Khốc liệt cà phê 2023

Phan Minh Thông - Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh Thứ ba, ngày 30/01/2024 18:15 PM (GMT+7)
Một năm ngành cà phê đầy thách thức, biến động bất ngờ nên tôi muốn ngồi xuống và viết lại để những năm sau mình và các cộng sự cũng như các bạn trẻ có cơ hội đọc và hình dung ra xem quá khứ đã diễn ra như thế nào…
Bình luận 0

LTS: Là nhà xuất khẩu cà phê trong top 4 tại Việt Nam, nhà xuất khẩu hạt tiêu số 1 vào thị trường châu Âu, anh Phan Minh Thông – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phúc Sinh – đã trải qua không ít thăng trầm khi lăn lộn trên thị trường nông sản thế giới. Với cái nhìn của người trong cuộc, anh Thông đã dành riêng cho Dân Việt bài viết về sự khốc liệt của ngành cà phê trong năm 2023.

Khốc liệt cà phê 2023- Ảnh 1.

Anh Phan Minh Thông - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phúc Sinh thăm vùng trồng cà phê tại Sơn La. Ảnh: Hoài Yến

Nhớ lại cuối năm 2022, ai làm ngành cà phê cũng mong một năm mới tươi sáng, giá cà phê lúc đó bắt đầu tốt lên. Sau những năm lẹt đẹt ở mức 1.200 – 1.400 USD/tấn thì giá cà phê thế giới đã tăng lên 1.900 – 2.000 USD/tấn. Ai cũng vui, người nông dân là vui nhất vì họ bán được giá tốt hơn rất nhiều.

Từ giá mơ ước là 34.000 đồng/kg cà phê xanh, giờ họ bán được 42.000 đồng/kg và sau đó 44.000 đồng/kg. Nguồn cung dồi dào và các doanh nghiệp chỉ sợ không có tiền mà mua thôi.

Việt Nam là nước sản xuất và cung cấp Robusta số 1 thế giới đã nhiều năm nay và cả thế giới quen với việc mua cà phê Robusta của Việt Nam với giá rẻ. Các nhà rang xay trên thế giới đã thay đổi công thức rang xay của họ với thành phần lớn là Robusta Việt Nam. Các hãng nổi tiếng của châu Âu và Mỹ bán cà phê giá tốt và rất tốt với chi phi đầu vào là Robusta giá rẻ từ Việt Nam.

Chính vì nguồn cung dồi dào và giá rẻ cho nên các nhà mua cà phê trên thế giới rất vui vẻ và họ coi như nguồn cung đó là vô tận.

Sau Tết âm lịch, nguồn cung vẫn dồi dào và giá cà phê tiếp tục có chút biến động, từ 42.000 đồng/kg tăng lên 48.000 đồng/kg. Phải nói là lần đầu tiên sau 15 năm, giá cà phê mới tăng lên mức này. Nông dân và các nhà cung cấp nhỏ bán ra ồ ạt với số lượng lớn và đến khi giá cà phê lên mức 50.000 đồng/kg thì gần như nông dân đã bán sạch bách. Các thương lái, nhà cung cấp nhỏ cũng bán sạch kho của họ.

Khốc liệt cà phê 2023- Ảnh 2.

Khung cảnh nhộp nhịp tại nhà máy cà phê Phúc Sinh ở Bình Dương trong những ngày chuẩn bị hàng hóa để xuất khẩu đi thị trường nước ngoài.

Đó là tháng 4/2023, khi giá cà phê lên 50.000 đồng/kg tất cả mọi người kinh doanh cà phê đều thấy đó là giá tốt như mơ và họ nghĩ, giá cà phê khó có thể lên hơn 50.000 đồng/kg. Lượng bán ra nhiều và lượng mua cũng lớn, vì vậy Việt Nam trong những tháng này xuất khẩu một lượng lớn cà phê và những người kinh doanh cà phê từ các kho, nhà cung cấp nhỏ lẻ đến nhà xuất khẩu lớn vẫn nghĩ cà phê còn nhiều.

Với mức giá 50.000 đồng/kg thì rất nhiều công ty lớn không muốn mua vì nghĩ quá đắt, so sánh những năm trước, giá cà phê chỉ có 34.000 đồng/kg và nhiều năm giá rẻ chỉ có 1.200 USD – 1.500 USD/tấn! Ấy vậy mà mà giờ lên 2.150 USD/tấn (tương đương 50.000 đồng/kg), sao mà chấp nhận được! Thế là họ mua cầm chừng.

Chẳng những nhà mua cà phê lớn nghĩ vậy mà các nhà traders lớn hay hầu hết nhà xuất khẩu của Việt Nam đều nghĩ còn nhiều cà phê. Và sau bao năm cà phê không có giá cao như vậy nên họ bán khống số lượng lớn. Ai cũng có một nhận định: Việt Nam làm sao hết cà phê được!

Nhưng sau tháng 5/2023, tình hình nguồn cung cà phê bắt đầu khan hiếm. Mua cà phê khó hơn rất nhiều. Tuy nhiên khi nói đến chuyện Việt Nam năm nay khan cà phê thì mọi nhà xuất khẩu đều không tin, các nhà rang xay cũng không tin. Họ không tin cũng dễ hiểu, bởi hàng chục năm qua, khi nông dân hay các nhà cung cấp tại vùng nguyên liệu nói mất mùa thì sản lượng xuất khẩu cũng không thay đổi lắm, và luôn mua được cà phê. Nếu nông dân không bán thì chỉ chờ 2, 3 ngày là lại mua được cà phê. Giá đó không mua được thì chỉ cần tăng lên 200.000 đồng/tấn là có thể mua được mà nếu tăng lên 500.000 đồng/tấn thì mua thoải mái, hàng ngàn tấn. Việt Nam sản xuất 1,7 triệu - 1,8 triệu tấn cà phê cơ mà!

Tuy nhiên năm nay không như vậy và bắt đầu từ giữa tháng 5/2023, giá cà phê tăng phi mã. Các nhà máy mua cà phê lúc này rất khó, liên tục đẩy giá lên mà mua được rất ít hàng. Nguồn cung không còn dồi dào mà các hợp đồng xuất khẩu hàng tháng thì vẫn còn nhiều như mọi khi.

Đến đầu tháng 6/2023, những người mua bắt đầu gây sức ép lên các nhà xuất khẩu và lúc này cả thị trường mới tá hỏa: Việt Nam không có cà phê. Và ai cũng hỏi tại sao Việt Nam lại không có cà phê?

Khốc liệt cà phê 2023- Ảnh 3.

Biến động thị trường cà phê trong nước năm 2023. Biểu đồ: Văn Sáng

Với những kinh nghiệm hàng chục năm kinh doanh cà phê, chúng tôi thấy rằng, khi hết cà phê, các nhà xuất khẩu vẫn đợi để vài ngày sau đó hoặc 1 tuần sau sẽ lại có cà phê, nhưng điều đó không xảy ra năm 2023.

Lần đầu tiên trong 25-30 năm qua, rất nhiều cuộc khảo sát về vùng nguyên liệu cà phê được tiến hành. Gần như các kho hàng cà phê trống rỗng, không có lấy một vài bao! Và bao nhiêu câu hỏi tại sao lại xảy ra chuyện này?

Các nhà mua bắt đầu gây sức ép lớn, họ căng thẳng khi các lời hứa sẽ giao cà phê đi vào hư vô vì sự thật có rất ít lô cà phê được giao. Họ cực kỳ sốt ruột. Họ gây sức ép đến các nhà xuất khẩu và bắt đầu các chuyến thăm viếng. Đầu tiên là các văn phòng đại diện các công ty cà phê nước ngoài tại Việt Nam: Họ đi thăm các kho trên vùng nguyên liệu, sau đó đến các văn phòng của công ty xuất khẩu đòi hàng. Tuy nhiên, họ chỉ nhận được câu trả lời là các nhà xuất khẩu sẽ cố gắng mua và giao.

Thực tế lượng mua rất ít và các nhà xuất khẩu cũng không giao được bao nhiêu. Thế là đến lượt công ty mẹ ở nước ngoài gây sức ép đến văn phòng Việt Nam. Rồi các nhà rang xay hay người mua ở nước ngoài hối thúc giao hàng. Nhưng tình hình cũng không khả quan, vì Việt Nam đã hết cà phê.

Lần đầu tiên sau hơn 20 năm làm nghề, chúng tôi thấy các giám đốc mua hàng, traders và nhà môi giới cà phê kiệt sức. Họ vật lộn với các sức ép từ sếp của họ và người mua mà họ đã ký hợp đồng.

Các nhà xuất khẩu cũng vật lộn không kém vì không có cà phê để mua, đồng nghĩa không có hàng để giao. Sau đó, các công ty mua cà phê bắt đầu đòi các nhà xuất khẩu bồi thường, rồi liên tục gây áp lực vì bản chất hợp đồng mua của họ cũng đã bán cho các công ty rang xay rồi. Từ tháng 7 đến tháng 10, các nhà xuất khẩu bị áp lực kinh khủng từ cả người mua lẫn các công ty cung cấp của mình. Ai cũng quay cuồng bởi không có cà phê thì không làm được gì.

Những người mua luôn quen với nguồn cung cấp vô tận robusta từ Việt Nam đã bay sang tận nơi để khảo sát và họ bị sốc khi đi khắp nơi từ cao nguyên tới thành phố đều thấy các kho cà phê trống rỗng.

Giải thích cho việc không có cà phê này, chúng ta hiểu rằng Việt Nam đã phát triển nhanh trong vòng 10 năm qua và bất động sản là một trong những lĩnh vực phát triển nhất. Mười năm qua, giá đất từ 200 - 300 triệu đồng ha thì giờ là 2 - 3 tỷ đồng/ha. Mỗi năm, dân cà phê bán một ít đất trồng thì 10 năm là số lượng lớn gộp lại, khiến diện tích trồng cà phê giảm đi nhiều.

Thứ 2, sau đại dịch Covid-19 thì ít người đi làm nông nghiệp, giá nhân công lại tăng và cuối cùng yếu tố thời tiết thay đổi cũng kéo theo biến động lớn về mùa màng. 3 yếu tố trên đã làm cho sản lượng cà phê giảm rõ rệt.

Qua cuộc khủng hoảng này, chúng ta cũng thấy các nhà xuất khẩu và nhà cung cấp cà phê rất khó khăn, họ bị áp lực dây chuyền từ các nhà mua cà phê lớn.

Khốc liệt cà phê 2023- Ảnh 4.

Tại các vùng nguyên liệu của mình, Công ty Cổ phần Phúc Sinh luôn chú trọng đầu tư kỹ thuật chăm sóc, đồng thời khuyến khích bà con thu hoạch cà phê đủ độ chín bằng cách trả giá thu mua cao hơn so với cà phê bị lẫn nhiều quả xanh. Ảnh: Hoài Yến

Và lúc này đang là tháng 1 năm 2024. Ngành cà phê tiếp tục có nhiều chuyện không ai ngờ tới. Khi khảo sát, mọi người đều đồng ý là năm nay 2023/2024 được mùa và lại theo một quy trình cũ: Tất cả các bên tham gia kinh doanh cà phê bắt đàu bán trước hàng trăm ngàn tấn. Từ giá 50.000 đồng/kg, nông dân, nhà cung cấp trên vùng nguyên liệu bán cà phê với số lượng lớn, rồi giá lên 52.000 đồng/kg và 54.000 đồng/kg. Tháng 9/2023, cà phê được chốt với giá 58.000 đồng/kg, giao hàng vào tháng 10 và đầu tháng 11.

Giá cà phê tăng liên tục đã sinh ra lòng tham lớn, nông dân không giao hàng cho thương lái chốt với mình. Thương lái nhiều người bán khống, không có hàng giao tiếp tục xù nhà kho, nhà xuất khẩu, đẩy ngành cà phê vào tình trạng hỗn loạn. Tại Tây Nguyên, đã có nhiều người phá sản, nhiều kho cà phê và công ty phá sản.

Ai cũng than không lấy được hàng, các công ty xuất khẩu mua cà phê trước có hàng ngàn, hàng chục ngàn tấn ký hợp đồng và có cọc tiền, nhưng các nhà cung cấp không giao hàng, đẩy tình trạng kinh doanh cà phê lên cực điểm khó khăn. Ngành cà phê nóng như lửa đốt, bao nhiêu công ty uy tín giờ khóa máy, không giao hàng và xù hợp đồng.

Điều này phá vỡ hệ thống kinh doanh ngành cà phê đã được xây dựng hàng chục năm. Sẽ có nhiều công ty cung cấp cà phê trên vùng nguyên liệu tiếp tục phá sản, kéo theo nhà xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, phá sản theo.

Và khi giá cà phê tăng cũng sẽ ảnh hưởng tới các nhà rang xay nhỏ lẻ. Ngành cà phê rang xay cũng cạnh tranh dữ dội, trong đó nhiều nhà rang xay tầm nhỏ và trung phải bán thấp để vào được siêu thị, hệ thống bán lẻ. Chi phí đầu vào tăng gấp đôi nhưng giá bán ra lại không tăng – đó chính là lúc sự kết thúc bắt đầu đối với ngành rang xay vừa và nhỏ. Ngành mà bao năm dựa vào cà phê giá rẻ robusta Việt Nam.

Khốc liệt cà phê 2023- Ảnh 5.

Anh Phan Minh Thông trò chuyện với nông dân trồng cà phê Sơn La. Ảnh: Hoài Yến

Cũng có những ý kiến nói rằng người nông dân tham lam, giá cà phê 78.000 đồng/kg rồi mà còn ôm không bán, thì phải nói rằng, ai cũng tham chứ không riêng nông dân. Hàng chục năm qua họ bán giá rẻ, chúng ta đương nhiên sử dụng và nghĩ nó là tự nhiên mà có. Nhưng đây là lúc chúng ta nhận thấy rằng không có gì mãi mãi đương nhiên. Họ có lý do để làm điều này và chúng ta phải chấp nhận để thay đổi kế hoạch kinh doanh của mình.

Tuy nhiên khi nhìn lại cả chặng đường 20 năm của ngành cà phê thì chúng ta thấy, các công ty rang xay và phân phối cà phê lớn trên thế giới đã tận dụng việc kiếm lợi nhuận khổng lồ từ cà phê giá rẻ Việt Nam. Sau khi kiếm lợi nhuận lớn hàng chục năm, họ còn bắt các nhà bán cho họ từ nhà xuất khẩu đến các traders phải cho họ thanh toán chậm từ 150 ngày đến 360 ngày. Nghe có vẻ buồn cười nhưng đó là sự thật 100%.

Họ lôi ngân hàng vào, và khi làm hợp đồng thì họ bắt các nhà xuất khẩu, traders chịu chi phí lãi suất trả chậm 150 ngày đến 360 ngày. Các công ty đa quốc gia sau khi đi rao giảng về bền vững con người như thế này thế kia, thì họ được ưu đãi thuế lớn và giờ lại ép các nhà bán cho họ trả chậm cả nửa năm đến 1 năm. Cả người mua lớn ở ngành gia vị cũng vậy, hạt tiêu là một trong số đó. Đã siêu giàu, với cách làm ăn đó, họ lại siêu giàu hơn!

Trong chuyện giao hàng cũng vậy. Khi mùa màng bội thu và nhu cầu tiêu thụ kém, họ sẵn sàng ép các nhà xuất khẩu giao trễ dù nhà xuất khẩu đã mua đầy kho. Họ ép giao trễ cho họ từ 3 tháng đến cả năm trời. Nếu cứ giao, họ sẽ không thanh toán và nói khó là kho họ đầy, người tiêu dùng xứ họ đang giảm chi tiêu. Nhưng khi xảy ra chuyện ngược lại, nếu họ cần hàng thì họ thúc bách chúng ta khủng khiếp.

Kinh doanh vốn đã khó, giờ còn khó hơn bao giờ hết. Các công ty xuất khẩu chả làm được gì cả ngoài việc chấp nhận và không có bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên cuộc sống luôn có lý do riêng của nó. Sau năm 2023, các nhà mua nhận ra rằng Robusta Việt Nam không còn vô tận, họ phải thực sự quan tâm đến Việt Nam – nơi sản xuất cà phê. Và câu trả lời là để phát triển lâu dài bền vững ngành cà phê, chúng ta cả người mua và người bán phải thực sự quan tâm đến cà phê, người trồng cà phê và diện tích trồng. Các công ty cà phê lớn trên thế giới bớt tham lam, cùng chung tay với nhà xuất khẩu và nông dân trồng cà phê thì mới có thể phát triển bền vững ngành này.

Khốc liệt cà phê 2023- Ảnh 6.

Đến nay, Công ty Cổ phần Phúc Sinh đã xây dựng được vùng trồng cà phê bền vững tại Sơn La, cũng như liên kết với hàng nghìn hộ nông dân tại khu vực Tây Nguyên để sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn quốc tế như Rainforest Alliance (RA) hay British Retail (BRC)... Ảnh: Hoài Yến

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem