Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều sụt giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm 45 USD, xuống 2.576 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 giảm 39 USD, còn 2.436 USD/ tấn, các mức giảm khá mạnh. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm 1,05 cent, xuống 159,85 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 giảm 0,75 cent, còn 159,30 cent/lb, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Phân tích kỹ thuật trên sàn Robusta, các chỉ số kỹ thuật đang cho tín hiệu trung tính, xu hướng giá chưa rõ nét.
Dự kiến trong ngắn hạn, giá cà phê Robusta giằng co tích lũy trong biên độ 2600 – 2650. Giá Robusta cần tăng vượt mức 2552 và duy trì trên mức giá này để tìm cơ hội tăng tiếp. Ngược lại, cần lưu ý vùng giá 2585 – 2590, nếu xuống dưới vùng này cà phê Robusta có thể thiết lập xu hướng giảm trở lại.
Trên thị trường Arabica, các chỉ số kỹ thuật đều cho tín hiệu trung tính xu hướng giá chưa rõ nét. Dự kiến trong ngắn hạn giá có thể giằng co tích lũy trong biên độ 156,5 – 164,5.
Giá cà phê Arabica cần vượt qua mức 162,40 và duy trì trên mức này thì mới có cơ hội tăng giá phục hồi. Tuy nhiên, nếu giá cà phê Arabica để mất vùng giá hỗ trợ gần 159 – 159,5 thì khả năng xu hướng giảm có thể được thiết lập.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay giảm 700 đồng, xuống dao động trong khung 65.700 - 66.100 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng duy trì mức giá thấp nhất là 65.700 đồng/kg, giảm 600 đồng/kg. Kế đến là tỉnh Gia Lai với giá 65.800 đồng/kg, giảm 600 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Đắk Lắk có giá thu mua là 66.000 đồng/kg, giảm 700 đồng/kg. Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 66.100 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được khảo sát, sau khi giảm 700 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta đảo chiều sụt giảm sau phiên tăng quá nóng trước đó không ngoài thị trường suy đoán như là sự tất yếu. Góp phần vào sự sụt giảm của giá cà phê còn do áp lực bán hàng vụ mới từ Brazil - nhà sản xuất và xuất khẩu lớn nhất thế giới là điều không thể tránh được. Tuy nhiên, đà giảm đã dịu bớt phần nào từ mối lo thiếu hụt nguồn cung và báo cáo dự báo sản lượng cà phê Việt Nam trong vụ thu hoạch cuối năm nay sẽ giảm xấp xỉ 10% của Hiệp hội Cà phê – Cao Việt Nam (Vicofa).
Thông tin thời tiết khô ráo, thuận lợi đã hỗ trợ người Brazil đẩy mạnh thu hoạch Conilon Robusta vụ mới bước vào giai đoạn cuối và vụ Arabica vào thu hoạch cao điểm, kết hợp với USDX sụt giảm là nguyên nhân chính để các sàn cà phê phái sinh quay trở lại xu hướng suy yếu, cho dù báo cáo tồn kho ICE – London hôm qua, thứ hai ngày 10/7 đã giảm thêm 3.020 tấn, xuống đứng ở 56.860 tấn, mức thấp hơn 1 năm.
Liên đoàn Cà phê Quốc gia (FNC) ở Colombia vừa báo cáo sản lượng cà phê Arabica chế biến ướt chất lượng cao trong tháng 6 đã tăng 0,53% so với cùng kỳ năm trước, lên đạt 956.000 bao. Tuy nhiên, lũy kế sản lượng 9 tháng đầu tiên của niên vụ cà phê hiện tại 2022/2023 chỉ đạt tổng cộng 7.949.000 bao, giảm 14,79% so với cùng kỳ niên vụ trước do thời tiết bất lợi.
FNC – Colombia cũng đã báo cáo xuất khẩu cà phê trong tháng 6 chỉ đạt 748.000 bao, giảm mạnh tới 20,34% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, lũy kế xuất khẩu trong 9 tháng đầu niên vụ hiện tại 2022/2023 chỉ đạt 7.808.000 bao, giảm 16,76% so với cùng kỳ niên vụ trước, đã góp phần hỗ trợ đà giảm trên sàn Arabica New York bị chững lại lúc cuối phiên.
Trước đó, Hiệp hộị Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) dự báo sản lượng cà phê Việt Nam trong vụ thu hoạch cuối năm nay sẽ giảm khoảng 10%. Các đại lý cho biết các quỹ đã mở rộng vị thế bán cà phê Arabica do vụ thu hoạch tại Brazil - nhà sản xuất hàng đầu thế giới tiếp tục tiến triển tốt.
Xuất khẩu cà phê Robusta Sumatra của Indonesia trong tháng 5/2023 đạt 13.618,1 tấn, tăng 13,03% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 87,22% so với lượng xuất khẩu trong tháng 4/2023 (7.273,8 tấn).
ICO dự báo nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022/23 vào khoảng 171,3 triệu bao trong khi tiêu thụ ở mức 178,5 triệu bao, với dự báo này thị trường cà phê thế giới vẫn có thể thâm hụt 7,3 triệu bao trong niên vụ hiện tại.
Sản lượng cà phê Arabica toàn cầu được dự kiến tăng 4,6% lên 98,6 triệu bao trong niên vụ 2022/23 và sản lượng Robusta dự kiến giảm 2,1% xuống còn 72,7 triệu bao.
Thực tế, sau phiên bật tăng hơn 4% vào cuối tuần trước, giá Robusta mở đầu tuần này với mức giảm gần 2%. Tiến độ thu hoạch cà phê tích cực tại Brazil giúp nông dân nước này mạnh dạn hơn trong việc đẩy mạnh bán hàng, từ đó giảm bớt lo ngại khan hiếm nguồn cung trên thị trường.
Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE) cho biết, Brazil đã vận chuyển 34.485 bao cà phê Robusta loại 60kg trong 7 ngày đầu tháng 07, cao hơn so với mức 15.792 bao trong cùng kỳ tháng trước.
Theo sát diễn biến giá Robusta, cà phê Arabica cũng giảm 0,65% so với tham chiếu. Sản lượng cà phê gia tăng trong tháng 6 tại Colombia góp phần gia tăng nguồn cung cho thị trường.
FNC cho biết, Colombia đã sản xuất 956.000 bao cà phê Arabica đã rửa sạch loại 60kg trong tháng 6, tăng nhẹ 1% so với sản lượng cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 18,6% so với sản lượng tháng 05. Sản lượng gia tăng là tín hiệu tích cực cho hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới.
Cà phê robusta gia tăng thị phần
Số liệu của ICO cho thấy, xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt tổng cộng 10,7 triệu bao trong tháng 5, tăng nhẹ 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tính chung 8 tháng đầu niên vụ 2022-2023 (tháng10/2022 đến tháng 5/2023) xuất khẩu cà phê toàn cầu vẫn giảm 5,1% so với niên vụ 2021-2022, đạt 83 triệu bao.
Xét về chủng loại, cà phê nhân xanh chiếm đến 89% tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 5 với 9,5 triệu bao, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, đây đã là tháng sụt giảm thứ 6 liên tiếp của xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu kể từ đầu niên vụ 2022-2023.
Do đó, luỹ kế trong 8 tháng đầu niên vụ 2022-2023 xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu đã giảm 5,6% (4,41 triệu bao) so với cùng kỳ vụ trước, chỉ đạt 74,6 triệu bao.
Trong đó, xuất khẩu nhóm cà phê nhân xanh Arabica Brazil giảm 14,8% trong tháng 5 và giảm 9,8% sau 8 tháng đầu niên vụ, đạt 25,9 triệu bao.
Xuất khẩu nhóm cà phê nhân xanh Arabica Colombia trong tháng 5 cũng giảm 7,2% so với cùng kỳ xuống còn 0,9 triệu bao. Đánh dấu tháng sụt giảm thứ 11 liên tiếp của nhóm cà phê này. Luỹ kế trong 8 tháng đầu niên vụ hiện tại, xuất khẩu cà phê Arabica Colombia đã giảm tới 14,1% xuống chỉ còn 7,3 triệu bao.
Xuất khẩu nhóm cà phê Arabica khác lại đang cho thấy sự phục hồi khi tăng tháng thứ hai liên tiếp, với mức tăng 8,7% trong tháng 5 lên 2,6 triệu bao. Mặc dù vậy, khối lượng xuất khẩu của nhóm cà phê này vẫn giảm tới 10,5% trong 8 tháng đầu niên vụ 2022-2023 xuống 13,8 triệu bao.
Trái ngược với Arabica, xuất khẩu cà phê Robusta tăng 6,8% trong tháng 5 lên 3,6 triệu bao. Luỹ kế sau 8 tháng đầu niên vụ 2022-2023, đã có tổng cộng 30,1 triệu bao Robusta được xuất khẩu so với 29,2 triệu bao của cùng kỳ niên vụ 2021-2022.
Tỷ trọng của cà phê Robusta trong tổng xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu theo đó đã tăng lên mức 40,4% từ 37% của cùng kỳ niên vụ trước và là mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong khi tỷ trọng cà phê Arabica giảm xuống chỉ còn 59,6% so với 63% của cùng kỳ.
Trong khi đó, xuất khẩu cà phê hòa tan trong tháng 5 bất ngờ tăng mạnh 24,6% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1,1 triệu bao. Tổng cộng 8 tháng đầu niên vụ 2022-2023, đã có 7,9 triệu bao cà phê hòa tan đã được xuất khẩu trên toàn cầu, giảm 0,4% so với cùng kỳ niên vụ cà phê trước.
Tỷ trọng của cà phê hòa tan trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu tăng lên mức 9,6% từ 9% của cùng kỳ 2021-2022. Brazil nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất thế giới đã vận chuyển 0,3 triệu bao vào tháng 5.
Xuất khẩu cà phê đã rang sau khi tăng vào tháng trước đã giảm 4,8% trong tháng 5 xuống 72.925 bao. Lũy kế từ đầu niên vụ cà phê 2022-2023 đến nay đã có 0,48 triệu bao cà phê hoà tan được xuất khẩu trên toàn cầu, giảm so với 0,52 triệu bao cùng kỳ.
Tổng cục Thống kê cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 1,02 triệu tấn cà phê trị giá hơn 2,4 tỷ USD (giảm 2,2% về lượng nhưng lại tăng 3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022). Đây là mức kim ngạch xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm cao nhất trong vòng 10 năm qua của Việt Nam.
Các chuyên gia nhận định, có khả năng năm 2023 sẽ là năm tiếp theo Việt Nam đạt mức kim ngạch 4 tỷ USD xuất khẩu cà phê (sau khi ghi nhận kỷ lục 4,06 tỷ USD vào năm 2022).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.