Gia cảnh bi thảm của người đàn ông liệt 2 chân, lở loét đến tận xương tủy

Thứ hai, ngày 29/04/2013 07:41 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đó là hoàn cảnh của anh Lê Lập, 42 tuổi, trú ở tổ 9, phường Thủy Lương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Hơn 5 năm nay, nỗi đau thể xác và tinh thần cứ giày vò người đàn ông khắc khổ ấy.
Bình luận 0

Hằng đêm anh thức trắng, đôi lúc bế tắc, anh nghĩ quẫn muốn tìm đến cái chết để giải thoát cho mình và bớt đi gánh nặng cho vợ con.

Chúng tôi tìm về phường Thủy Lương vào một buổi chiều giữa tháng 4, cái nắng chói chang đầu hạ ở mảnh đất cố đô khiến người ta cảm thấy ngột ngạt. Vô tình, chúng tôi hỏi đường đúng cụ Lê Thị Bền (72 tuổi) - mẹ anh Lập.

Vừa dẫn chúng tôi vào nhà, cụ Bền vừa nói: “Tội lắm mấy chú ơi. Đang yên đang lành bỗng nhiên tại họa lần lượt ập xuống. Con thì tai nạn bị liệt 2 chân. Không lâu sau đó, đứa cháu đích tôn cũng đột ngột ra đi vì bạo bệnh. Có lúc tôi ước mình có thể gánh hết tội thay cho tụi nó thì tốt biết mấy”.

 img
Anh Lê Lập cố gượng ngồi dậy để nói chuyện.

Đau thương dồn dập

Năm 1997, anh Lê Lập kết hôn với chị Nguyễn Thị Sương (SN 1975) ở cùng địa phương. Cuộc sống hai vợ chồng tuy thiếu thốn nhưng trong nhà luôn đầy ắp tiếng cười. Hằng ngày anh làm thợ nề, chị làm công việc lặt vặt ở nhà và chăm lo cho gia đình. Một năm sau, anh chị sinh được cháu Lê Tiến Đạt khỏe mạnh và rất kháu khỉnh. Thế nhưng, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang.

Năm 2007, trong một lần đamg làm ở độ cao 4 mét, tấm ván mục nơi anh đứng bị gãy khiến anh rơi xuống đất. Chị Sương tất tả đưa chồng vào Bệnh viện Trung ương Huế. Hai ngày sau, lúc tỉnh dậy, chưa kịp định thần anh đã đón nhận tin dữ từ bác sĩ, đôi chân anh tê liệt không còn khả năng vận động.

Lấy ống tay áo quệt ngang dòng nước mắt lăn dài trên gò má, anh Lập mếu máo: “Lúc đó, người tui như cái xác không hồn. Sự thật đau đớn và đến quá bất ngờ khiến tui muốn chạy trốn, muốn tìm đến cái chết nhưng còn đi đâu được với đôi chân tàn phế này nữa chứ”.

 img
Cụ Bền và nỗi lo cho gia cảnh đứa con trai bất hạnh.

Những vật dụng đáng giá trong nhà lần lượt đội nón ra đi theo những ngày anh nằm viện. Hết tiền, chị Sương đành nuốt nước mắt vào trong, đưa chồng về nhà phó mặc cho số phận. Dần dần, anh cũng lấy lại được tinh thần, chấp nhận sự thật để sống tiếp.

Nhìn vợ ngày càng gầy gò, xanh xao sau nhiều ngày thức khuya dậy sớm, anh Lập không khỏi chạnh lòng. “Nhiều lúc tôi muốn tìm đến cái chết để giải thoát cho mình, để giảm gánh nặng cho vợ con nhưng lại thấy thương đứa con còn quá nhỏ. Nó không có tội gì sao bắt nó phải chịu cảnh mồ côi.

Thương vợ bao nhiêu thì tui thấy mình vô dụng bấy nhiêu. Khi biết tui có ý định tử tự, cô ấy ôm tôi vào lòng và òa khóc: “Anh đi để lại một mình em với con thì làm sao em sống nổi, anh phải là chỗ dựa tinh thần cho mẹ con em chứ”. Những lúc đó, cổ họng tôi nghẹn lại, chỉ biết ôm chặt vợ và khóc”, anh Lập nghẹn ngào tâm sự.

Những tưởng sóng gió đã trôi qua, nào ngờ số phận khắc nghiệt không chịu buông tha cho gia đình đau khổ ấy. Đầu năm 2008, cháu Đạt mắc căn bệnh lạ, cứ ăn gì là ói nấy. Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế kết luận Đạt bị u não di căn giai đoạn cuối. Điều trị được hơn 3 tháng, Đạt ra đi để lại anh chị trong đau khổ và tuyệt vọng.

Thương đứa con rứt ruột sinh ra, anh ôm di ảnh con gào khóc bên bàn thờ hơn một tuần. “Anh ấy không ăn, không uống mấy ngày liền. Thương anh, tui chỉ biết ôm anh vào lòng mà khóc”, chị Sương nghẹn ngào chia sẻ.

Sau lần ấy, anh Lập suy sụp hẳn, ngày ngày chẳng nói năng, ánh mắt cứ hướng vào di ảnh người con quá cố. Nằm trên cái giường lót bằng mấy tấm ván nhỏ ghép lại, mỗi khi nhớ con anh lại gào khóc, lại lăn lết trên đó khiến phần hạ bộ của anh bị lở loét. Lúc đầu, chỉ là một lỗ nhỏ, nhưng về sau càng lan rộng dần ra thành những “hố” lớn khiến anh đau buốt, nhức nhối.

Những vết lở ăn sâu vào đến tận xương tủy. Chỗ tiếp xúc nhiều với mặt giường thì vết lở sâu gần 5cm, đường kính 7cm. Dù anh đã dùng bông để đắp lên nhưng ruồi nhặng cứ vo ve xung quanh. Trời nắng, hơi nóng từ những tấm lợp xi măng phả xuống khiến những vết lở chảy nước, loét rộng thêm ra.

Thuốc thang như cơm bữa nhưng cũng chẳng thấm vào đâu. Sự đau đớn cứ giày vò mảnh thân gầy gò, ốm yếu của anh. “Sống như thế này thì chết cho khỏe chứ sống làm gì hả chú. Muốn chết lắm nhưng cứ nghĩ đến vợ con cần mình làm chỗ dựa tinh thần, tui lại cố gượng mà sống tiếp”, anh Lập buồn rầu nói.

Gồng mình để sống

Tai ương liên tiếp ập xuống gia đình nhỏ bé của anh chị, ngay cả mảnh đất hương hỏa anh cũng phải bán để có tiền chữa trị cho con. “Mình đau thể xác một thì đau về tinh thần gấp mười. Mảnh đất là phần hương hỏa của ông nội tui để lại. Trước khi lâm chung, ba tui còn dặn, “dù thế nào cũng phải bám víu vào nó mà sống, tấc đất tấc vàng đó con”.

Nghĩ lại mà chua xót biết bao. Trước đây, khi chưa rơi vào cảnh bệnh tật, nợ nần, tui cũng đã có ý định sẽ gom góp để xây một ngôi nhà thật lớn trên mảnh đất đó cho cả gia đình nhưng bây giờ đó mãi chỉ là giấc mơ” - anh Lập xót xa.

Từ ngày anh đổ bệnh, bao vất vả đổ cả lên vai chị Sương. Chị trở thành lao động chính trong gia đình 4 miệng ăn và thuốc thang hằng ngày cho anh. Cụ Bền lau vội giọt nước mắt rỉ ra từ đôi mắt kèm nhèm: “May thay ông trời vẫn còn thương tình cho tui một nàng dâu ngoan ngoãn, đảm đang và chịu khó. Từ ngày thằng Lập bị nạn đến giờ, một mình nó lo toan tất cả, vừa đi làm kiếm tiền, vừa hết lòng chăm sóc cho chồng, cho con. Nghĩ mà tội cho nó, số phận thật trớ trêu”.

Cuộc sống hiện tại của gia đình anh Lập chỉ trông chờ vào khoản trợ cấp người tàn tật 360.000 đồng/tháng của Nhà nước và số tiền ít ỏi chị Sương làm thêm kiếm được. “Bữa rau, bữa cháo cho qua ngày đoạn tháng thôi chú. Tiền lo thuốc thang cho thằng Lập, tiền đóng học phí cho thằng cháu đang học lớp 5 cũng quá tải rồi”, cụ Bền chia sẻ.

Lúc chia tay anh, đứa con nhỏ của anh cứ níu chân chúng tôi lại mà không nói gì. Gặng hỏi mãi cháu mới thì thầm: “Mấy chú đừng để bố cháu ngủ dài như anh trai của cháu nhé, cháu sợ lắm!”. Câu nói thật ngây thơ và đáng thương của đứa trẻ khiến tôi cứ day dứt mãi trên suốt quãng đường về. Không biết rồi đây khi sức khỏe chị Sương ngày một yếu đi thì cuộc sống của gia đình anh chị sẽ trôi dạt về đâu?

Mọi sự giúp đỡ gia đình anh Lê Lập xin liên hệ với Tòa soạn báo Dòng Đời, 103 Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội - ĐT: 0438489821. Hoặc chuyển tiền trực tiếp vào TK đại diện của báo Dòng Đời: Huỳnh Tuyết Hoa, TK 001100 410 1740 Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) - ĐT: 0938381349. Báo Dòng Đời sẽ đăng tải công khai danh sách bạn đọc ủng hộ anh Lập.
Theo Dòng Dời

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem