Giá cà phê giữ đà tăng, làm thế nào phòng trừ rệp trên cà phê?
Giá cà phê hôm nay tại Đắk Lắk giữ đà tăng, làm thế nào phòng trừ các loại rệp trên cà phê?
Duy Hậu
Thứ ba, ngày 22/03/2022 14:49 PM (GMT+7)
Giá cà phê hôm nay tại Đắk Lắk tiếp tục giữ đà tăng, chạm đến mốc 42 ngàn đồng/kg. Hiện giá cà phê Robusta tại Tây Nguyên được mua thấp nhất 41.300 đồng/kg. Trên cây cà phê thường xuất hiện mấy loài rệp, cách phòng trị thế nào?
Giá cà phê hôm nay tại Đắk Lắk tiếp tục đà tăng, vì sao?
Giá cà phê hôm nay tại Đắk Lắk tiếp tục giữ đà tăng. Với mức tăng nhẹ từ 100-200 đồng/kg, giá cà phê Robusta tại Đắk Lắk hôm nay được mua từ 41.900-42.000 đồng/kg.
Đây là ngày thứ 4 liên tiếp giá cà phê Robuta tại Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung diễn tiến theo chiều tích cực.
Tại các tỉnh Tây Nguyên còn lại, giá cà phê hôm nay cũng tăng nhẹ từ 100-200 đồng. Hiện cà phê Robusta được mua thấp nhất là 41.300 đồng/kg tại Lâm Đồng. Cao nhất 42.000 đồng tại Đắk Lắk.
Các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, giá cà phê Robusta xấp xỉ 42.000 đồng/kg.
Theo một số chuyên gia, nguyên nhân khiến giá cà phê tăng trong những ngày qua là nguồn cung trong dân bắt đầu khan hiếm.
"Tại Đắk Lắk, nơi có sản lượng cà phê lớn nhất cả nước, theo quan sát của chúng tôi, hiện người dân đã bán ra khoảng hơn 70% sản lượng cà phê trong niên vụ này. Nguồn cung bắt đầu giảm đã kéo giá cà phê nhích lên"- một lãnh đạo doanh nghiệp cà phê tại Đắk Lắk nhận định.
"Giá cà phê tăng thời điểm này rất ít nông dân được hưởng lợi. Bởi như chỗ tôi đây, trong 10 người thì có 7-8 người đã bán hết sạch cà phê. Nếu trước đây, nông dân ít bán cà phê ra ồ ạt thì năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh nên người dân bán ra khá nhanh"- ông Lê Văn Tiến (xã Cư Suê, huyện Cư M'gar, Đắk Lắk) nói.
Trên cây cà phê thường có mấy loại rệp, các phòng trị thế nào?
Rệp trên cây cà phê là một nỗi lo không nhỏ đối với nông dân. Theo các kỹ sư nông nghiệp, loài ký sinh trùng nhỏ bé này khi bùng phát có thể làm cây cà phê chết, giảm năng suất rất đáng kể, chất lượng cà phê cũng kém đi.
Kỹ sư nông nghiệp Lê Văn Định cho biết, trên cây cà phê thường xuất hiện 4 loại rệp. Đó là rệp muội, rệp vảy nâu, rệp vảy xanh và rệp sáp.
Các loại rệp này có đặc điểm chung là bám vào cành lá non, hút dịch làm cho cây cà phê kém phát triển, khô héo dần rồi chết. Đáng chú ý, riêng loài rệp sáp, chúng gây hại cả quả, lá và rễ cà phê.
Rệp muội có 2 loại đen và xanh. Chúng giống nhau về hình dáng, sinh sản nhanh. Loài rệp này gây hại quanh năm khi cà phê ra đọt non. Bà con có thể lập tức ngắt bỏ các cành có loài rệp này mới xuất hiện tiêu hủy để tránh lây lan.
Loài rệp vảy nâu thường gây hại vào mùa khô. Khi sinh ra, loài rệp này bám chặt vào cành lá và hút dịch cây làm cho cành lá kém phát triển. Rệp vảy xanh cũng bám dính vào lá và cành non để hút dịch cây.
Theo kỹ sư Định, đối với mỗi loài rệp sẽ có các loại thuốc hóa học riêng để trị. Tuy nhiên, để phòng trừ các loại rệp nói chung, vào mùa khô, nông dân có thể phun định kỳ (7 - 10 ngày một lần), một trong các loại thuốc sau như: Saimida 100SL, Secsaigon 25EC, Osago 80WG.
Khi phun, bà con có thể thể pha chung với dầu khoáng SK Enspray 99EC.
Cũng theo kỹ sư Định, hiện trên thị trường cũng có một số chế phẩm sinh học làm ức chế quá trình sinh trưởng của các loài rệp. So với việc sử dụng thuốc hóa học, chế phẩm sinh học an toàn và thân thiện với môi trường.
"Các chế phẩm sinh học thường không có tác dụng tức thì. Thường loại sản phẩm này chỉ làm ức chế quá trình phát triển của loài rệp khiến chúng không thể phát triển rồi chết.
Tuy nhiên, để có cách phòng trừ các loại rệp hiệu quả nhất, nông dân nên tư vấn cán bộ nông nghiệp tại địa phương. Vì điều kiện mỗi vườn cây sẽ không giống nhau nên phương pháp phòng trừ bệnh cũng có khác nhau mới đạt hiệu quả cao nhất"- kỹ sư Định nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.