Cũng ý kiến này cho rằng, Gia Cát Lượng là người được La Quán TRung "tô son, vẽ phấn nhiều nhất" so với các nhân vật khác. Những điều này đúng hay sai ?
“Không thành kế” của Khổng Minh: Dựng chuyện !
Ngay từ đời Tấn (sau Tam quốc) đã có người tôn sùng Gia Cát Lượng. Một người tên Quách Xung còn đưa ra “5 chuyện của Gia Cát Lượng mà đời chưa biết”, trong đó có "không thành kế".
Cả 5 chuyện do Quách Xung đưa ra đều bị Bùi Tùng Chi bác bỏ khi chú giải Tam quốc chí. Lí do quan trọng để Bùi Tùng Chi bác bỏ là khi Gia Cát Lượng đóng quân ở Dương Bình thì Tư Mã Ý đang làm đô đốc Kinh Châu, đóng quân tại thành Tiết Uyển, nghĩa là xa hàng ngàn dặm, hoàn toàn không thể điều quân chớp nhoáng đi đánh Gia Cát Lượng. Mà như vậy, thì làm gì có "không thành kế" ?
Nhưng câu chuyện do Quách Xung bịa ra quá hấp dẫn, nên Tam quốc diễn nghĩa gán cho Gia Cát Lượng và đưa luôn vào truyện, các vở hí kịch về đề tài Tam Quốc cũng đua nhau diễn tích này.
Ba chuyện thất - không - trảm là ba trích đoạn được công diễn liên tục, chưa khi nào vắng mặt trên sân khấu. Thất là “thất thủ Nhai Đình”; không là “tòa thành bỏ trống”, tức "không thành kế"; trảm là “giết Mã Tốc”.
Ba chuyện này cực hay, nhưng đó là hư cấu, không phải sự thực lịch sử và cũng không lôgic.
Thí dụ, ở chuyện "không thành kế", Tam quốc diễn nghĩa cho rằng Tư Mã Ý không dám tấn công là sợ có quân Thục mai phục. Vậy sao không cử một toán trinh sát xem thực hư thế nào? Có mai phục hay chỉ là nghi binh?
Hơn nữa, Tư Mã Ý trông thấy rất rõ Gia Cát Lượng tươi cười một mình ngồi trên địch lâu gảy đàn. Gần đến như thế, tại sao không sai một vài cung thủ bắn chết béng Gia Cát Lượng cho rồi như binh pháp đã dạy: “Bắt giặc, bắt tướng trước”. Tư Mã ý thuộc làu binh pháp, chẳng lẽ không biết điều này?
Mặt khác, theo lời Quách Xung, khi ấy Tư Mã Ý có 25 vạn quân, Gia Cát Lượng có 1,5 vạn. Theo "Tam quốc diễn nghĩa", khi ấy Tư Mã Ý có 15 vạn quân, Gia Cát Lượng chỉ có 2.500 quân. Với quân số áp đảo như thế, Tư Mã Ý còn sợ gì mai phục? Muốn thăm dò địch tình, tránh bị mai phục, chỉ cần bao vây 3 ngày là biết liền. Vậy sao lại rút quân? Chẳng có lí do nào khiến Tư Mã Ý phải bỏ chạy cả. Vì vậy, khi chú giải Tam quốc chí, Bùi Tùng Chi kết luận câu chuyện Quách Xung đưa ra là không có cơ sở.
Bùi Tùng Chi viết: “Nếu quả như lời Quách Xung nói, Tuyên Đế (Tư Mã Ý) có 25 vạn quân, lại biết Gia Cát Lượng không có thực lực, nếu nghi có quân mai phục, tất tính cách tấn công, cớ sao lại rút lui?”.
“Lửa thiêu Tân Dã” thực ra là kế của Lưu Bị
"Không thành kế" là phịa đã đành, "Lửa thiêu Tân dã" cũng bị biến tướng. Thực ra có chuyện này, nhưng đó là mưu hoả công của Lưu Bị (sách Hậu Hán thư viết: Tiên chủ - Lưu Bị ém quân mai phục, rồi đốt trại giả vờ bỏ chạy. Lũ Đôn đuổi theo đều bị đánh tan tác). Chuyện là thế chứ không phải là mưu của Gia Cát Lượng.
Lửa thiêu Xích Bích thì có, nhưng đó là công của Hoàng Cái - bộ tướng của Chu Du, không phải do Gia Cát Lượng bày mưu. Đến như mượn gió đông lại càng nực cười. Tắm gội sạch sẽ, mặc đạo bào, xõa tóc đi chân không, Gia Cát Lượng biến thành phù thủy (nhận xét của Lỗ Tấn). Chuyện “mượn gió đông” cũng phịa nốt.
Gia Cát Lượng không phải phù thủy, mà là người thực. Trần Thọ trong Dâng biểu (Gia Cát Lượng tập), miêu tả “Gia Cát Lượng mình cao 8 thước, mặt mũi khôi ngô”. 8 thước thời Hán bằng 5 thước 5 tấc bây giờ, tức cao 1,84 mét.
Khi ra khỏi lều tranh, Gia Cát Lượng mới 26 tuổi. Tam quốc diễn nghĩa nói Gia Cát Lượng râu dài chấm ngực. 26 tuổi làm sao râu đã dài chấm ngực, đạo bào chấm gót? Quạt lông khăn lượt thì có thể, nhưng đó là mốt của các danh sĩ đời Hán mạt, không phải trang phục đặc thù của Gia Cát Lượng.
Câu “Quạt lông khăn lượt (thư thái ung dung), nói cười đấy mà cường địch tan thành tro bụi” là chỉ Chu Du, không phải chỉ Gia Cát Lượng. Nếu như có chuyện mượn gió đông thì là Chu Du mượn, vì rằng dân Đông Ngô xưa nay vẫn bảo chính Chu Du mới là người “mượn gió đông”.
7 lần bắt Mạnh Hoạch: Thổi phồng
Thực ra, công lao lớn nhất của Gia Cát Lượng là tổ chức thành công liên minh Tôn - Lưu (Tôn Quyền - Lưu Bị). Ông đề xuất chính sách liên kết với Đông Ngô để chống Tào Tháo. Tào Tháo suy yếu thì thiên hạ chia ba. Và ông đích thân triển khai chính sách đó.
Từ góc độ này mà xét, Gia Cát Lượng là một nhà chính trị và ngoại giao kiệt xuất. Sử ít đề cập đến chuyện Gia Cát Lượng là một nhà quân sự, càng không phải là nhà quân sự lỗi lạc. Sử gia Miêu Việt trong lời nói đầu "Tam quốc chí tuyển chú" viết: “Về chuyện chinh phục phương nam của Gia Cát Lượng, e rằng có sự thổi phồng, thí dụ, bảy lần bắt bảy lần tha Mạnh Hoạch là không phù hợp tâm lý. Hơn nữa, Tam quốc diễn nghĩa viết: Từ sau khi thuần phục Mạnh Hoạch, người phương Nam từ đó không làm phản nữa, cũng không đúng với sự thực lịch sử”.
Theo nhiều tài liệu, Gia Cát Lượng cũng không liên tục giở độc chiêu như trong "Tam quốc diễn nghĩa" hoặc dân gian đồn thổi. Thích giở độc chiêu là Quách Gia. Còn Gia Cát Lượng thì “cực kỳ thận trọng” như các sử gia nhận xét hoặc ông tự nhận.
Có thể ví ông như Tiêu Hà. Ông không giống Trương Lương, Hàn Tín. Nhưng trong "Tam quốc diễn nghĩa" thì gộp cả Tiêu Hà, Trương Lương và Hàn Tín vào một Gia Cát Lượng, không những “ngồi trong màn trướng mà thắng ngoài ngàn dặm”, hơn nữa, Gia Cát Lượng còn như một nhà tiên tri, biết tuốt. Bất kể ai, hễ trong tay có “Cẩm nang” của Gia Cát Lượng, cứ theo lời dặn trong đó mà làm, thì đánh đâu thắng đó, chiếm đâu được đó. Các đại tướng của Lưu Bị như Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân chỉ là những con rối trong tay Gia Cát Lượng, không hiểu cũng phải chấp hành, hiểu cũng phải chấp hành.
Thật ra “Cẩm nang” là có thật, nhưng đó là chuyện của Tào Tháo với Trương Liêu (Tam quốc chí - Trương Liêu truyện) xảy ra vào năm thứ 20 đời Kiến An (năm 215). "Không thành kế" là có. Tào Tháo, Văn Sính, Triệu Vân nghe nói từng sử dụng, nhưng cũng rất đáng ngờ, phải tiếp tục khảo cứu. Tuy còn có tranh cãi, nhưng người ta rất ít nhắc đến Tào Tháo, vì nói chung dân chúng không ưa Tào Tháo, dù ông mới là người đáng bàn nhất trong 3 nhân vật: Lưu Bị, Tôn Quyền, Tào Tháo.
“Thuyền cỏ mượn tên” là kế của Tôn Quyền
Gần đây, các học giả Trung Quốc đã soạn sách “100 điều chưa biết về Gia Cát Lượng”, trong đó có nêu nhiều tình tiết thực trong lịch sử mà nhà văn đã hư cấu. Một số tình tiết tiêu biểu là:
1. Quan Vũ giết Hoa Hùng: Truyện Tam quốc diễn nghĩa kể Quan Vũ chém Hoa Hùng trong nháy mắt, khi chén rượu mời của Tào Tháo trước khi ra trận còn nóng. Nhưng thực tế theo sử sách thì người giết Hoa Hùng, bộ tướng của đổng Trác là Tôn Kiên, người khai nghiệp ở Giang đông.
2. Thuyền cỏ mượn tên: Trong trận Xích Bích nổi tiếng, có tình tiết Gia Cát Lượng đi cùng Lỗ Túc và 30 thuyền cỏ trong sương mù, khiến Tào Tháo không dám xuất quân mà chỉ bắn tên ra. Thế là hàng chục vạn mũi tên cắm vào thuyền cỏ quay ngang. Gia Cát Lượng thu tên về nộp cho Chu Du. Sự thực việc dùng “thuyền cỏ mượn tên” là do chính Tôn Quyền thực hiện.
3. “Sinh Du hà sinh Lượng?”: Tam quốc diễn nghĩa kể chuyện Gia Cát Lượng 3 lần chọc tức Chu Du khiến Du tức phải than: “Trời sinh Du sao còn sinh Lượng?” rồi chết. Sự thực là Chu Du chết bệnh trong quân ngũ, không liên quan đến việc bị Gia Cát Lượng chọc tức.
4. Cha con Gia Cát Chiêm tử trận: Do đề cao Gia Cát Lượng, La Quán Trung để con và cháu ông là Gia Cát Chiêm, Gia Cát Thượng, tử trận khi đặng Ngải vào Tây Xuyên. Sự thực là cha con Gia Cát Chiêm đã hàng Đặng Ngải.
|
Dịch giả Trần Đình Hiến (Gia đình & Xã hội)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.