Nếu như trước đây, nhiều nông dân huyện Củ Chi (TP.HCM) có thể phất lên làm giàu, thậm chí trở thành tỷ phú nhờ nuôi bò sữa thì hiện nay, họ khóc ròng vì giá thấp nhất mà công ty sữa thu mua chỉ ở mức 7.000 đồng/kg.
Trước tình hình chăn nuôi vất vả, lượng sữa sản xuất bị các cơ sở từ chối thu, nhiều hộ nông dân đã phải bán đổ, bán tháo bò, phá dỡ chuồng trại và ngậm ngùi bỏ nghề đã gắn bó hơn chục năm.
Trạm ngưng mua sữa, nông dân bán bò lỗ hàng chục triệu
Xã Tân Thạnh Đông, nơi nổi tiếng về chăn nuôi bò sữa của huyện Củ Chi, hiện không còn nhiều hộ làm công việc này như trước. Tại các tuyến đường nhánh trên địa bàn, hàng loạt chuồng bò trống không, nằm im ỉm được tận dụng làm nơi chất đồ phế liệu, vật dụng thừa trong nhà.
Không còn được giá như trước, nhiều nông dân nuôi bò sữa ở xã Tân Thạnh Đông phải bán bớt bò để không ôm nợ. Ảnh: P.M.
Nhiều người cho biết việc phá dỡ chuồng trại này đã có cách đây khoảng 1-2 năm, khi các công ty và trạm thu mua không nhận sữa của nông dân. Tuy nhiên, họ lo rằng, tình trạng này sẽ tiếp tục tái diễn thời gian tới vì giá sữa hiện tại quá thấp và bấp bênh.
Ông Nguyễn Văn N. không giấu được nỗi buồn khi vừa bán sạch gần 20 con bò. Ông cho biết hai vợ chồng phải vất vả lắm mới có thể gây dựng được một gia tài như thế. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, hộ của ông luôn trong tình trạng lỗ vốn nên không còn cách xử lý nào khác.
“Suốt 5 tháng qua, giá sữa nguyên liệu mà công ty thu mua từ đàn bò của tôi chỉ dao động từ 7.000-10.000 đồng/kg. Với giá đó, làm sao tôi có thể lời được, chỉ có nước chết chắc. Không thể kéo dài thêm được, buộc tôi phải bán đi hết đàn bò”, ông N. ngậm ngùi nói.
Sau vài chục năm chăn nuôi, ông N. đã quyết định chấm dứt công việc vì nó không thể là nguồn thu của gia đình nữa. Ông cũng cho biết thêm không chỉ riêng ông mà rất nhiều hộ cũng phải “giải thể” hoặc ít nhất bán đi một số con trong đàn.
Bà Nguyễn Thị S. (57 tuổi) có gần 20 năm nuôi bò sữa ở huyện ngoại thành Sài Gòn này cũng rơi vào tình trạng tượng tự ông N. Khi phóng viên vào nhà, bà S. tưởng là người của công ty thu mua sữa nguyên liệu nên mừng rỡ và vội vàng hỏi giá cả sữa thế nào. Tuy nhiên, sau khi nghe giới thiệu bà đành ngậm ngùi vì biết chưa thể tìm được đầu ra cho hơn 100 kg sữa mỗi ngày.
Trao đổi với phóng viên, bà S. cho biết trạm thu mua sữa nguyên liệu trên địa bàn đã ngưng nhận sản phẩm của gia đình hơn 10 ngày nay. Phía công ty cho biết gia đình có 2 tuần để cải thiện đàn bò rồi mới tiếp tục mua.
“Buổi chiều, con trai tôi đi giao sữa thì trạm thông báo do hàm lượng Soma vượt quá quy định trong 2 tuần liên tục nên công ty sẽ ngưng không nhận nữa. Thử hỏi, mới vừa thông báo đó, mà đến sáng lại không nhận thì nhà tôi phải giải quyết như thế nào cho hết gần một tấn sữa mỗi tuần. Không lẽ phải mang đi đổ”, bà chua chát.
Kể từ hôm đó, cả nhà bà Sáu phải “quáng quàng” tìm nơi tiêu thụ sữa cho chục con bò. Một phần, bà bán cho các hộ nuôi bê, hay bò ốm uống. Phần còn lại, bà gửi người thân đi bán ở các cơ sở thu mua khác. Loay hoay, chật vật tự tìm đầu ra khi trạm đột ngột dừng mua nhưng gia đình bà vẫn không sao xoay sở nổi.
“Trong chuồng có 4 con sắp sinh nên vợ chồng tôi không biết phải tính sao đành bấm bụng bán đi 3 con bò đang cho sữa. Phải nuôi hơn 2 năm trời mới đến ngày lấy sữa, giờ phải bán hơn 20 triệu/con. Mấy năm trước, khi được giá, bò sữa cũng phải hơn 40 triệu/con, giờ bán với giá đó là coi như bỏ hết công sức nuôi, đó là chưa kể sữa bò cho ra hiện tại”, bà nói trong tức tưởi.
Trường hợp chăn nuôi thua lỗ đến nỗi phải bán bò vốn không hiếm tại xã Tân Thông Hội. Tuy nhiên, gia đình bà Sáu lại rất đặc biệt khi đành lòng bán đi cùng lúc 4 con đang cho sữa. Nhiều người xung quanh xuýt xoa tiếc nuối nhưng cũng không dám mua lại bởi… không muốn rước họa vào thân.
Dân làm sao có lời nổi!
Cũng nhận được thông báo “sét đánh” tạm ngưng mua sữa từ trạm thu, mấy ngày nay, cả gia đình ông Trần Văn C. ai nấy thất thần. Bước ra từ một cửa hàng bán thức ăn gia súc gần nhà, vợ ông C. thở dài vì phải mua thiếu.
Giá sữa nguyên liệu từ 7.000-14.000/kg, nông dân cho rằng mức chênh lệch quá cao. Ảnh: P.M.
“Bình thường, chúng tôi bán sữa và lấy thức ăn gia súc tại trạm thu mua. Cuối tuần nhận tiền sẽ trừ lại chi phí. Giờ tạm ngưng rồi, họ cũng ngưng cung cấp cám ngay. Cứ thế này, nhà tôi phải mua chịu bên ngoài, khi nào có tiền rồi tính tiếp”, bà nói và cho biết thậm chí khi thấy sữa vừa giảm chất lượng là trạm cũng ngưng tạm ứng cám ngay.
Mấy ngày qua, gia đình ông C. đành “chữa cháy” bằng cách bán cho những người làm sữa chua. Giá họ mua là 8.000 đồng/ký nhưng không thể nào thu hết lượng sữa trong bầy hơn chục con của hộ này.
“Hai tuần nuôi chờ cải thiện thì không biết lấy đâu tiền mua cám, mua cỏ, rồi lượng sữa bò cho ra chúng tôi biết đem đi đâu cho hết”, bà than.
Nhiều nông dân cho biết, lý do một công ty từ chối thu mua bởi cho rằng, sữa nguyên liệu mà họ cung cấp không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Sau khi nhận sữa, các trạm sẽ kiểm tra hàm lượng chất khô, béo và tế bào Soma (tế bào Soma cao khi bò bị nhiễm trùng phía trong tuyến vú làm chất lượng sữa giảm). Tùy vào các chỉ số này, giá sữa sẽ dao động từ 7.000-14.000 đồng/kg.
“Nếu hộ nào bị tính 2 tuần liên tiếp giá 7.000 đồng/kg thì công ty sẽ tạm ngưng nhận sữa, 2 tuần tiếp theo, hộ phải tự cải thiện đàn bò. Sau đó, trạm sẽ nhận lại, nhưng nếu tiếp tục không đạt chất lượng, tức ở mức 7.000 đồng/kg thì bị cắt vĩnh viễn hợp đồng”, ông T.T.P. (một nông dân với gần 20 năm nuôi bò) thông tin.
Ông P. cũng cho biết thêm quy định này đã có trong hợp đồng, buộc các hộ tham gia phải chấp nhận.
Tuy nhiên, ông cảm thấy mức giá chênh lệch này quá cao, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của nông dân.
“Trước đây, cũng có quy định về chênh lệch giá nhưng chỉ 200 đồng/kg. Từ khi giá mới được áp dụng, nông dân chúng tôi ai cũng lao đao vì giá hiếm khi được tối đa, mà chủ yếu từ 8.000-10.000 đồng nên toàn lỗ vốn chứ làm sao mà lời nổi”, ông P. nói.
Phúc Minh (Zing)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.