Giá cà phê 5/9: Còn nguyên mối lo này, Robusta tiếp đà tăng, cà phê trong nước sát ngưỡng 67.000 đồng/kg

Nguyễn Phương Thứ ba, ngày 05/09/2023 12:20 PM (GMT+7)
Giá cà phê hôm nay 5/9: Thị trường cà phê Robusta – London vẫn còn nguyên mối lo thiếu hụt nguồn cung, kéo giá cà phê Robusta tiếp đà tăng. Giá cà phê trong nước hôm nay giao dịch ở 65.800 – 66.700 đồng/kg, nhích nhẹ 100 đồng/kg...
Bình luận 0

Giá cà phê hôm nay 5/9: Tăng nhẹ 100 đồng/kg trên diện rộng

Kết thúc phiên giao dịch một mình đầu tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London điều chỉnh tăng. Kỳ hạn giao tháng 11 tăng 1 USD, lên 2.483 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 1/2024 tăng 8 USD, lên 2.391 USD/tấn, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch rất thấp, hiếm thấy.

Trong khi đó, giá cà phê Arabica không thay đổi, do thị trường New York đóng cửa cả ngày, nghỉ Ngày Lễ Lao động (Labor Day) ở Bắc Mỹ, không giao dịch.

Giá cà phê 5/9: Còn nguyên mối lo này, Robusta tiếp đà tăng  - Ảnh 1.

Giá cà phê trực tuyến sàn London, New York, BMF Cập nhật: 05/09/2023 lúc 11:54:01 (delay 10 phút)

Giá cà phê 5/9: Còn nguyên mối lo này, Robusta tiếp đà tăng  - Ảnh 2.

Giá cà phê trực tuyến sàn London, New York, BMF Cập nhật: 05/09/2023 lúc 11:54:01 (delay 10 phút)

Giá cà phê 5/9: Còn nguyên mối lo này, Robusta tiếp đà tăng  - Ảnh 3.

Giá cà phê hôm nay 5/9: Thị trường Robusta – London vẫn còn nguyên mối lo thiếu hụt nguồn cung, kéo giá cà phê Robusta tiếp đà tăng.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay tăng 100 đồng, lên dao động trong khung 65.800 - 66.700 đồng/kg. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng có giá thấp nhất là 65.800 đồng/kg. Tiếp đến là tỉnh Gia Lai với 66.100 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Đắk Lắk có giá thu mua là 66.500 đồng/kg. Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 66.700 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được khảo sát.

Thị trường Robusta – London giao dịch một mình với khối lượng rất thấp do ảnh hưởng kỳ nghỉ ở New York nên biên độ dao động tỏ ra khá ổn định.

Đồng Reais tăng nhẹ 0,09%, tỷ giá lên ở mức 1 USD = 9348 R$ tiếp tục hỗ trợ người Brazil đẩy mạnh bán cà phê xuất khẩu.

Hầu hết giá cả hàng hóa điều chỉnh tăng do kỳ vọng Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất. Thanh khoản toàn cầu giảm, thông tin tích cực hơn ở Trung Quốc đã mang lại lợi ích cho tài sản rủi ro.

Tác động của hiện tượng thời tiết El Nino đối với việc ra hoa cà phê vụ mới tại Brazil sẽ là mối quan tâm cho các thị trường cà phê vào lúc này.

Báo cáo dữ liệu sơ bộ của Chính phủ Brazil cho thấy xuất khẩu cà phê hạt trong tháng 8 đạt tổng cộng 3,29 triệu bao, tăng 41,16% so với cùng kỳ năm trước, chứng tỏ lượng hàng cà phê Arabica tại nhà sản xuất này hiện rất dồi dào.

Nhận định về thị trường thời gian tới của Rabobank cho thấy, lạm phát vẫn kiềm chế sức mua tại Mỹ và châu Âu. Cán cân cung cầu dự báo cân bằng trong niên vụ sau do nhu cầu giảm tại các nước tiêu thụ, trong khi sản lượng được dự báo cũng giảm đi tại Việt Nam (29 triệu bao) và Colombia (12,6 triệu bao). Thời tiết tại hai nước này cũng không mấy thuận lợi.

Tồn kho robusta trên sàn London tính đến ngày 1/9 đã giảm thêm 450 tấn, tương đương 1,32 % so với một tuần trước đó, xuống đăng ký ở mức 33.630 tấn (khoảng 560.500 bao, loại 60kg), tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016.

Giải pháp hạn chế rụng trái non cây cà phê

Sau ra hoa, đậu quả, cây cà phê bước vào giai đoạn nuôi quả trong mùa mưa. Vào tháng 6, 7 hiện tượng rụng trái non trên cây cà phê xảy ra.

Nguyên nhân khách quan gây rụng trái non

Rụng trái non sinh lý: Đây là hiện tượng tự nhiên của cây cà phê, thông thường tỷ lệ đậu quả càng cao, số trái/chùm nhiều (40 – 50 trái) thì tỷ lệ rụng trái có xu hướng càng cao. Các giống cà phê khác nhau tỷ lệ rụng trái sinh lý cũng khác nhau. Thể trạng cây yếu thì tỷ lệ rụng trái nhiều hơn.

Rụng trái non do yếu tố thời tiết: Mưa dầm dài ngày, trời âm u, độ ẩm trong đất cao làm hệ thống rễ thiếu oxy để hô hấp, hấp thu dinh dưỡng cây cà phê không cung cấp kịp thời để nuôi quả cùng với quá trình quang hợp của cây bị hạn chế do thiếu ánh sáng đã làm cho quá trình sinh lý, sinh hóa trong cây bị ảnh hưởng nên xảy ra tình trạng rụng trái non trên cây cà phê.

Nắng hạn kéo dài, độ ẩm đất bị suy giảm dẫn đến tình trạng hệ thống rễ cây không thể hấp thu được dinh dưỡng (do thiếu nước cục bộ) cũng làm cho cây cà phê bị rụng trái non.

Sâu bệnh hại: Trong mùa mưa, nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại làm gia tăng tỷ lệ rụng trái non trên cây cà phê như bệnh vàng lá thối rễ, bệnh nấm hồng, thán thư, rệp sáp hại rễ…

Nguyên nhân chủ quan gây rụng trái non

Quản lý dinh dưỡng trên vườn cà phê chưa phù hợp, thiếu khoa học,  trong đó đáng chú ý là việc bón phân cho cây cà phê mất cân đối giữa các chất dinh dưỡng đa, trung và vi lượng; kỹ thuật bón phân chưa đảm bảo, dẫn đến tình trạng tăng tỷ lệ rụng trái non do lượng dinh dưỡng cung cấp cho cây bị thiếu và mất cân đối. 

Quản lý cắt tỉa cành, tỉa chồi vượt chưa tốt, không kịp thời cũng góp phần làm tăng tỷ lệ rụng trái non trên cây cà phê. Việc không quan tâm đến tỉa cành, tỉa chồi vượt kịp thời, đặc biệt là giai đoạn tháng 7, 8 sẽ làm cho cây cà phê um tùm cành lá, là nơi trú ngụ của các loại sâu gây hại, là điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát triển tấn công.

Cây cà phê có quá nhiều cành thứ cấp, chồi vượt sẽ cạnh tranh dưỡng chất với trái cà phê, từ đó làm cho trái cà phê không đủ dinh dưỡng để tăng trưởng, vì vậy việc rụng trái là vấn đề đương nhiên xảy ra nhằm điều chỉnh số lượng trái/chùm tương ứng với lượng dinh dưỡng mà cây có thể cung cấp.

Các giải pháp hạn chế rụng trái non trên cây cà phê

Bón phân cân đối, hợp lý nhằm cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng đa, trung và vi lượng theo từng giai đoạn và mức năng suất của vườn cà phê là giải pháp quan trọng hàng đầu trong việc hạn chế tỷ lệ rụng trái non trên cây cà phê.

Sử dụng phân bón vô cơ kết hợp với phân hữu cơ là giải pháp quản lý dinh dưỡng phù hợp trong bối cảnh hiện nay, không những góp phần cải thiện độ phì nhiêu đất, hạn chế thất thoát dinh dưỡng, tăng hệ số sử dụng phân bón, tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm thiểu khí phát thải nhà kính mà còn giúp cây cà phê sinh trưởng khỏe, năng suất cao và ổn định.

Để đảm bảo cung cấp được lượng dinh dưỡng cân đối, đầy đủ nhằm hạn chế rụng trái non trên cây cà phê, bà con cần lưu ý sử dụng các loại phân bón chuyên dùng theo giai đoạn như Đầu Trâu tăng trưởng cho cho cà phê đầu mùa mưa; giai đoạn giữa và cuối mùa mưa bón phân Đầu Trâu chắc hạt. Hoặc có thể sử dụng các loại phân bón NPK có tỷ lệ đạm, lân cao hơn so với kali cho cà phê đầu mùa mưa như NPK 16-16-8+S+TE, 16-16-13, 18-12-8, 19-16-8…..; sử dụng các loại phân bón NPK có tỷ lệ đạm và kali cao hơn lân để bón cho cà phê vào giữa và cuối mùa mưa như 16-8-16+S+TE, 16-8-18+S+TE, 16-7-17+S+TE, 15-8-18+TE….

Trường hợp vườn cà phê có triệu chứng thiếu vi lượng kẽm (Zn), bo (B), cần bón bổ sung thêm 25 – 30kg kẽm sun phát hoặc 10 – 15kg borax. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem