ vũ cho các hành vi yêu đương sớm trong phạm vi học đường. Điều này sẽ để lại hệ luỵ rất lớn cho xã hội", ông Giang nói.
Không chỉ có MC xúi giục 2 em nhỏ hôn nhau mà người lớn đứng xung quanh còn cổ vũ nhiệt tình. Liệu đây có phải sự báo động về việc suy dồi thuần phong mỹ tục, hay chỉ là sự vô tâm, vô tình của đám đông?
Trước vấn đề này, ông Giang cho hay: "Khi các em nhỏ trở thành diễn viên cho các clip câu view thì tất yếu những khán giả cổ vũ cho các clip ấy không thể vô can. Hành động này của khán giả cho thấy các giá trị đạo đức xã hội bị đảo lộn. Thay vì phản ứng, chống lại thì giờ đây khán giả, đặc biệt là khán giả lớn tuổi lại vô tình hoặc cố ý tiếp tay cho các hành vi xâm phạm quyền trẻ em. Ngoài sự vô cảm, vô trách nhiệm, clip trên còn cho thấy để đạt được mục đích giải trí, con người có thể làm tất cả, thậm chí là đưa những em nhỏ chỉ đáng tuổi con, tuổi cháu mình ra để mua vui. Đó chính là "giới hạn đỏ" của nhận thức văn hoá. Đạo đức con người đang bị lệch chuẩn nghiêm trọng".
Ông Giang cho biết: "Phải nói thật khách quan, công bằng rằng không phải tất cả các gameshow/trò chơi ghép đôi nào cũng "nhảm nhí", phản cảm. Bên cạnh những màn ghép đôi mang tính tích cực, nhân văn, giúp cho nhiều nửa cô đơn tìm được nhau để đi đến chung cuộc của hạnh phúc, thì vẫn còn đó những số gameshow/trò chơi sống sượng, phản cảm khi các cặp đôi trong chương trình "diễn" theo kịch bản có phần lố của ekip sản xuất. Từ đó có những biểu hiện thái quá trên truyền hình như câu chuyện của một chàng trai xứ Huế đưa ra lựa chọn "lấy vợ phải sinh được con trai", hay những hình ảnh "khóa môi kiểu tự nhiên chủ nghĩa" trên màn ảnh nhỏ…
Cô đơn chính là căn bệnh của xã hội hiện đại, ở góc nhìn tích cực thì những gameshow này cũng góp phần kết nối các tâm hồn cô đơn xích lại gần nhau. Song chúng ta cũng kịch liệt lên án hành vi lợi dụng gameshow để truyền bá yếu tố văn hoá lai căng, những hành động phản cảm, quá đà, trái ngược với thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Vì vậy vai trò của các cơ quan quản lý văn hoá, quản lý truyền thông, đặc biệt là những người đứng sau các gameshow cần phải thiết chặt các tiêu chí văn hoá trong khi tổ chức. Cần phải có các biện pháp mạnh tay trong việc kiểm soát, ngăn cấm phát tán những clip phản cảm, câu view bất chấp quy tắc luân thường đạo lý, văn hoá dân tộc trên mọi nền tảng mạng xã hội. Có như vậy chúng ta mới tránh được những sự việc như dư luận đang phản ứng".
Hai đứa trẻ trong màn ghép đôi bị bạo lực chứ không đơn giản là xâm hại
Trao đổi với PV báo Dân Việt, ông Nguyễn Đình Sơn, chuyên gia tâm lý tuổi vị thành niên, Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội đã nêu quan điểm: "Trong sự việc ghép đôi hai em nhỏ này, tôi muốn nhìn theo hướng bạo lực, chứ không chỉ đơn giản là xâm hại. Xâm hại trong trường hợp này là đúng nhưng bạo lực là hiện hữu và công chúng ít nhận ra. Hành vi dẫn dắt có xu hướng trào lưu đang lan rộng trên mạng xã hội và Tiktok có thể không đáng bàn luận nhiều nếu như các con đã đủ tuổi trưởng thành và tự quyết định hành vi của mình.
Nhưng sai lầm ở đây là do các nhóm làm chương trình khiến dư luận bức xúc đã chọn sai đối tượng của tuổi vị thành niên. Góc nhìn cha mẹ đang muốn con cái và gia đình bình an thì ai cũng nghĩ đến hậu quả của việc bị lạm dụng hay bị xâm hại nhưng xét về mặt thời gian, hậu quả còn xa mới tới. Còn về mặt bạo lực là hiện hữu điển hình đang xảy ra trong từng gia đình, lớp học, được nhiều người chứng kiến nhưng ít người nhận ra bạo lực về tinh thần và sang chấn tâm lý đối với trẻ em như trường hợp này.
Chúng ta cần hiểu bạo lực xã hội (thường xảy ra ở học đường) gồm có 5 loại hình: Trêu chọc, cô lập, bắt nạt, tung tin đồn, và băng nhóm. Có thể chúng ta chỉ nhìn nhận bạo lực dưới những góc độ bị bắt nạt, bị đánh đập nhưng trong trường hợp này cả hai bé đã rơi vào tình thế bị ép của cả đám đông cổ vũ và lỗi chính khởi đầu từ người dẫn chương trình thật ngây thơ.
Thực tế ảnh hưởng đến 2 con trẻ trong trong giai đoạn đầu tuổi vị thành niên là rất nghiêm trọng. Khởi đầu là sự vô tâm của những người đã đăng tin lên mạng tạo ra lan truyền bạo lực tin đồn. Tiếp theo hình thức con trẻ sẽ bị bạn bè của mình dùng bạo lực chọc ghẹo khiến con trẻ cảm thấy mình bị cô lập. Đây là 3 loại hình bạo lực mạnh mẽ mà hai con trẻ gặp phải. Nó mạnh hơn cả những trận đòn roi hay bắt nạt mà chúng ta thường biết đến".
Theo chuyên gia Đình Sơn: "Cha mẹ hay người thân cần hướng dẫn con vượt qua khủng hoảng nhờ những câu hỏi tâm lý thực hành ứng dụng khi hai con trẻ mới ở đầu tuổi vị thành niên. Cha mẹ hay thầy cô giáo có thể nói với con trẻ tương tự như: "Không ai có thể khiến con cảm thấy bị thấp kém hay bị trêu đùa nếu không có sự đồng ý của con".
Con không phải là nạn nhân vì con bị ép buộc và người vi phạm chính là người làm chương trình và những người đứng xung quanh con. Cha mẹ sẽ giúp con vượt qua thách thức bất công này bằng cách yêu cầu họ xin lỗi con trực tiếp. Nhờ con mà thành phố đã dừng chương trình không văn hóa đó lại rồi. Vậy con chính là người giúp đỡ được bao nhiêu bạn khác. Cuối cùng là không có gì hạ được phẩm giá của con, lòng tự trọng của con trên hành trình tuổi teen con đang phát triển.
Cách khắc phục cho những người làm chương trình là cần sự sáng tạo của mình trong clip hài "tiểu nhân có lỗi" cũng để lan tỏa sự xin lỗi cho hai nhân vật chính là hai con trẻ ngây thơ. Bên cạnh đó họ cần có xin lỗi bằng văn bản hay hình ảnh một cách chân thành đến với hai em nhỏ để các con có bằng chứng chống lại áp lực từ bạn bè và môi trường xung quanh.
Thay cho lời kết "nhịp thở tuổi teen bình an", vì những con trẻ đang phát triển trên hành trình dễ bị tổn thương và dễ bị lạm dụng bởi sự thiếu hiểu biết của người lớn chúng ta, giúp cho tất cả con trẻ tham gia vào độc lập xã hội với những hoạt động chống lại cách hành xử của những người lớn lạm dụng con trẻ. Chúng ta cần hiểu cuộc sống của con đang bị áp lực chính từ bản thân, áp lực từ học tập và từ bạn bè, từ mạng xã hội đang rình rập mà người lớn chúng ta khó lòng kiểm soát được. Vì tương lai con trẻ, hành động của bạn là tất cả".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.