Ghi tại chợ đầu mối gà miền Bắc: Giá gà lên nhanh, thị trường sau Tết ảm đạm

Đinh Hợp - Thu Huyền Thứ tư, ngày 09/02/2022 12:00 PM (GMT+7)
Chia sẻ với PV Dân Việt, nhiều tiểu thương tại chợ gà ngã ba Đình Nẻo, thuộc địa phận thôn Chung ở xã Liên Sơn, huyện Tân Yên (Bắc Giang), chợ đầu mối gà khá lớn ở miền Bắc cho biết, trước và trong Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 giá gà lên nhanh chưa từng có nhưng hiện giá đã chững và việc tiêu thụ khá chậm.
Bình luận 0

Tiểu thương tại chợ đầu mối gà ở Tân Yên cho biết, thị trường gà đầu năm khá ảm đậm, lượng tiêu thụ giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước.

Trao đổi với PV Dân Việt, chị Vân, thương lái chuyên mua, bán gà tại ngã ba Đình Nẻo chia sẻ: "Đầu năm thị trường tiêu thụ nghe chừng chậm hơn so với mọi năm. Nhà tôi mở hàng từ ngày mùng 4 mà cũng lác đác người đến mua. Mới Tết xong nên giá cả chưa ổn định, nhìn chung khá đắt. Giá nhập về đã là 90.000 đồng/kg. Có năm nay mới "sốt" như vậy, còn mọi năm chỉ tầm 80.000 đồng/kg khi về đến đây".

Ghi tại chợ đầu mối gà miền Bắc: Giá gà lên nhanh, thị trường sau Tết ảm đạm - Ảnh 2.

Gia đình chị Vân chủ yếu nhập gà Ta Lò (Thái Nguyên) về bán, giá bán khoảng 80.000-100.000 đồng/kg

Lý giải về việc giá gà bị đẩy lên cao, chị Vân cho rằng vì mấy năm vừa rồi chăn nuôi lỗ nhiều quá, giá gà xuống thấp nên người dân ít nuôi. Giá cao dẫn đến hoạt động mua bán, giao dịch gà càng thêm ảm đạm.

Ghi tại chợ đầu mối gà miền Bắc: Giá gà lên nhanh, thị trường sau Tết ảm đạm - Ảnh 3.

Sức tiêu thụ gà tại chợ gà Đình Nẻo đầu năm nay khá chậm so với mọi năm

"Căn bản hàng Tết nên cũng sốt chứ bình thường không đắt như thế. Dịp đầu năm bao giờ cũng nhu cầu người ta cần nhiều. Tết nhà nào cũng cần 1-2 con để ăn, người ta bắt buộc phải mua. Ra Giêng giá gà chắc sẽ hạ nhiệt" - chị Vân cho biết thêm.

Cùng chung tình cảnh đìu hiu do sức tiêu thụ chậm, chị Hiền - một hộ buôn gà ở chợ gà ngã ba Đình Nẻo cho biết, so với dịp Tết thì sức tiêu thụ giảm khoảng 60%. Giá bán bình ổn từ dịp Tết, trung bình rơi vào khoảng 90.000 đồng/kg gà ta, còn gà lai giá sẽ rẻ hơn.

Ghi tại chợ đầu mối gà miền Bắc: Giá gà lên nhanh, thị trường sau Tết ảm đạm - Ảnh 4.

Lượng tiêu thụ gà hộ chị Hiền chỉ bằng khoảng một nửa so với dịp Tết Nguyên Đán

Theo chị Hiền, tình trạng này cũng là điều thường thấy, sau Tết nhu cầu mua gà của người dân dịp đầu năm sẽ giảm. Bởi lẽ sau Tết, thực phẩm dự trữ của các gia đình vẫn còn nhiều nên nhiều người không mấy mặn mua thêm gà, vịt. Đến độ Rằm tháng Giêng sẽ sôi động hơn, sau đó lại trầm lắng dần. 

Ghi tại chợ đầu mối gà miền Bắc: Giá gà lên nhanh, thị trường sau Tết ảm đạm - Ảnh 5.

Nhiều khách hàng đến nhà chị Hiền xem gà rồi lại ra về.

Trong Tết mỗi cửa hàng ở chợ này bình quân có thể tiêu thụ tới 3-5 tấn gà một ngày, chưa kể đến xe giao gà đến thẳng nhà người dân. 

Chị Hiền ước tính, riêng tháng Tết lượng tiêu thụ cao đột biến tăng gấp 5 lần so với những tháng bình thường. Đây là thời điểm hoạt động mua bán tại chợ gà Đình Nẻo diễn ra sôi động nhất.

Ghi tại chợ đầu mối gà miền Bắc: Giá gà lên nhanh, thị trường sau Tết ảm đạm - Ảnh 6.

Mọi người vẫn có những nhu cầu như chúc thọ đầu năm, cưới xin, những bữa tiệc họp mặt nên lượng gà bán ra tuy chậm nhưng khá ổn định.

Tuy nhiên, chị Hiền chia sẻ rằng tình hình tiêu thụ gà năm nay khó khăn một phần do ảnh hưởng bởi đại dịch. 

"Lượng tiêu thụ lại giảm đi rất nhiều, chỉ bằng khoảng 50% so với năm ngoái. Trước kia chưa có dịch Covid-19, hội hè, chùa chiền hoạt động bình thường nên nhu cầu của mọi người cao. Năm nay nhiều lễ hội, đình đám bị hoãn nên nhu cầu tiêu dùng gà, nhất là gà trống giảm đi nhiều" - chị Hiền nói.

Người chăn nuôi đã có lãi

Ông Lê Văn Quyết - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Ðông Nam bộ cho biết, với mức giá gia cầm như hiện tại (thời điểm cuối năm 2021) thì người chăn nuôi đã có lãi. Nếu vẫn tiếp tục giữ được mức giá như vậy thì ngành gia cầm trong năm 2022 sẽ ổn định.

Ông Quyết cho rằng, rất khó để đưa ra dự báo đối với ngành gia cầm trong năm 2022, hiện nay, Việt Nam đang thực hiện theo Nghị quyết số 128-NQ/CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, nghĩa là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Dịch ở đâu thì chặn ở đó, còn vẫn phải phát triển kinh tế.

Tôi nghĩ nếu cứ thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 thì không chỉ riêng ngành gia cầm mà cả ngành chăn nuôi và tất cả ngành khác đều sẽ có sự khởi sắc hơn so với năm 2021. Bên cạnh đó, hầu hết người chăn nuôi trong năm vừa qua đều đã “thấm đòn” nên hiện đang sắp xếp lại trật tự, chủ yếu phát triển theo hướng liên kết chuỗi.

"Ðiều này sẽ tạo nên nhiều thuận lợi vì khi tham gia liên kết chuỗi nghĩa là sản xuất theo kế hoạch, việc khủng hoảng thừa - thiếu sẽ khó xảy ra. Tóm lại, theo tôi, ngành gia cầm Việt Nam trong năm 2022 được dự báo sẽ có triển vọng tốt hơn so với năm 2020 và 2021", ông Quyết khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem