Giá dầu giảm sốc còn 22 USD/thùng: PVN sẽ xem xét dừng mỏ, mua dầu thô

Huyền Anh Chủ nhật, ngày 22/03/2020 08:15 AM (GMT+7)
PVN tính toán nếu giá dầu trung bình cả năm giảm còn 30 USD/thùng, doanh thu bán dầu của tập đoàn sẽ giảm 2,35 tỷ USD, nộp Ngân sách Nhà nước từ dầu thô giảm 800 triệu USD. PVN đã tính toán đến kịch bản xấu nhất là buộc phải dừng hoạt động các mỏ, nhà máy lọc dầu, xem xét mua dầu thô khi giá dầu “rớt thảm”.
Bình luận 0

Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu WTI trên sàn giao dịch hàng hóa New York đứng ở mức 22,63 USD/thùng, giảm 8,63%. Dầu thô Brent sau khi giảm xuống mức thấp nhất 24,52 USD/thùng, thấp nhất kể từ năm 2003 đã bật trở lại và hiện đang đứng ở mức 26,98 USD/thùng.

Dầu thô và dầu Brent của Mỹ đều "bốc hơi" khoảng 40% trong hai tuần qua kể từ khi cuộc đàm phán giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, bao gồm Nga, dẫn đầu Ả Rập Saudi tăng cường cung cấp.

img

Giá dầu thô Mỹ chạm mức thấp nhất 18 năm

Giá dầu thô Mỹ chạm mức thấp nhất 18 năm ngay cả khi các quốc gia giàu nhất thế giới đổ viện trợ "chưa từng có" vào nền kinh tế toàn cầu để ngăn chặn suy thoái do Covid-19.

Đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với thị trường dầu khí thế giới, Ngân hàng Goldman Sachs dự báo nhu cầu dầu toàn cầu năm 2020 giảm kỷ lục khoảng 1,1 triệu thùng/ngày… Với tốc độ giảm 7-8%/ngày như hiện nay, giá dầu thô thế giới có nguy cơ giảm xuống mức dưới 20USD/thùng trong những ngày tới.

Doanh thu thiệt hại hơn 2 tỷ USD, ngân sách "hao mòn" 800 triệu USD

Trước diễn biến "lao dốc" của giá dầu, trong văn bản đánh giá tác động của dịch Covid-19 tới hoạt động của doanh nghiệp, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, đang chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực bởi tác động kép "giá dầu giảm và dịch Covid-19".

Theo Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng thì dưới tác động kép này, PVN đang phải trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử. Nhiều đơn vị trong Tập đoàn đang có nguy cơ mất cân đối, thậm chí là thua lỗ nếu như giá dầu không được cải thiện. Chuỗi giá trị của PVN cũng theo đó sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cụ thể, theo tính toán của PVN, nếu giá dầu ở mức 60 USD/thùng thì doanh thu bán dầu thô là 4,668 tỷ USD. Trong khi đó, nếu giá dầu trung bình cả năm giảm còn 30 USD/thùng, doanh thu bán dầu của tập đoàn sẽ giảm khoảng 2,35 tỷ USD, nộp Ngân sách Nhà nước từ dầu thô cũng giảm 800 triệu USD.

Hiện tại, giá dầu đã giảm về dưới 30 USD/thùng và ngày càng tiệm cận gần hơn với mức cản 20 USD/thùng. Như vậy có nghĩa rằng, mức "thiệt hại" của PVN đã vượt qua con số mà Tập đoàn này đã dự tính.

Hệ lụy từ việc giảm này sẽ tác động nặng nề không chỉ đối với PVN mà các địa phương liên quan. Đơn cử như tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, số thu ngân sách 2 tháng đầu năm của tỉnh đạt 15.177,8 tỷ đồng thì trong đó có 46% từ dầu thô (6.995,1 tỷ đồng).

Cũng theo PVN, nhu cầu vận tải, lưu thông sụt giảm cũng khiến các cửa hàng, đại lý xăng dầu hạn chế nhập hàng để chờ giá giảm, chiết khấu bán lẻ trên thị trường tăng mạnh so với thời điểm tháng 1/2020, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản phẩm của NMLD Dung Quất và NMLD Nghi Sơn.

Hiện tại tồn kho xăng dầu của NMLD Nghi Sơn ở mức rất cao, khoảng 70-85% và có nguy cơ đầy kho trong tháng 3/2020, tồn kho của Dung Quất có xu hướng tăng nhanh khi các khách hàng lùi lịch nhận hàng do tình hình tiêu thụ và sức chứa khó khăn.

Do tồn kho và khoảng chênh lệch giữa giá sản phẩm với giá dầu thô thấp khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) lỗ 313 tỷ đồng trong tháng 2. Lũy kế 2 tháng, số lỗ là 228 tỷ đồng

PVN nhận định tình hình kinh doanh xăng dầu của PVN dự kiến tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thua lỗ tăng cao nếu tình hình dịch bệnh không được kiểm soát trong thời gian tới.

Tính kịch bản xấu nhất, buộc phải dừng mỏ, xem xét mua dầu thô

Để ứng phó với tác động kép này, PVN đã tính toán các kịch bản xấu nhất, khi giá dầu xuống thấp nhất buộc phải dừng hoạt động các mỏ, nhà máy lọc dầu; tăng cường chia sẻ thông tin, nguồn lực, thị trường... nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động.

Đồng thời, có thể xem xét phương án mua dự trữ dầu thô, sản phẩm xăng dầu nhằm tranh thủ cơ hội giá dầu chạm đáy làm động lực tăng trưởng khi thị trường ấm trở lại. Mục tiêu là để tăng dự trữ dầu thô, vừa củng cố an ninh năng lượng, giúp ngân sách tiết kiệm ngoại tệ.

"Lợi ích từ nhập khẩu xăng dầu giá thấp không thể bù đắp. Quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn là Mỹ còn tính đến phương án tăng cường nhập khẩu dầu thô giá thấp để dự trữ thì Việt Nam càng cần cân nhắc bài toán duy trì sản lượng", PVN cho hay.

img

TGĐ PVN Lê Mạnh Hùng trao đổi về những vấn đề khó khăn, thách thức của Tập đoàn trong bối cảnh chịu tác động kép từ dịch Covid -19 và giá dầu xuống thấp (ảnh PVN)

PVN cũng kiến nghị Bộ Tài chính rà soát lại các chính sách thuế, phí đối với lĩnh dầu khí, như vấn đề thuế VAT đối với mặt hàng phân ure, thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng với hoạt động khai thác dầu khí, cơ chế tài chính cho Quỹ tìm kiếm thăm dò cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thăm dò - khai thác dầu khí...

Chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà PVN đang phải đối diện, ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đồng tình với các nhóm giải pháp mà Tập đoàn đã đề ra.

Cho rằng việc giá dầu xuống thấp chỉ là trong ngắn hạn, nếu PVN có thể giải phóng được nguồn lực, tranh thủ nắm bắt cơ hội, mở rộng phạm vi và quy mô đầu tư thì sẽ rất tốt cho nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 đang rất khó khăn. Đồng thời, ủng hộ quan điểm được lãnh đạo PVN đưa ra là đẩy nhanh việc hoàn thành các dự án đầu tư còn dang dở (các nhà máy Nhiệt điện: Thái Bình 2, Long Phú 1 và Sông Hậu 1); tạo cơ chế để tăng dự trữ dầu thô...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem