Giá thép tăng kỷ lục, bất động sản cũng tăng giá 'chạy' theo
Giá căn hộ có thể tăng từ 30 triệu lên 37 triệu đồng/m2 do giá thép tăng kỷ lục
Minh Khôi
Thứ sáu, ngày 11/06/2021 06:15 AM (GMT+7)
Giá thép tăng mạnh sẽ tạo sức ép tăng giá nhà, gây khó khăn cho việc thực hiện chính sách phát triển nhà ở và tạo áp lực đè nặng lên vai người dân, doanh nghiệp...
Từ cuối năm 2020, thị trường vật liệu xây dựng liên tục trải qua những đợt "sốt" giá. Đơn cử, giá thép liên tục tăng "theo phương thẳng đứng", đạt mức cao kỷ lục tại thị trường trong nước. Giá thép xây dựng hiện giao động từ 17.600 – 18.000 đồng/kg, cao hơn xấp xỉ 48% so với thời điểm cuối quý 3/2020.
Theo dự đoán của các chuyên gia và các chủ đầu tư, chu kỳ tăng giá thép sẽ còn tiếp tục cho đến cuối 2021, điều này chắc chắn sẽ tác động lên giá thành sản phẩm bất động sản trong tương lai.
Cụ thể, trong dự toán xây dựng của một công trình, chi phí nguyên vật liệu thường chiếm 40-70%, do đó, nếu tính riêng sự thay đổi giá của 5 loại vật liệu chính yếu gồm xi măng, thép xây dựng, đá, cát, gạch thì tổng chi phí xây dựng đã tăng từ 1,2 đến 1,4 lần.
Riêng sản phẩm sắt, thép xây dựng chiếm khoảng 30 - 35% chi phí xây dựng công trình, bởi vậy việc các loại vật liệu xây dựng tăng. Như vậy thì dự báo sản phẩm căn hộ, nhà ở tại các dự án bất động sản sẽ phải tăng thêm ít nhất từ 15 - 20% để đảm bảo lợi nhuận.
Ví dụ, một căn hộ dự kiến được bán ra với mức giá 30 triệu đồng/m2, khi giá thép tăng sẽ kéo mức giá tăng theo lên 35-37 triệu đồng/m2, tương tự, căn hộ giá 50 triệu đồng/m2 sẽ tăng đến 62-63 triệu đồng/m2. Những sản phẩm giá thành càng cao thì mức tăng tương ứng cũng sẽ càng cao, chẳng hạn một căn biệt thự liền kề có giá 10 tỷ đồng, nếu tăng thêm 15% sẽ ở mức 11,5 tỷ đồng... Điều tương tự cũng sẽ xảy đến với các sản phẩm dự án nhà ở xã hội.
Việc giá thép kéo theo giá căn hộ tăng cao sẽ khiến nhiều người khó tiếp cận với giấc mơ sở hữu căn hộ cho riêng mình. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở chưa bao giờ hạ nhiệt, đặc biệt tại các thành phố "đất chật, người đông" như Hà Nội. Do vậy, việc tìm được những dự án có giá bán hợp lý đã khó nay lại càng khó hơn.
Chính phủ cần sớm kiểm soát
Theo nhìn nhận từ các chuyên gia, để giảm áp lực đè nặng lên vai người dân, doanh nghiệp, Chính phủ cần sớm có động thái can thiệp, kiểm soát và quản lý chặt chẽ giá cả thị trường. Nếu tiếp tục để giá vật liệu leo thang như hiện nay thì không chỉ doanh nghiệp có nguy cơ phá sản mà người dân cũng vô cùng khốn đốn.
Vì vậy, Chính phủ cần sớm đưa ra biện pháp bảo vệ và "giải cứu" các nhà thầu xây dựng, đối với dự án đầu tư bằng vốn ngân sách, sở xây dựng các địa phương cần cập nhật kịp thời biến động giá để nhà thầu có cơ sở áp dụng.
Ngoài ra, Chính phủ cần sớm chỉ đạo các Bộ ngành liên quan kiểm tra, xác minh và xử lý triệt để nguyên nhân làm giá vật liệu xây dựng trong nước, tăng cường biện pháp phòng hộ thương mại giúp doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trong nước nâng cao năng lực sản xuất, để cung ứng sản phẩm cho thị trường.
Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, thời gian quan các doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội vốn đã gặp nhiều khó khăn do vấn đề tín dụng, lãi suất vay xây dựng dự án phải chịu mức lãi của ngân hàng thương mại từ 9 - 10%/năm, điều đó đã khiến cho việc những sản phẩm nhà ở xã hội đã bị đẩy lên cao.
Tại TP.HCM, gần như không còn sản phẩm nhà ở giá thấp (dưới 25 triệu đồng/m2). Trong khi đó tại Hà Nội, các dự án nhà ở xã hội cũng được chào bán với mức 18 - 20 triệu đồng/m2, không còn những sản phẩm được bán với giá 13 - 15 triệu đồng/m2 như giai đoạn 2014 - 2016 có sự hỗ trợ của Chính phủ từ gói tài chính 30.000 tỷ đồng.
Cũng theo ông Châu, biến động giá vật liệu xây dựng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tăng giá của sản phẩm nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội. Vì chi phí của vật liệu xây dựng chiếm đến khoảng 60% tổng chi phí xây dựng một sản phẩm nhà ở tại dự án. Do đó, khi giá vật liệu xây dựng tăng, giá vật liệu xây dựng đương nhiên sẽ phải tăng theo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.