Giả danh nhà sư để lừa đảo bị xử lý theo quy định nào?

Phi Long Thứ ba, ngày 20/02/2024 10:00 AM (GMT+7)
Hiện nay, phương thức lừa đảo nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác ngày càng nhiều và tinh vi, trong đó lợi dụng niềm tin tín tưỡng, tôn giáo, mạo danh nhà sư để lừa đảo rất phổ biến.
Bình luận 0

Mới đây, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Đà Nẵng vừa phát cảnh báo đến người dân về tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, sau Tết Nguyên đán nhu cầu đi thăm viếng chùa, tham gia các sự kiện lễ Phật của người dân tăng cao. Đây là các hoạt động tín ngưỡng của người nhân dân nhằm cầu xin sức khỏe, tài lộc.

Giả danh nhà sư để lừa đảo bị xử lý theo quy định nào?- Ảnh 1.

Người dân đi thăm viếng chùa, cầu bình an dịp đầu năm mới. Ảnh: D.B

Trước tình trạng trên, Công an TP. Đà Nẵng đề nghị người dân cần nâng cao cảnh giác, không tin, không nghe theo lời các đối tượng hành nghề mê tín dị đoan, khi có các vấn đề về sức khỏe nên đến các cơ sở khám, chưa bệnh để khám và điều trị, tránh trở thành nạn nhân cho các đối tượng này lợi dụng chiếm đoạt tài sản.

Liên quan tới vấn đề này, Luật sư Hoàng Anh Sơn, Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh nhận định:

Tùy theo tính chất, mức độ và mục đích của hành vi mà người giả danh nhà sư có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với hành vi mạo danh nhà sư để tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm đ, Khoản 7 Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP. 

Theo đó, phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Tổ chức hoạt động mê tín dị đoan. Đồng thời có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung như: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 3, điểm a khoản 4 và điểm đ khoản 7 Điều này.

Ngoài ra, người mạo danh nhà sư có thể xử lý về hình sự về Tội hành nghề mê tín dị đoan quy định tại Điều 320 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Cụ thể, người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: Làm chết người; Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Ngoài ra người giả danh nhà sư để lừa đảo tài sản của người khác nếu không thuộc trường hợp trên thì có thể bị xử lý hành chính: người vi phạm có thể bị xử phạt theo quy định tại điểm c, Khoản 1, Điều 15 và điểm b, Khoản 2, Điều 15 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Về mặt hình sự, người mạo danh lừa đảo có thể bị xử lý về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ[96].

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Để tránh bị lừa đảo các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, LS. Hoàng Anh Sơn đưa ra khuyến cáo:

Khi có nhu cầu tham gia sinh hoạt các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo cần đến những nơi được Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoạt động . 

Khi có các cá nhân, tổ chức xưng là nhà sư để yêu cầu đưa tài sản để thực hiện các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo thì cần phải yêu cầu người đó cung cấp thông tin nơi hoạt động, đồng thời liên hệ đến tổ chức, cơ sở tôn giáo nơi người đó hoạt động để xác minh thông tin của nhà sư. 

 Tham gia các buổi tuyên truyền về hoạt động tôn giáo của Cơ quan nhà nước để tránh bị dụ dỗ tham gia các hoạt động mê tín dị đoan. Không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP… cho bất kỳ ai không quen biết hoặc chưa biết rõ nhân thân về lai lịch. 

 Thường xuyên đổi mật khẩu để nâng cao tính bảo mật các tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng… Trường hợp nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo phải ngay lập tức liên hệ Cơ quan Công an gần nhất để trình báo.  

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem